Nguy cơ làm thuê của du lịch nội địa

Thứ hai, 13/08/2012, 07:25
Các công ty lữ hành VN đang đối diện với nguy cơ làm thuê cho công ty nước ngoài ngay tại thị trường nội địa.


>> Du lịch vắng khách lẻ trong tháng cao điểm
>> Nâng cấp du lịch từ nhà vệ sinh
>> Kích cầu thị trường, hàng không bắt tay với du lịch
>> Người Việt mang 2 tỉ USD đi du lịch mỗi năm
 

Miếng ngon không được ăn
 

Du lịch nước ta đang tồn tại một thực trạng tồi tệ, các đối tác nước ngoài gom khách từ bên trong thị trường của họ và đưa qua VN, có cả hướng dẫn viên đi theo và được các nhà cung cấp của chính nước họ phục vụ.

Phần việc mà các DN lữ hành VN làm là rất nhỏ, nên tỷ lệ ăn chia không bao nhiêu


Tiến sĩ Phạm Trung Lương, Viện phó Viện Nghiên cứu phát triển du lịch VN

Theo Tổng cục Du lịch, 7 tháng đầu năm, VN đón 773.000 lượt khách Trung Quốc (TQ); 421.000 khách Hàn Quốc (HQ); 329.000 khách Nhật Bản (NB); 255.000 khách Đài Loan (ĐL). Còn cả năm 2011, có tới 1,4 triệu lượt khách TQ tới VN; 536.000 khách HQ; 482.000 khách NB; 423.000 khách Campuchia; 361.000 khách ĐL.

Đây là các thị trường khách dẫn đầu của ngành du lịch nội địa trong suốt nhiều năm qua với tốc độ tăng trưởng mỗi năm đều cao. Đơn cử khách TQ năm ngoái tăng tới 57%, Campuchia tăng 66% so với tốc độ tăng èo uột của các thị trường Mỹ, Úc, châu Âu.

Đặc biệt, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, những thị trường xa càng khó khai thác, thì thị trường gần trở thành ưu tiên của các doanh nghiệp (DN) lữ hành trong nước.

Tuy nhiên, các công ty du lịch tên tuổi của VN lại không trực tiếp đón được bao nhiêu lượng khách từ các thị trường tiềm năng này. Giám đốc một công ty du lịch lớn ở TP.HCM thừa nhận, họ không làm khách ĐL, Campuchia, TQ, HQ từ nhiều năm qua; số lượng khách NB mà công ty phục vụ sụt giảm hằng năm.

Nếu trước đây, mỗi năm công ty đón 2.000 khách Nhật, thì 7 tháng qua chỉ còn chừng 800 khách. “Cũng như nhiều công ty du lịch VN khác, chúng tôi không thể nào xâm nhập vào các thị trường tiềm năng này”, vị này khẳng định.

 



Có bao nhiêu khách nước ngoài tới nước ta thông qua các công ty
du lịch Việt Nam? - Ảnh: Ngọc Thắng


Hay như Vietravel, một công ty làm tốt thị trường khách inbound (nước ngoài vào VN), nhưng nửa đầu năm 2012 chỉ đón 1.000 khách ĐL; 5.000 khách HQ; 14.000 khách TQ… Một con số quá nhỏ bé so với tổng số khách của từng thị trường mà Tổng cục công bố.

Ông Trần Văn Long, Giám đốc Công ty du lịch Việt, cho biết văn phòng công ty ông ở Hà Nội có đón khách TQ, nhưng không nhiều, đa phần là khách đi bằng đường hàng không. Đối với các thị trường khác như NB, HQ, ĐL hay Campuchia, không có trong thống kê của công ty này.

Một số ít công ty du lịch VN công bố đón được khách Hàn, khách Nhật, TQ nhưng thực tế chỉ là “bán giấy phép”, hưởng phần trăm hoa hồng.

Cụ thể, họ “bắt tay” với công ty du lịch nước ngoài tổ chức tour ở VN, việc điều hành tour hoàn toàn do công ty nước ngoài thực hiện, thậm chí cả việc hướng dẫn đoàn (như báo chí từng phản ánh người nước ngoài ngang nhiên làm hướng dẫn viên du lịch (HDV) ở Việt Nam dù bị cấm), còn họ chỉ làm trên danh nghĩa.

