Ngay sau khi có thông tin, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 35 trong đó qui định từ 1/3/2013 sẽ triển khai thu phí ATM nội mạng, anh Nguyễn Hữu Tuấn (trú tại khu đô thị Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội), đã sử dụng dịch vụ ATM được hơn 3 năm nay, bày tỏ sự bức xúc: “Khi mở thẻ, trừ đợt khuyến mãi, người dùng đã phải mất phí ít nhất là 50.000 đồng, nhiều thì 100.000 đồng.
Chưa nói đến việc, người dùng còn phải mất phí duy trì thẻ, vậy mà bây giờ mỗi lần giao dịch nội mạng thôi người dùng lại còn phải mất phí nữa, như vậy là không hợp lý”.
Khách hàng chờ rút tiền tại một cây ATM của ngân hàng BIDV. |
Đồng quan điểm đó, chị Đỗ Hải Phương (ở Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân, Hà Nội) cũng bày tỏ: “Các ngân hàng đưa lý do là cần vốn để đầu tư cho máy ATM nhưng số dư tiền tại ATM họ chỉ trả lãi suất không kỳ hạn, tức rất rất thấp. Vậy, họ được hưởng lợi từ số tiền dư trong tài khoản của khách hàng sao không thấy họ nói gì cả (?!).
Đó là chưa kể thu phí nhưng liệu rằng chất lượng dịch vụ có còn cái cảnh phải chờ dài để rút tiền, rồi đang rút máy báo lỗi, hay mỗi lần rút chỉ được mức nhất định…?”
Lợi ít mà hại nhiều?
Trao đổi với PV, TS Đỗ Thị Kim Hảo, Giảng viên Khoa Ngân hàng (Học viện Ngân hàng) cho rằng, cá nhân bà ủng hộ quyết định thu phí ATM bởi đây là quy luật của thị trường.
“Rõ ràng là khi chúng ta đã sử dụng bất cứ dịch vụ nào thì chúng ta phải trả phí cho dịch vụ đó thì mới có thể duy trì. Việc thu phí này ở nước ngoài đã thực hiện từ rất lâu nhưng ở Việt Nam chúng ta, thời gian qua các ngân hàng chưa thực hiện thu là để người dân làm quen với các tiện ích từ ATM này. Khi đã qua giai đoạn này thì sẽ phải tiến hành thu phí, đó là điều bình thường”, TS Hảo nói.
TS Hảo cũng cho rằng, thực tế, việc thu phí cũng nhằm bù đắp lại khoản tiền vốn mà các ngân hàng đã phải bỏ ra để đầu tư, đưa máy ATM vào hoạt động và đồng thời giúp nâng cao chất lượng của dịch vụ.
Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, TS Nguyễn Minh Phong (Viện nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội) lại đưa ra những phân tích cho thấy, ngoài những tích cực, nếu không có sự điều tiết hài hòa, việc thu phí ATM nội mạng sẽ không chỉ gây ra tác động tiêu cực đối với người dùng mà sẽ tác động tới chính với ngân hàng và quản lý nhà nước.
Ảnh minh họa |
“Thực tế, ngân hàng đang được hưởng lợi từ những khoản thu trực tiếp phí duy trì dịch vụ và từ lợi nhuận danh nghĩa do chênh lệch lãi suất không thời hạn với có thời hạn cho tổng các khoản tiền lưu ký tối thiểu phải gửi 50.000đ/thẻ và các khoản tiền thường xuyên kết dư trên ATM...
Ngoài ra, các ngân hàng đang được thu tới 3.300 đồng /lượt rút tiền và thu 1.650 đồng /lượt kiểm tra thông tin và in sao kê các khoản phí từ tổng số 130 triệu giao dịch thanh toán liên mạng, với tổng giá trị giao dịch đạt khoảng 200.000 tỷ đồng mà các chủ thẻ ATM trên đã thực hiện hàng năm.
Trong khi đó, chi phí đầu tư toàn diện cho một cây ATM chỉ vào khoảng trên dưới 500 triệu - 1tỷ đồng. Tức thời hạn khấu hao của đầu tư một máy ATM hiện chỉ từ 2-3 năm thì quả là đáng ao ước đối với bất kỳ doanh nghiệp nào trong bối cảnh “ngưòi khôn, của khó” trên phạm vi toàn quốc và toàn cấu hiện nay.
Việc thu phí nội mạng về lý thuyết có thể tạo nguồn thu mới, nhưng cũng có thể gây thiệt hại lớn cho ngân hàng vì làm giảm thiểu các giao dịch trên ATM và hao kiệt nhanh chóng lượng tiền kết dư trên các tài khoản ATM, do người dùng ATM rút toàn bộ tiền mặt khỏi tài khoản để mang về nhà cất giữ nhằm giảm số lần và giảm phí giao dịch rút tiền qua ATM…”, TS Phong nhấn mạnh.
Thêm vào đó, ngoài những tác động trực tiếp đến người dùng, theo TS Phong: “Việc phổ biến dùng ATM là trực tiếp góp phần giảm tải thanh toán qua tiền mặt trong xã hội, do dó giảm bớt các chi phí và hệ quả tiêu cực của tình trạng này... Nếu thu phí giao dịch nội mạng ATM kéo theo hệ quả giảm sử dụng giao dịch ATM và tăng lượng tiền mặt kết đọng trong dân như phân tích ở trên, thì chắc chắn sẽ làm giảm và mất đi hiệu quả mục tiêu quan trọng nhất này”.
Từ thực tế, TS Phong cho rằng: “Số tiền phí 1.000 – 3.000 đồng/lần rút tiền giao dịch nội mạng ATM có thể không lớn đối với nhiều người có nhu cầu thực sự dùng ATM và thu nhập cao, nhưng Ngân hàng nhà nước cần cân nhắc thời điểm, mức thu, các điều kiện, cũng như trách nhiệm xã hội của các bên có liên quan để bảo đảm sự hài hoà lợi ích quản lý nhà nước chung, phát triển phương thức thanh toán chi tiêu không dùng tiền mặt trong thời gian tới”.
Theo TTVN