Thị phần xăng dầu cả nước: Petrolimex chiếm 50%

Thứ năm, 03/01/2013, 14:45
Đến hết tháng 10/2012, Petrolimex chỉ còn chiếm khoảng 50% thị phần, PV Oil tăng lên 16,6%; Thanh Lễ tăng lên khoảng 5,3%. Một số doanh nghiệp đầu mối như Saigon Petro, Xăng dầu Quân đội bị giảm mạnh.

Theo ghi nhận của Bộ Công thương tại báo cáo rà soát, đánh giá và đề xuất hướng sửa đổi Nghị định 84 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, NĐ84 đã tạo điều kiện hình thành môi trường kinh doanh cạnh tranh, thể chế hóa một bước về điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước.

Đồng thời, Nghị định cũng đã đưa ra một số công cụ kinh tế công khai, minh bạch thay thế cho công cụ hành chính trong điều hành như Quỹ Bình ổn giá, giá cơ sở và công thức tính giá cơ sở...

Thống kê cho thấy, đến nay cả nước đã có 13 thương nhân đầu mối kinh doanh nhập khẩu xăng dầu (9 DNNN, 4 doanh nghiệp ngoài quốc doanh); khoảng 300 tổng đại lý, 4.500 đại lý và khoảng 10.000 cửa hàng xăng dầu, phần lớn ngoài quốc doanh.

petrolimex
 Theo Petrolimex, hiện thị phần xăng dầu tại thị trường nội địa chiếm khoảng 48%.

Về thị phần, đến hết tháng 10/2012, Petrolimex chỉ còn chiếm khoảng 50%, TCT Dầu Việt Nam (PV Oil) từ 13% năm 2008 đã tăng lên khoản 16,6%; TCT thương mại xuất nhập khẩu Thanh Lễ tăng từ khoảng 1,8% (năm 2008) lên khoảng 5,3%.

Có một số doanh nghiệp đầu mối bị giảm thị phần, như Công ty TNHH một thành viên Dầu khí Thành phố Hồ Chí Minh - Saigon Petro từ khoảng 7,8% (năm 2008) xuống còn khoảng 6,5%; Tổng công ty Xăng dầu Quân đội từ khoảng 5,8% (năm 2008) xuống còn 2,4%.

Tại một số báo cáo gần đây của Petrolimex, Tập đoàn khẳng định, theo tính toán của Petrolimex, thị phần của Tập đoàn này tại thị trường xăng dầu nội địa chỉ đạt khoảng 48%. Trên cơ sở đó, Petrolimex phủ nhận thông tin cho rằng, thị phần của Petrolimex là 60% và như vậy đang giữ vị trí độc quyền.

Cũng từ khi áp dụng NĐ84, Nhà nước đã không còn phải bao cấp, bù lỗ xăng dầu. Theo đánh giá của Bộ Công thương, giá bán lẻ xăng dầu trong nước về cơ bản phản ánh và bám sát được xu hướng biến động giá xăng dầu thế giới, đã làm giảm đáng kể tình trạng buôn lậu xăng dầu, chảy máu ngoại tệ...

Trước ngày 15/9/2008, để ổn định giá bán lẻ xăng dầu, Nhà nước thực hiện cơ chế bù giá qua thương nhân đầu mối. Chỉ tính riêng trong 2 năm 2007 và 2008, khi giá xăng dầu chưa được vận hành theo cơ chế thị trường, số tiền ngân sách nhà nước phải chi ra để bù lỗ lên đến khoảng 33.625 tỷ đồng.

Nghị định ra đời, quy định rõ nguyên tắc quản lý giá bán xăng dầu “theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước”. Với nguyên tắc này, thương nhân đầu mối tự chịu trách nhiệm về hoạt động kinh doanh của mình, đúng cơ chế thị trường và nhà nước không bao cấp, bù lỗ.

Thương nhân đầu mối có trách nhiệm tham gia bình ổn giá theo quy định của pháp luật hiện hành và được bù đắp lại những chi phí hợp lý khi tham gia bình ổn giá.

Theo Dân Trí

Các tin cũ hơn