Tiền chảy sang nước ngoài

Theo tiến sĩ Phạm Trung Lương, Viện phó Viện Nghiên cứu phát triển du lịch VN, du lịch nước ta đang tồn tại một thực trạng tồi tệ, các đối tác nước ngoài gom khách từ bên trong thị trường của họ và đưa qua VN, có cả hướng dẫn viên đi theo và được các nhà cung cấp của chính nước họ phục vụ.

Phần việc mà các DN lữ hành VN làm là rất nhỏ, nên tỷ lệ ăn chia không bao nhiêu. Một DN du lịch cũng cho biết các công ty du lịch của HQ, NB, TQ thường nhờ người quen đứng tên một công ty ở VN, rồi điều hành từ A đến Z mỗi khi đưa khách sang.

Với lợi thế lấy khách từ bên trong, các công ty du lịch VN chẳng thể nào cạnh tranh được với họ.

Một chuyên gia người nước ngoài cảnh báo các công ty du lịch nước ngoài đang thọc sâu bàn tay vào thị trường VN nhưng các phản ứng của ngành du lịch là rất yếu ớt. Sẽ tới lúc du lịch VN làm thuê cho các công ty nước ngoài trên chính tài nguyên giàu có của mình.

Ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty du lịch Vòng Tròn Việt, cho biết ở Thái Lan, các công ty VN đưa khách qua chỉ đảm nhiệm khoảng 20% công việc, chủ yếu là đặt vé máy bay, trưởng đoàn theo đoàn và di chuyển tới sân bay. Phần việc này kết thúc ngay tại cửa khẩu vào Thái Lan.

Đối tác Thái Lan sẽ lo ăn ở, tham quan, mua sắm, vận chuyển… trên lãnh thổ của họ mà phía VN không được can thiệp. Sở dĩ các DN lữ hành HQ, TQ, NB, ĐL làm hầu hết công việc cho một đoàn khách ở VN là vì họ có chân rết, có hệ thống nhà hàng, khách sạn ở VN.

Thậm chí đưa cả hướng dẫn viên qua VN để dẫn đoàn. Trong khi chẳng có công ty du lịch trong nước nào có khả năng làm được điều này ở nước ngoài.

Một DN cho rằng Tổng cục Du lịch nên có số liệu thống kê có bao nhiêu du khách nước ngoài trong tổng số 6 triệu lượt khách đến VN năm 2011 sử dụng dịch vụ của các công ty du lịch VN. Con số này chắc chắn không lớn. Ngành du lịch phải biết rõ thực tế điều hành của chúng ta như thế nào, từ đó có các biện pháp ngăn chặn được tình trạng rối loạn thị trường hiện nay. Đồng thời khắc phục việc doanh thu từ du lịch lớn nhưng lại chảy về túi nước ngoài.

Theo ông Phạm Trung Lương, lữ hành VN quá yếu, công tác xúc tiến quảng bá không tới nơi tới chốn; chất lượng dịch vụ không đảm bảo; nhiều hướng dẫn viên chưa đáp ứng được yêu cầu, những điểm yếu này đã đẩy du khách nước ngoài ngày càng xa rời tầm tay của DN du lịch trong nước.

 

Thị trường rối loạn

Theo Thanh tra Sở TT-VH-DL TP.HCM, ngày 10.5.2012, đoàn kiểm tra liên ngành của Sở phát hiện ông Hoàng Đoàn Bảo Giang đang hướng dẫn đoàn khách 47 người HQ tham quan, do Công ty Vi Na Cát Tường thực hiện, nhưng ông này không có thẻ hướng dẫn viên quốc tế.

Ngoài ra, trên xe còn có 2 người HQ làm hướng dẫn viên là ông Kim Huyn-oh và bà Lee Bora. Ông Kim trình bày đã làm việc tại công ty trên 3 tháng qua và đã hướng dẫn cho 3 đoàn khách HQ tham quan VN. Công ty này cũng chưa có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế.

Cũng trong tháng 5, Thanh tra Sở cũng phát hiện một trường hợp người HQ tên là Lee Yoon-hee trực tiếp hướng dẫn đoàn khách Hàn 35 người của Công ty Dặm Xanh. Công ty này vi phạm hàng loạt điều khoản về kinh doanh lữ hành, trong đó có việc thuê người nước ngoài làm hướng dẫn viên.

 

Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn