Nhìn lại kinh tế TP.HCM 2012

Thứ ba, 01/01/2013, 09:46
Phát huy vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, ngay cả khi gặp khó khăn do bị ảnh hưởng bởi suy thoái, kinh tế TP.HCM vẫn tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định, quý sau luôn cao hơn quý trước, góp phần tích cực cùng cả nước ngăn chặn suy giảm kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Năm 2012, tổng sản phẩm nội địa (GDP) của thành phố ước đạt hơn 595.000 tỷ đồng, tăng 9,2% và gấp 1,7 lần trung bình của cả nước.

Mặc dù chịu ảnh hưởng của khó khăn kinh tế toàn cầu nhưng thu ngân sách thành phố vẫn đạt mức 216 ngàn tỷ đồng, chiếm 30% thu ngân sách của cả nước.

Đánh giá về những thành quả đã đạt được trong năm 2012, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Lê Hoàng Quân, nói: "Trong bối cảnh khó khăn như vậy nhưng chúng ta cũng đã nỗ lực để góp phần ổn định tình hình kinh tế - xã hội. Có thể nói, những mục tiêu mà kết luận 10 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 01 của Chính phủ đề ra thì chúng ta đã đạt được với trách nhiệm rất cao".

kinh te
 Dù bao bộn bề khó khăn, tăng trường kinh tế TPHCM năm 2012 vẫn đạt 9,2%

Năm qua, thành phố cũng đã tập trung triển khai thực hiện chu đáo các chính sách hỗ trợ, giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp như các chính sách hỗ trợ về thuế, hỗ trợ về đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng…. Thành phố cũng đã đề ra nhiều mô hình mới rất thuyết phục và trở thành mô hình phổ biến chung cho cả nước.

Trong đó, chương trình kết nối giữa ngân hàng và doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, phần nào tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn, giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, đánh giá: "Sự ổn định phát triển của TP.HCM có tác động trực tiếp đến sự phát triển kinh tế xã hội của cả nước. Trong nhiều năm, kinh tế thành phố liên tục tăng trưởng cao. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch ổn định, đúng hướng. Đặc biệt là các nguồn lực xã hội được huy động và phát huy rất tốt, quy mô kinh tế được mở rộng, những sáng tạo, những mô hình mới rất thuyết phục và trở thành mô hình phổ biến chung cho cả nước".

Chương trình bình ổn thị trường của thành phố cũng đã phát huy tối đa hiệu quả. Trong đó, nổi bật là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của thành phố Hồ Chí Minh trong cả năm 2012 dừng ở mức 4,07% (thấp hơn mức tăng của cả nước là 6,52%), góp phần quan trọng trong việc ổn định giá cả các mặt hàng thiết yếu, kiềm chế lạm phát phục vụ đời sống người dân thành phố.

Ngoài ra, chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế cũng đã từng bước đi vào chiều sâu, đây được xem là điểm mấu chốt để tạo nên sức bật trong từng lĩnh vực, thúc đẩy kinh tế thành phố phát triển trong giai đoạn tiếp theo.

Cụ thể, chỉ tiêu tăng trưởng GDP giai đoạn 2011 - 2015 đạt 12%, giai đoạn 2016 - 2020 đạt 11%, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng khu vực công nghiệp, xây dựng dự kiến sẽ đạt bình quân 11%/năm trong 5 năm tới, trong đó ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học và công nghệ cao, công nghiệp sạch, tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo, năng suất lao động cao.

Kết quả kinh tế thành phố trong năm vừa qua chúng ta gặt hái được là sự cố gắng của các ngành, các cấp, các doanh nghiệp đã vượt khó đi lên dưới sự chỉ đạo và lãnh đạo tập trung, nhạy bén, năng động và quyết liệt của Thành ủy và chính quyền thành phố.

Ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp thành phố, nhận định: "2012 là năm cực kỳ khó khăn, ngoài sự hỗ trợ của chính quyền thành phố thì các doanh cũng đã tự nỗ lực để hoàn thành kế hoạch 2012. Trong hơn 3 năm khủng hoảng, các doanh nghiệp đã phải điều chỉnh, sắp xếp, tự rút ra bài học để từng bước có thể trụ lại được". Những kết quả đạt được của năm 2012 sẽ là nền tảng và cơ sở để năm 2013 thành phố đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 10%, đảm bảo phát triển bền vững, tạo đà cho việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015.

Tiến sĩ Trần Du Lịch, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố, nhấn mạnh: "Năm tới, chúng ta cố gắng giữ vững tốc độ tăng trưởng như năm nay. Đồng thời tập trung nâng cao chất lượng tăng trưởng, thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế. Tập trung nguồn lực để xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng, kỹ thuật và xã hội".

Bên cạnh đó, thành phố cũng quyết tâm thực hiện thành công Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị về phương hướng nhiệm vụ phát triển thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020. Theo đó, xây dựng thành phố Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại với vai trò đô thị đặc biệt, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đóng góp ngày càng lớn với khu vực và cả nước; từng bước trở thành trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của đất nước và khu vực Đông Nam Á; góp phần tích cực đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.

Theo VOH

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn