Trần Văn Gia quê huyện Tiên Sơn, Bắc Ninh, từng là công nhân xây dựng và hiện nay đã nghỉ do công ty không có việc làm và đang bị công ty nợ bảy tháng tiền lương. Khoản nợ lương này chưa biết đến khi nào được trả. Đồng lương cửu vạn tại chợ Đồng Xuân (Hà Nội) hiện nay của Gia chẳng thấm vào đâu, anh (và cả trăm đồng nghiệp khác ở nơi làm việc cũ) rất mong sớm được công ty trả cho bảy tháng lương còn nợ dù như anh nói, đó là việc “khó lắm”.
Gia chỉ là một trong số nhiều lao động đang bị mất việc, bị nợ lương và không đủ điều kiện để hưởng bảo hiểm thất nghiệp do cơ quan cũ nợ tiền bảo hiểm xã hội đến hơn một năm.
Theo báo cáo mới do tổ chức Lao động quốc tế (ILO) phối hợp điều tra cùng tổng cục Thống kê công bố, năm nay cả nước có gần 1 triệu lao động thất nghiệp do nền kinh tế không tạo ra đủ việc làm. Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị tăng đột biến lên 3,3%, trong khi năm 2011 chỉ khoảng hơn 2%.
Nay cả nước có gần 1 triệu lao động thất nghiệp do nền kinh tế không tạo ra đủ việc làm |
Tại Hà Nội, một trong hai thị trường lao động sôi động nhất cả nước, số người được đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp tăng đột biến.
Năm nay, cứ trung bình mỗi tháng có khoảng 4.000 lao động tới đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp. Tuy nhiên, số liệu này cũng chưa phản ảnh hết tình trạng mất việc làm của người lao động, vì trong thực tế, có rất nhiều lao động như Gia mất việc và biết rằng từ lâu mình không được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp nên phải tự giải quyết chuyện mất việc mà không có bất kỳ sự hỗ trợ nào.
Cơ quan quản lý im lặng
Trong khi đó, năm 2008, bộ Lao động – thương binh và xã hội đã trình Chính phủ ban hành quyết định 30/2009 về việc hỗ trợ người lao động mất việc làm và doanh nghiệp do suy giảm kinh tế.
Theo đó, ở những doanh nghiệp phải giảm từ 30% lao động hoặc 100 lao động trở lên sẽ được vay tiền với lãi suất 0% từ ngân hàng Phát triển Việt Nam để trả lương, trả nợ bảo hiểm… cho những lao động bị nghỉ việc. Người lao động mất việc làm mà chủ bỏ trốn, bị nợ lương sẽ được địa phương tạm ứng tiền từ ngân sách nhà nước để chi trả.
Thực tế, tình trạng mất việc làm, nợ lương và sa thải lao động năm 2008 không khốc liệt như năm nay. Theo bộ Lao động – thương binh và xã hội, cuối năm 2008 có gần 80.000 lao động mất việc làm, quý 1/2009 có khoảng 50.000 người, và quý 2/2009 con số giảm đi còn khoảng 17.000 người. Số lao động thất nghiệp, mất việc rơi vào năm 2008 có nguyên nhân do suy giảm kinh tế và chủ doanh nghiệp bỏ trốn.
Mặc dù việc vay vốn từ ngân hàng Phát triển Việt Nam – như chính sách đã ban hành – hoàn toàn không dễ dàng với doanh nghiệp, thể hiện ở việc hầu như không doanh nghiệp nào được vay, được giải ngân nhưng ít ra còn có một chính sách về vấn đề đó. Còn hiện nay, người lao động gần như phải tự bơi, tự xoay xở với khó khăn của mình mà không có sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý về việc làm và an sinh xã hội.
Vào tháng 9 vừa qua, bộ Tài chính và bộ Lao động – thương binh và xã hội đã cùng phối hợp trình Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ lao động mất việc không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp.
Theo đề xuất này, các tỉnh ứng ngân sách địa phương trả cho người lao động có trong danh sách trả lương của doanh nghiệp khoản tiền lương mà doanh nghiệp còn nợ người lao động. Nguồn tạm ứng từ ngân sách địa phương được hoàn trả từ nguồn thu khi thực hiện xử lý tài sản của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Trường hợp nguồn xử lý tài sản không đủ thì báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định.
Nhưng năm 2012 sắp kết thúc mà chính sách vẫn chưa được ban hành!
Theo SGTT