Những con buôn nhỏ, người bán đất, người cầm cố tài sản, người vay lãi nóng... để trả nợ cho nông dân; còn các chủ thu gom lớn thì vẫn mất dạng.
Như ngồi trên đống lửa
Huyện Ngọc Hồi (tỉnh Kon Tum) là một trong những địa phương nhập sắn nguyên liệu lớn nhất về nhà máy cồn ethanol Đại Tân. Tại đây những ngày này, các tiểu thương cũng như nông dân như đang ngồi trên đống lửa vì mất tiền, sắn rớt giá.
Chị Nguyễn Thị Phúc (xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi) rơm rớm: “Từ cuối năm trước đến nay, em thu gom sắn rồi nhập cho mối lớn hơn về Quảng Nam, tiền chưa được trả mà nay nợ cứ ngập ngụa”.
Chị Phúc cho biết, chị cũng như những thương lái nhỏ khác ở xã này gom sắn nguyên liệu nhập cho bà Minh Thủy, bà Long Đàm... ở dưới thị trấn. Những năm trước họ trả đều đặn, nhưng gần 1 năm nay thì họ khất lần. Con số nợ của chị Phúc lên đến vài trăm triệu đồng. Bí quá, chị Phúc phải bán rẻ miếng đất giá 200 triệu để trả cho nông dân. Nhưng nợ vẫn chưa hết, chị phải cầm cố thêm sổ đỏ nương rẫy để trả nợ.
Chị Nguyễn Thị Phúc cũng như các tiểu thương thu gom sắn tại Kon Tum đang phải bán đất, cầm sổ đỏ để trả nợ sắn cho dân. |
“Hàng em chủ yếu nhập cho bà Minh Thủy, nhưng bà ấy nói hiện chưa có tiền trả nên em cứ gắng chờ. Giờ nghe nói nhà máy dưới kia bị vỡ nợ em càng lo thêm. Vừa rồi, em phải vay thêm tiền của bạn hàng để trả nợ ngân hàng dù lãi cao ngất ngưởng!” - chị Phúc cho biết.
Cùng hoàn cảnh như chị Phúc, chị Trần Thị Sen (thôn Măng Tôn, xã Bờ Y) cũng đang rất hốt hoảng. Số tiền chị Sen bị nợ hiện lên đến xấp xỉ 500 triệu đồng. Nhưng do buôn bán nhỏ và giữ uy tín với nông dân nên chị phải thế chấp sổ đỏ, vay ngân hàng để trả nợ. “Mấy chủ lớn cứ nói em ơi vài bữa nữa chị trả nhưng cứ lần lữa mãi đến giờ chưa có. Mà em tính, 1 tấn mì chị thu và bán lời vài ba chục ngàn, lấy tiền đâu? Đành vay mượn mà trả cho bà con vậy” - chị Sen kể.
Theo tính đếm, những hộ buôn bán nhỏ như chị Phúc, hiện xã Bờ Y có xấp xỉ trên dưới 30 người. Tất cả họ hiện đang rơi vào tình trạng nợ nần chồng chất chưa có cách gỡ.
Chị Nguyễn Thị Kim Tuyết (thôn Ngọc Hải, xã Bờ Y) vừa là đầu mối thu gom nông sản vừa có tới gần 8ha sắn cũng đang lâm vào cảnh dở khóc dở cười. Chị cho biết: “Hiện tại thì tôi chỉ nợ khoảng gần 200 triệu của người dân nhưng cũng đã hết cách kiếm tiền rồi. Nhà cửa cũng đã thế chấp, tài sản cũng đã bán. Có nhiều lúc không dám về nhà nữa. Còn bà Minh, bà Long (mối thu gom lớn) thì không biết như thế nào nữa”.
Lỗ chồng lỗ
Vừa gom mấy đống sắn phơi đang bị mốc meo vì mưa, chị Phúc lo lắng: “Nghe tin ngày 28/12 giá hàng khô tụt xuống còn 3.300đ/kg, không biết rồi có bù lỗ được không nữa”.
Trong lúc đó, những người như chị Phúc vẫn phải trả đúng giá công lẫn sản phẩm cho nông dân. “Bình quân, một người vác 50kg sắn tươi trên vai, phải leo qua bốn dốc đèo mới đưa hàng ra cho mình, mình đâu có thể trả giá xuống với họ như giá thị trường được” - chị Phúc tâm sự.
Còn chị Kim Tuyết cho biết, một hécta mì cho khoảng 10 tấn củ. Hai tấn tươi mới cho ra một tấn khô. Cộng với đủ thứ công như nhổ, gùi, chặt, bốc... và với giá xuống như hiện nay thì lỗ hoàn toàn!
Hiện tại, hàng trăm hộ nông dân trên địa bàn huyện Ngọc Hồi và Tây Nguyên đành phải chấp nhận bán thốc bán tháo sắn nguyên liệu xuống Quy Nhơn. “Mới hôm qua, tôi mới cho xuất 27 tấn xuống Quy Nhơn đó. Rút kinh nghiệm, mình chỉ bán hàng khi có tiền tươi, giá thấp nhưng mong sao có đủ mà trả nợ” - chị Trần Thị Sen cho hay.
Ông Nguyễn Cư - GĐ Công ty TNHH vận tải Tuấn Anh, trụ sở ở TP.Pleiku - cũng than vãn: “Cả đội xe của tôi cộng với xe hợp đồng là 20 chiếc đều chở nguyên liệu cho Nhà máy Đại Tân. Vậy mà nay nợ hơn 200 triệu họ vẫn chưa trả. Thôi thì phải cầm cố mọi thứ có thể mà trả nợ cho lái xe chứ biết làm sao chú!”.
Câu chuyện các nhà máy nhập nguyên liệu sắn đang bị phá sản cũng như không đáp ứng đủ nhu cầu đầu vào nguyên liệu đang gây nhiều xáo động. Không những vậy, rất nhiều nông hộ cũng như tiểu thương đang lao đao. Tuy nhiên khi đặt vấn đề này với các cơ quan chức năng thì đều được trả lời với thái độ bâng quơ, thậm chí rất vô tư.
Ông Đỗ Thanh Hải - Trưởng phòng NNPTNT huyện Ngọc Hồi - trả lời ngay: “Vấn đề này tôi chưa nắm được, tôi vừa chuyển về phòng này từ phòng tài chính cách nay hai tháng thôi!”.
Theo Lao Động