Du lịch, nếu nghĩ mới và làm khác...

Thứ năm, 03/01/2013, 08:35
“Có khó làm? Có tốn kém nhiều?” là câu hỏi đầy tâm tư mà nhiều người đã chia sẻ với nhau trong những ngày gần đây khi công ty Hanatour (Hàn Quốc) tung ra một loạt clip quảng bá về một số điểm đến du lịch ở Việt Nam. Mới đây, trên YouTube, trong vòng mười ngày đã có gần 100.000 lượt người xem đoạn clip giới thiệu cho loạt phim Khám phá Việt Nam cùng Martin Yan.

Hỏi ý kiến lãnh đạo nhiều công ty lữ hành, khách sạn, khi xem các đoạn phim ngắn này, họ đều nói: “Điều mong đợi đã tới!”

Hai cái thiếu

Các câu hỏi trên xuất hiện nhiều lần ở các hội nghị du lịch quốc tế. Câu trả lời từ lãnh đạo bộ Văn hoá – thể thao và du lịch, cũng như tổng cục Du lịch Việt Nam – có chung một ý: thiếu kinh phí và thiếu người thực hiện chuyên nghiệp.

Mỗi clip của Hanatour về Nha Trang, Đà Nẵng, Huế, Hội An và TP.HCM chỉ từ một đến bốn phút, không lời bình, chỉ có nhạc đệm, hình ảnh đẹp và ngắn gọn, song đầy đủ thông tin. Trong khi xem clip của một cơ quan xúc tiến địa phương, nơi có vịnh thuộc loại đẹp nhất thế giới, thay cho hình ảnh du khách vui vẻ thưởng ngoạn, là quan chức áo quần trang trọng, chưa kể có cảnh hội thảo du lịch.

du lịch
  Martin Yan đang dẫn chương trình ở Cẩm Thanh, Hội An.

Vài năm gần đây, Vietnam Airlines và các công ty lữ hành lớn đã phải tự bỏ ra chi phí khá lớn thực hiện những phim phóng sự, clip quảng cáo du lịch.

Lãnh đạo Bộ Văn hoá – thể thao và du lịch cũng như Tổng cục Du lịch Việt Nam đều than Chính phủ đầu tư cho xúc tiến du lịch quá ít nên mỗi năm mời được vài đoàn lữ hành, báo chí tại các thị trường trọng điểm vào khảo sát là đã hết. Một vị chức sắc trong ngành du lịch nêu kinh phí Malaysia đầu tư cho đoạn phim quảng bá về Truly Asia lên tới 20 tỉ đồng.

Năm 2006, nhóm điều hành Giang Sơn Travel (nay đổi tên là Gao Travel) có thực hiện đoạn phim dài 3 phút 47 giây, với các làm tương tự như của Hanatour. Ông Nguyễn Khắc Huy, giám đốc Gao Travel cho biết những hình ảnh trong clip trên được quay bằng máy quay phim cá nhân, rồi tự dựng, với chi phí thấp.

Bao nhiêu cho đủ?

Theo công ty dịch vụ và sản phẩm truyền thông Điền Quân, họ thực hiện 26 tập phim trong chương trình Khám phá Việt Nam cùng Martin Yan, với kinh phí khoảng 900 triệu đồng cho mỗi tập phim dài 24 phút. Chương trình này do hiệp hội Du lịch TP.HCM khởi xướng. Mức kinh phí này đủ để mời một nhà biên kịch Mỹ viết kịch bản, cũng như người dẫn chương trình là đầu bếp Martin Yan, cùng đội ngũ thực hiện ở 13 tỉnh/thành phố.

Được biết, tại hội chợ du lịch quốc tế ITE ở TP.HCM vào tháng 9/2012, Tổng cục Du lịch chi 800 triệu đồng cho một gian hàng để quảng bá, mà hình ảnh và ý tưởng được cho là không mới.

Xem đoạn phim với hình ảnh của Martin Yan trên YouTube, ông Nguyễn Văn Mỹ, giám đốc công ty dã ngoại Lửa Việt cho rằng, nếu có những người dám đầu tư như vậy thì mới hy vọng tạo sự thay đổi trong quảng bá du lịch Việt Nam. Ông Nguyễn Thiên Phúc, giám đốc phát triển sản phẩm công ty Vidotour, cũng đặt hàng để làm quà tặng cho du khách nước ngoài.

Bà Võ Thị Thắng, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, khi xem Khám phá Việt Nam cùng Martin Yan đã thổ lộ: “Tốn 1 triệu USD cho 26 tập phim là không nhiều. Khi tôi làm Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, hai cái yếu nhất của ngành du lịch là nguồn nhân lực và tuyên truyền quảng bá xúc tiến. Xây dựng chương trình hành động quốc gia về du lịch, có những khoản tiền có thể sử dụng làm những tập phim quảng bá tốt nhưng không làm được”.

Ý kiến của bà Thắng mang tầm vĩ mô. Còn ở góc độ người làm phim ở Hanatour hay Gao Travel, internet đang mở ra một cánh cửa rộng lớn với chi phí thấp để tiếp cận với đông đảo khách hàng trên toàn cầu. Miễn là biết nghĩ mới và làm khác.

Theo SGTT

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn