Đó là chàng trai trẻ Đinh Phước Nghiệp, ngụ ở ấp 2, xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh (TP.HCM), anh được Thành đoàn TP.HCM tuyên dương gương thanh niên sản xuất giỏi năm 2012.
Làm quen và thí điểm nuôi thử 50 con cá sấu vào năm 2009 nhưng chỉ sau một năm anh kiếm lời được gần 100 triệu đồng. Từ đó, Nghiệp nhận ra rằng đây là mô hình phù hợp, đồng thời mang lại lợi nhuận khá cao so với nhiều mô hình phát triển kinh tế nông thôn khác mà anh đã từng làm trước đó.
Đinh Phước Nghiệp bên trại cá sấu của mình. |
Sau những thành công bước đầu, năm 2011 anh mạnh dạn vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn khởi nghiệp của Hội LHTN thành phố đầu tư xây dựng ao chuồng, mua thêm con giống để phát triển đàn cá sấu với số lượng ngày một nhiều hơn.
Nghiệp cho biết: “Mỗi con cá sấu giống hiện tại có giá hơn 400.000 đồng (khoảng hơn 1 lạng/con), vì vậy trong 3 tháng đầu người nuôi cá sấu cần phải chăm sóc thật kỹ lưỡng nếu không chúng dễ bị chết. Giai đoạn này thức ăn của cá sấu là tép con phải được cắt đầu, cắt đuôi nếu không cá dễ bị mắc cổ, bỏ ăn”.
Sau thời gian 3 tháng, thức ăn chính của cá sấu là các loại đầu cá hoặc cá sống. Và sau 24 tháng kể từ ngày bắt đầu nuôi thì chúng ta có thể xuất chuồng, lúc đó mỗi con có trọng lượng từ 17 đến 20 kg, với mức giá hiện tại dao động từ 110.000 đồng đến 120.000 đồng/kg.
Hiện tại, trang trại của Nghiệp có 6 chuồng với 500 con cá sấu với nhiều độ tuổi khác nhau. Dự kiến tháng 4/2013, anh sẽ xuất chuồng khoảng 250 con. Nghiệp khoe: “Nếu không có gì trở ngại thì lứa xuất chuồng cá sấu tới đây trừ hết chi phí mình kiếm ít nhất hơn 200 triệu đồng”.
Nhận xét về mô hình này, anh Nguyễn Tấn Phụng, Bí thư Xã đoàn Bình Lợi cho biết: “Với vùng đất nhiễm phèn như Bình Lợi thì việc trồng trọt sẽ không mang lại hiệu quả là bao so với mô hình nuôi cá sấu. Đây là mô hình rất hay mà thanh niên nông thôn có thể học tập, áp dụng để mang lại hiệu quả kinh tế cao”.
Theo Thanh Niên