Nhà băng ngoại lặng lẽ chiếm thị phần

Thứ năm, 03/01/2013, 14:58
Trong khi các NHTM đang “đau đầu” giải quyết khối ung nợ xấu và những vấn đề nội tại thì các ngân hàng ngoại từng bước một mở rộng thị phần tại Việt Nam.

Năm 2012 là một năm đầy khó khăn, thách thức đối với hệ thống ngân hàng, các ngân hàng liên doanh, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, ngân hàng con 100% vốn ngoại tại Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ.

Tính đến cuối tháng 11/2012, tổng tài sản của khối ngân hàng có vốn ngoại tại Việt Nam đạt trên 520.000 tỷ đồng, giảm 4,5% so với cùng kỳ. Huy động vốn của khối này đạt gần 250.000 tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ, nhưng tín dụng giảm 1,27% so với cùng kỳ, đạt xấp xỉ 220.000 tỷ đồng. Tổng vốn điều lệ của các ngân hàng trong nhóm đạt 24.000 tỷ đồng, giảm 1,04% so với cùng kỳ.

Sự suy giảm của khối này được nhiều chuyên gia trong ngành nhìn nhận là tất yếu trong bối cảnh chung. Tuy nhiên, với sự hậu thuẫn của ngân hàng mẹ có tiềm lực tài chính mạnh và kinh nghiệm quản trị rủi ro tốt, các ngân hàng ngoại đang được coi là đối thủ nặng ký đối với các NHTM nội địa.

HSBC
 HSBC đã mở 16 chi nhánh và 2 VPĐD tại Việt Nam

Chia sẻ thông điệp hoạt động trong năm 2013, các ngân hàng nước ngoài đã không giấu tham vọng của mình.

Ông Louis Taylor, Tổng giám đốc Ngân hàng TNHH một thành viên Standard Chartered (Việt Nam) chia sẻ: “Trong năm tới, Standard Chartered Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện chiến lược thích ứng với mọi hoàn cảnh. Ngân hàng sẽ mở rộng đối tượng khách hàng trong nước, DN vừa và nhỏ, các nhà đầu tư bán lẻ; đồng thời, đẩy mạnh quan hệ với các tổ chức tài chính và các DN nhà nước”.

Dù đang là ngân hàng quốc tế lớn nhất tại Việt Nam, nhưng Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC (Việt Nam) đang đặt mục tiêu trở thành ngân hàng tốt nhất Việt Nam trên mọi lĩnh vực, ông Sumit Dutta, Tổng giám đốc cho biết.

Không chỉ có mạng lưới khách hàng nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, HSBC đã xây dựng được một mạng lưới nội địa vững mạnh, với 16 chi nhánh và phòng giao dịch cùng với 2 văn phòng đại diện. Năm qua, HSBC đã mở thêm 2 văn phòng đại diện ở Vũng Tàu và Hải Phòng.

“HSBC Việt Nam sẽ đẩy mạnh dịch vụ ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam, tạo điều kiện cho khách hàng có thể tiếp cận nhiều hơn với những sản phẩm ngân hàng như tiền gửi, cho vay và thẻ tín dụng”, ông Sumit Dutta nói.

Năm 2012 cũng là một năm đầy dấu ấn đối với ANZ (Việt Nam). Ông Tareq Muhmood, Tổng giám đốc ANZ Việt Nam chia sẻ, Ngân hàng đạt giải ngân hàng quốc tế cung cấp các sản phẩm, giải pháp ngoại hối tốt nhất và các sản phẩm nợ tốt nhất bởi các tạp chí uy tín của khu vực. Các sản phẩm mới được giới thiệu như thẻ tín dụng Platinum và cho vay cá nhân cũng ghi nhận có sự tăng trưởng tốt.

Chiến lược của ANZ Việt Nam trong năm 2013 được vị lãnh đạo cao nhất Ngân hàng chia sẻ là trở thành ngân hàng có mạng lưới tốt nhất và có uy tín nhất.

Điều này được hiểu là ANZ đang định hướng trở thành ngân hàng giao dịch hàng đầu (bao gồm dịch vụ quản lý dòng tiền và tài trợ thương mại), ngân hàng cung cấp các dịch vụ ngoại hối tốt nhất và ngân hàng quản lý tài sản tốt nhất. ANZ hy vọng, tăng trưởng tín dụng sẽ cao hơn trong năm 2013, đặc biệt là đối với khu vực xuất khẩu. Ngân hàng đã hoàn thiện hệ thống quản lý dòng tiền để triển khai vào đầu năm nay.

“Đối với mảng ngân hàng bán lẻ, tôi thực sự vui mừng về những con số tăng trưởng của phân khúc quản lý tài sản cũng như lượng sử dụng thẻ ANZ. Chúng tôi đã tự trang bị cho mình đầy đủ để tiếp tục tăng trưởng mảng cho vay mua nhà và hy vọng thị trường BĐS sẽ khởi sắc trong năm tới trong bối cảnh lãi suất đang xuống thấp”, ông Tareq Muhmood chia sẻ.

Việt Nam vẫn là một trong những thị trường chiến lược quan trọng, hấp dẫn, nên các ngân hàng nước ngoài không ngừng đầu tư cho hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. “Mặc dù đang trong thời điểm khó khăn, nhưng chúng tôi tin rằng, tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ sẽ quay trở lại và Việt Nam sẽ khẳng định vị trí của mình như là một điển hình thành công ở châu Á”, ông Sumit Dutta nhấn mạnh.

Xem ra, năm 2013 tiếp tục là một năm đầy sóng gió với các NHTM trong nước, một mặt do ảnh hường từ những khó khăn của nền kinh tế trong và ngoài nước; một mặt từ chính sức ép cạnh tranh của các ngân hàng ngoại.

Theo ĐTCK

Các tin cũ hơn