Ở Việt Nam cũng có những “đại gia” bỏ tiền ra có khi cũng đủ để làm cả mấy dự án đó. Nhưng thực tế thì mỗi dự án làm ra không biết thất thoát bao nhiêu %, mà chỉ thấy ví dụ một con đường nhỏ thi công cũng có tới 3, 4 nhà thầu sang lại công trình, chẳng biết có ông chủ thầu nào chịu đi làm không công không nữa? Ngay cả như tuyến đường cao tốc Trung Lương cũng thế, có rất nhiều chuyện để nói, hết gian lận trong chọn thầu lại đến đủ thứ chuyện khác.
Ảnh minh họa. |
Nói tới đó là lại nghĩ: kinh tế thì cứ nói là khó khăn, ngành nào cũng kêu lỗ (điện lực vừa lại kêu lỗ hàng ngàn tỉ…). Ấy vậy mà giới chức của họ từ trên xuống dưới hình như có thấy ai lương thấp đâu? Nếu tính đồng lương một tháng được tới vài chục triệu thì cũng thử hỏi các vị giới chức đó lấy tiền đâu mà mua xe, tiền đâu mà đi ăn nhậu có bữa tới cả trăm triệu, tiền đâu mà mua bao nhiêu căn nhà, biệt thự, đất đai?...
Họ có phải cực như người dân đâu mà biết dân cực? Người dân thì những người dù có bằng cấp cao, lương khá hơn thì tháng lương cũng đủ mua sữa và ăn uống cho con là chính. Lấy tiền dư thừa đâu ra mà cho con đi quán bar, ăn nhậu, hút chích, chơi bời thỏa mái…
Ngành xăng dầu kêu lỗ trầm trọng… Kêu lỗ thì cố giữ làm gì, hãy để tư nhân tự kinh doanh xăng dầu đi, giá cả cạnh tranh sẽ tốt hơn. Trong khi xăng thế giới vừa tăng giá 1 chút có thêm vài USD/ thùng, thì giá Việt Nam tăng tới cả mấy chục USD, cao hơn cả bên Mỹ. Mỗi lần tăng cũng từ 1.000 tới 3.000đ/ lít. Ấy vậy mà khi giá xăng thế giới giảm mạnh thì ở Việt Nam còn lâu giá mới xuống. Nhưng không bao giờ xuống quá được 1.000đ/lit, chỉ xuống dè dặt 300- 500đ/ lít thôi.
Nông dân và công nhân là những người trực tiếp làm ra các sản phẩm phục vụ xã hội, nhưng họ luôn là những người khổ nhất, lo cái ăn, cái mặc, lo kiếm sống ngày càng quá sức… Với họ nói tới vài chục triệu thôi đã là cả mục tiêu phấn đấu. Còn tiền tỉ ư? Chắc chỉ dám... nằm mơ giữa ban ngày...
Theo Dân Trí