Tại buổi gặp mặt, ông Nguyễn Văn Bình (ảnh) cũng trả lời một số câu hỏi xung quanh các hoạt động của ngân hàng (NH) như điều hành lãi suất (LS), xử lý nợ xấu…
Vì sao vừa rồi NHNN không đặt trần LS cho vay chung, thưa ông?
Chỉ áp trần 5 lĩnh vực ưu tiên
Như chúng ta thấy, vốn tín dụng vào bất động sản rất lớn, vì trong nhiều năm qua lĩnh vực này tạo ra lợi nhuận khổng lồ, các doanh nghiệp (DN) bất động sản sẵn sàng vay với LS cao nhất để đầu cơ. Nếu áp một mức chung thì tín dụng của NH sẽ bị hút vào đây, không chảy vào lĩnh vực khác.
Cho nên, đối với trần LS cho vay chung NHNN đã, đang và sẽ không đặt ra, chỉ đặt trong các lĩnh vực cụ thể được ưu tiên gồm: nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, DN vừa và nhỏ, công nghiệp phụ trợ. Vừa rồi bổ sung thêm lĩnh vực công nghệ cao. Trong năm tới, NHNN tiếp tục hỗ trợ vốn cho các tổ chức tín dụng (TCTD) với LS hợp lý để đẩy mạnh 5 lĩnh vực này.
Theo NHNN, giá vàng trong nước cao hơn thế giới 5 triệu đồng/lượng cũng không gây ảnh hưởng kinh tế vĩ mô |
Nhiều ý kiến cho rằng việc xử lý nợ xấu còn quá chậm, thưa ông?
Nợ xấu luôn phải xử lý càng nhanh càng tốt, nhưng trong bối cảnh của nền kinh tế hiện nay, khó xử lý nhanh được. Như chính phủ Mỹ, họ đưa ra một cục tiền để mua đứt luôn các khoản nợ, không cần biết tốt hay xấu. Cơ quan quản lý chỉ nắm danh mục các khoản nợ, một quyết định là xong hết.
Nhưng làm được như vậy chỉ có Mỹ vì họ có nguồn lực lớn. Còn VN, nguồn lực lấy ở đâu ra? Trong hoàn cảnh chúng ta xử lý được như giai đoạn vừa qua không phải chậm mà là quá quyết liệt. Ví dụ, khi NHNN ban hành Quyết định 780 đầu năm 2012, sau 10 tháng các khoản nợ được các TCTD cơ cấu lại tháng cỡ 250.000 tỉ đồng, tương ứng 8% dư nợ tín dụng. Nếu không xử lý khoản nợ này, nợ xấu chắc sẽ tăng ít nhất thêm 8% so với hiện hành.
Mọi năm vào thời điểm này báo chí giật tít NH lãi khủng, nhưng năm nay đọc mãi không thấy bởi vì các NH trích lập dự phòng rủi ro rất mạnh. Họ phải lấy lợi nhuận bù đắp vào nợ xấu lớn. Mọi năm NH chia nhau vài tháng lương, năm nay không có tháng nào, thậm chí không có thưởng. Cổ tức thì không chia hoặc chia rất thấp; cán bộ NH bị sa thải nhiều... Điều đó cho thấy, hệ thống NH gồng mình xử lý nợ xấu bằng chính quyền lợi của cổ đông và NH.
Năm nay trích lập dự phòng rủi ro toàn hệ thống dự kiến 90.000 tỉ đồng, các NH dùng nguồn này xử lý 12.000 - 15.000 tỉ đồng nợ xấu. Tổng cộng các giải pháp, sau 11 tháng xử lý được 39.000 tỉ đồng nợ xấu. Nếu tính 90% của con số 90.000 tỉ đồng cũng tương ứng gần 4% nợ xấu toàn hệ thống. Những gì hệ thống NH có thể làm được đã làm hết sức.
Tôi phải luôn tuyên bố trước Quốc hội, Chính phủ xử lý nợ xấu là của nền kinh tế, làm sao chỉ mỗi mình NHNN được, chúng tôi chỉ biết cố gắng, còn kết quả có xử lý được hay không phải phụ thuộc cả hệ thống chính trị.
Kiến tạo thị trường vàng
2012 giá vàng biến động lớn, chênh lệch giá thế giới cao. Vậy năm 2013 có chính sách gì để quản lý thị trường vàng và thu hẹp khoảng cách này?
Tôi xin khẳng định Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng không đặt vấn đề giá trong nước phải sát giá thế giới, mà chỉ đặt mục tiêu ổn định giá vàng để ổn định kinh tế vĩ mô. Nếu để sát thì sẽ đi ngược và xóa bỏ Nghị định 24.
Còn chênh lệch vừa qua do có nguyên nhân khách quan, nhưng nó không gây ra những cơn sốt vàng như những năm trước đó. Nhu cầu mua vàng của người dân vẫn có, nhưng không sốt. Sở dĩ không sốt vì đối tượng mua vàng là ai, là chính các TCTD mua vàng vào để tất toán trạng thái, nhu cầu này lớn chứ không nhỏ.
Như hôm nay giá vàng trong nước cao hơn thế giới 5 triệu đồng/lượng, nhưng cũng không gây ảnh hưởng gì đến kinh tế vĩ mô. Vàng miếng không phải là mặt hàng quốc kế dân sinh, thiết yếu, trong luật Giá không quy định thuộc diện hàng bình ổn. Đất nước còn nghèo, để làm ra một đồng ngoại tệ phải đổi bằng nhiều mồ hôi, nước mắt. Nếu cứ phải bình ổn cho sát giá thế giới chỉ tạo cơ hội cho mấy ông kinh doanh vàng đầu cơ, kiếm lợi.
Trong năm tới, việc quan trọng nhất là phải chuyển toàn bộ quan hệ vay mượn vàng sang quan hệ mua bán, khi các NH hoàn tất việc đóng trạng thái, chấm dứt huy động vàng. NHNN sẽ ra tay kiến tạo thị trường với mục đích tăng thêm dự trữ quốc gia bằng vàng một cách có lợi nhất.
Ví dụ, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới 5 triệu đồng/lượng, tỷ giá ổn định, NHNN sẵn sàng xuất vàng ra bán, vì đó là cơ hội. NHNN là người kiến tạo ra thị trường vàng sắp tới, chứ không phải như thời gian trước, giá vàng do các thương nhân (đầu nậu) làm giá.
Tới đây giá trên thị trường vàng miếng trong nước sẽ do NHNN điều khiển, kiến tạo theo ý đồ của quốc gia, để chuyển đổi toàn bộ vàng đó thành tiền cho sản xuất kinh doanh, nhà nước giữ vàng, nền kinh tế có tiền.
Không hài lòng về báo chí Trả lời câu hỏi của PV: “Trong năm qua ông hài lòng và không hài lòng điều gì trong quản lý hoạt động ngành NH?”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nói: “Nếu nói hài lòng thì chúng tôi hài lòng về tất cả những gì đạt được. Năm ngoái nói lạm phát không dưới 1 con số, đưa lãi suất về 10% không ai tin. Khi đó tôi nói với NH, các NH nói anh làm được nhất định được thưởng huân chương, giờ tất cả cái đó thành sự thực. Hiện DN có tình hình sức khỏe tương đối, không cần mức tốt, đã vay được lãi suất 10-11%/năm, tỷ giá ổn định… Tất cả điều đó là hài lòng, nhưng không phải vì con số, mà vì tạo được sự ổn định vĩ mô. Điều đó chứng minh bất ổn vĩ mô không phải là con ngáo ộp, chúng ta hoàn toàn kiểm soát được, quan trọng phải làm cho đúng và quyết liệt, nhất quán. Còn không hài lòng nhất ở chỗ chưa có sự đồng thuận cao của báo chí. Nếu coi khó khăn của ngành NH trong năm qua là 100%, thì báo chí cũng chiếm tới 40-50%”. |
Theo Thanh Niên