Những con số chứng minh bà chủ TH Milk "ngoa ngôn"

Thứ hai, 13/08/2012, 06:44
Trong khi dư luận xôn xao về tuyên bố “không có đối thủ” của bà chủ TH Milk thì Tổng Thư ký Hiệp hội sữa Việt Nam đã đưa ra những con số để chứng minh điều bà Thái Hương nói không đúng sự thật.
 
Theo ông Trịnh Quý Phổ, Tổng thư ký Hiệp hội sữa Việt Nam: 22.000 con bò sữa của TH chỉ bằng 15% tổng số bò của cả nước, sao có thể nói là "không có đối thủ".
 
“Giữa lượng sữa TH True Milk sản xuất ra so với lượng sữa hiện nay trong nước thu mua chẳng đáng bao nhiêu, khác nào như con tem dán trên mông con voi”, ông Trịnh Quý Phổ, Tổng Thư ký Hiệp hội sữa Việt Nam cho biết.

22.000 con bò sữa của TH chỉ bằng 15% tổng số bò của cả nước

Sáng ngày 9/8/2012, ông Trịnh Quý Phổ - Tổng Thư ký Hiệp hội sữa Việt Nam đã đưa cho chúng tôi xem bản Quyết định phê duyệt quy hoạch sữa Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn tới năm 2025 của Chính phủ.

Theo tài liệu này thì tính tới ngày 1/10/2011, cả nước có 142.702 con bò sữa, trong đó, bò cái vắt sữa là 102.667 con, sản lượng sữa 345.444 tấn.

Như vậy, 22.000 con bò sữa của TH True Milk chỉ chiếm khoảng 15% so với số bò này của cả nước. Cũng cần lưu ý thêm rằng: thông thường tổng đàn là vậy nhưng số bò đưa vào vắt sữa cao lắm chỉ đạt khoảng 50% tổng đàn.

 
 
Theo ông Phổ, việc chăn nuôi bò sữa của các công ty sữa từ trước tới nay vẫn phát triển vượt bậc, hàng triệu người nông dân vẫn nuôi bò sữa để phục vụ nhu cầu của người dân Việt Nam.

Nguyên vùng Hà Nội (trong đó có Ba Vì) tính tới ngày 1/10/2011 có 9.665 con bò sữa, trong đó bò cái vắt sữa 6.655 con, vùng Sơn La (trong đó có Mộc Châu) sở hữu 7.365 con bò sữa trong đó bò cái vắt sữa 3.725 con, còn TP.HCM 77.329 con bò sữa, trong đó, bò cái vắt sữa là 61.245 con, sản lượng là 214.014 tấn.

“TH Milk có tổng đàn 22.000 con bò, số bò vắt sữa chắc chắn không thể cả số đó được, mà đã quảng cáo là ghê gớm, “không có đối thủ cạnh tranh”.

Cũng cần làm rõ rằng năng suất sản lượng vắt sữa mùa hè khác (chỉ bằng 50% so với mùa đông). Chỉ cần làm một phép thống kê như trên thì có thể thấy, tôi dùng từ “ngạo mạn” cho tuyên bố của TH Milk là chẳng hề sai” – ông Phổ nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo ông Phổ, con số 22.000 con bò sữa mà bà chủ TH Milk thông báo cũng phải kiểm chứng lại, bởi TH Milk mới tham gia thị trường sữa từ năm 2010. 

Trong khi đó, tính tới ngày 1/10/2011, theo tài liệu của Nhà nước cung cấp thì cả vùng đất Nghệ An, bao gồm cả trang trại bò sữa của Vinamilk, TH Milk và cả số bò nuôi trong dân cũng chỉ đạt con số 16.436 con, trong đó, bò cái vắt sữa là 6.542 con.

Ngoài ra, “dự kiến doanh thu đến năm 2013 của TH Milk đạt 3.700 tỷ đồng, tôi nghĩ cần phải phân tích cụ thể ra xem 3.700 tỷ đồng đó có phải của riêng sản phẩm sữa không, hay bao gồm cả rau sạch, dược liệu trong đó…

Bởi 3.700 tỷ đồng khó đạt được đối với riêng ngành sữa của TH Milk mới thành lập từ năm 2010 – Ông Phổ nói.

“Con tem dán trên mông con voi”

Theo Thống kê của Nhà nước tính đến 01/10/2011 cả nước có 142.702 con bò sữa trong đó bò cái vắt sữa 102.667 con, sản lượng sữa thu được 345.444 tấn. Trung bình năm 2010, mỗi người dân Việt Nam dùng hết 15 lít sữa nước/năm, tới năm 2015, nhu cầu sữa của một người dân ước tính là 21 lít/người/năm, năm 2020 tương ứng là 27 lít/người/năm.


So sánh giữa nhu cầu sữa hiện nay trong nước thu mua với lượng sữa TH True milk sản xuất ra, theo ông Phổ là “không đáng bao nhiêu, chẳng khác nào như con tem dán trên mông con voi”.

Cũng theo quyết định phê duyệt quy hoạch sữa Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn tới năm 2025 của Chính phủ, mục tiêu sản lượng sữa của các công ty được đặt ra rất lớn. Tới năm 2015, cả nước phấn đấu đạt 1,9 tỷ lít sữa tươi, năm 2020 là 2,6 tỷ lít, năm 2025 là 3,4 tỷ lít sữa tươi.

Như vậy, so sánh giữa nhu cầu sữa hiện nay trong nước thu mua với lượng sữa TH True Milk sản xuất ra, theo ông Phổ là “không đáng bao nhiêu, chẳng khác nào như con tem dán trên mông con voi”.

Trong khi đó, mới đây, bà Hương đã thông tin tới báo chí: sau 1 năm rưỡi ra đời, TH Milk đã chiếm được khoảng 33% thị phần thị trường sữa tươi trong nước. Đối chiếu với những con số nêu trên, điều này thực sự có đúng không?

Hơn nữa, với điều kiện ở Việt Nam, theo những chuyên gia trong ngành bò sữa, việc cung cấp 100% sữa tươi cho thị trường trong nước là không khả thi.

Đã từng làm việc ở Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp Thực phẩm, ông Phổ cho biết: Ông đã từng đi khắp các nông trường chăn nuôi bò sữa mà Chính phủ đã đầu tư hàng tỷ đồng ngân sách để phát triển các nông trường bò sữa nhưng không thành công.

“Phải biết rằng các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, thậm chí kể cả Trung Quốc, Thái Lan cũng không thể phát triển như Mỹ, New Zealand hay các nước Châu Âu được” – ông Phổ nhận định.

Nghịch lý trong câu nói của bà chủ TH Milk

Trước đó, bà Thái Hương đã đưa ra các thang điểm để tự chấm cho sự thành công của mình. Trong đó Việt Nam có 100 điểm về đất đai, khí hậu còn Israel chỉ đạt 50 điểm. Về công nghệ, Việt Nam chỉ được 30 điểm nhưng Israel đạt tới 100 điểm.


Khí hậu Việt Nam không thuận lợi cho chăn nuôi bò sữa, chứ không phải đạt 100 điểm về đất đai, khí hậu trong khi Israel chỉ đạt 50 điểm.

Từ đó, bà kết luận: “Israel chỉ 150 điểm mà họ đã rất thành công trong chăn nuôi bò sữa, tôi mua công nghệ của Israel, được những 230 điểm, vậy chắc chắn sẽ thành công”.

Tuy vậy, bẻ gẫy tất cả các luận điểm này, ông Phổ cho rằng: Suy nghĩ thời tiết Việt Nam thuận lợi hơn Israel về chăn nuôi bò sữa là sai. Bởi Nghệ An nói riêng và Việt Nam nói chung có khí hậu nhiệt đới, gió mùa ẩm khó khăn trong chăn nuôi bò hơn so với Israel (khí hậu khô, nóng).

Thêm vào đó, các công ty sản xuất sữa lớn của Việt Nam cũng đều đang áp dụng các công nghệ hiện đại, tiên tiến của thế giới, không riêng gì TH True Milk.

Ngoài ra, toàn bộ nguồn thức ăn cho bò mà TH Milk đang sử dụng là nhập khẩu từ nước ngoài về. Theo ông Phổ, nguồn thức ăn nhập khẩu nuôi bò với Việt Nam là tất yếu nhưng nhập bao nhiêu là phù hợp lại là vấn đề khác, vì nhập khẩu 100% thức ăn sẽ là cơ sở đội giá thành của sữa lên cao.

Như vậy, tất cả các thông số nêu trên có thể coi là một phần lời giải cho lý do tại sao Tổng thư ký Hiệp hội sữa Việt Nam, ông Trịnh Quý Phổ đã từng nhận xét: lời khẳng định tới quả quyết của bà Thái Hương về việc “không có đối thủ” là ngạo mạn và ngoa ngôn.


Theo Giáo Dục

Các tin cũ hơn