Tái cơ cấu
Thời gian qua, nhiều voucher Nhóm Mua phát hành ra (bán cho khách hàng) đã bị các đối tác là nhà cung cấp hàng hóa và dịch vụ từ chối kể từ khi Nhóm Mua rơi vào khủng hoảng do đấu đá quyền lực nội bộ.
Theo thông tin từ cuộc họp báo, Khải Silk yều cầu Nhóm Mua phải xuất trình giấy phép kinh doanh và con dấu thì mới chấp nhận trở lại voucher do Nhóm Mua phát hành.
Khải Silk cho rằng, nếu Nhóm Mua chứng minh được có pháp nhân (con dấu và giấy phép kinh doanh) thì Khải Silk sẵn sàng cung cấp lại dịch vụ.
Nhóm Mua đã trở lại hoạt động, nhưng giá trị của thương hiệu này bị sứt mẻ nhiều. |
Và ngay trong cuộc họp báo, ông Kyle Phạm - người vừa từ nhiệm CEO Nhóm Mua, nay trở lại với vai trò uỷ quyền điều hành Nhóm Mua do CEO mới của Nhóm Mua là Võ Thanh Hải ủy quyền - đã xuất trình các thứ mà Khải Silk yêu cầu.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Vân - Giám đốc kinh doanh Nhóm Mua, đến nay, đã có trên 70% đối tác của Công ty này chấp nhận trở lại việc sử dụng voucher của Nhóm Mua. Các đối tác còn lại, theo bà Vân, sẽ có quyết định sớm nhất vào ngày 16/1/2013 tới.
Cũng theo bà này, Nhóm Mua đang được tái cơ cấu, từ số lượng 880 người nay giảm xuống còn khoảng 400. Khác với cái tiếng Nhóm Mua nghe “hoành tráng và vang dội” trong thời gian qua, trong giấy phép kinh doanh được cấp ngày 20/12 vốn điều lệ của Nhóm Mua chỉ gần 9,7 tỉ đồng, trong đó Công ty cổ phần Địa Điểm (27,27%) và ông Võ Thành Trung nắm 72,73% (đại diện cho các nhà đầu tư).
Tom Trần còn lại bao nhiêu?
Theo bà Đường Thu Hương - Giám đốc truyền thông của Quỹ IDG Ventures Việt Nam, quỹ này chỉ là một cổ đông nhỏ trong Nhóm Mua, hai cổ đông lớn còn lại là Rebate Networks và Ru-net Global, do IDG Ventures Việt Nam kéo về. Và cũng theo bà Hương, Tom Trần vẫn còn cổ phần trong Công ty Nhóm Mua.
Nhóm Mua đã hoạt động trở lại và việc tranh chấp đã tạm lắng. Theo một số nguồn tin, Tom Trần đã thu về 800.000USD từ việc nhượng lại cổ phần tại Nhóm Mua và đã về Mỹ đón Giáng sinh và năm mới với gia đình. Tuy nhiên, thông tin từ bà Đường Thu Hương lại khác, cho thấy thông tin về vấn đề này có phần bị nhiễu.
Vấn đề thứ hai, mặc dù Nhóm Mua hậu Tom Trần đã có giấy phép kinh doanh và con dấu chính thức, song vấn đề con dấu bị đặt nghi vấn là giả ký trong các văn bản trước khi khi Tom Trần bị gạt khỏi vị trí CEO vẫn còn gây ấn tượng không tốt đẹp trong công luận về bộ sậu lãnh đạo Nhóm Mua thuộc phía các nhà đầu tư. Đây là vấn đề niềm tin và uy tín và chính là thách thức lớn nhất để Nhóm Mua trở lại thời hoàng kim về tiếng tăm trước đây.
Bên cạnh vấn đề niềm tin, các quỹ đầu tư trong Nhóm Mua và đặc biệt là IDG Ventures Việt Nam đã đánh mất thiện cảm của công chúng trong vụ việc này. Dư luận đồn thổi suốt thời gian qua rằng, việc Nhóm Mua sụp đổ là do các nhà đầu tư, mà trong đó vai trò chính là IDG Ventures Việt Nam.
Tuy nhiên tại cuộc họp báo, bà Đường Thu Hương lại cho biết, trong thời điểm căng thẳng tại Nhóm Mua, các nhà đầu tư đã có ý định buông xuôi và chính IDG Ventures Việt Nam thuyết phục mới có ngày Nhóm Mua hoạt động trở lại.
Quả thật, Nhóm Mua đã hoạt động trở lại, nhưng với giá trị bị sụt giảm lớn cả về giá trị lẫn thương hiệu.
Theo Lao Động