HBB thấp thỏm chờ cổ đông SHB "quyết" vụ sáp nhập

Thứ bảy, 05/05/2012, 11:30
Hôm nay, 5/5 NHTMCP Sài Gòn Hà Nội (SHB) tổ chức Đại hội cổ đông thường niên 2012. Một trong những nội dung quan trọng là thông qua đề án sáp nhập NHTMCP Nhà Hà Nội (Habubank) vào SHB.

>>Hoán đổi HBB-SHB: Tỷ lệ thực tế là 1 HBB đổi 0,62 SHB?
>>Nhà đầu tư ủng hộ kế hoạch sáp nhập HBB và SHB
>> Lợi ích nào cho việc sáp nhập giữa HBB và SHB?


 


Câu chuyện lùm xùm sáp nhập giữa Habubank
và SHB hơn một tháng qua, hôm nay sẽ có lời kết?

 

Trước thềm ĐHCĐ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chính thức "bật đèn xanh" cho thương vụ sáp nhập Habubank vào SHB.

Trước ngày ĐHCĐ của SHB nhà băng này cũng đã công bố bản đề án sáp nhập giữa Habubank và SHB, trong đó nổi lên vấn đề đáng lưu ý, khoản lỗ 4.066 tỷ đồng của NH Habubank bỗng "bốc hơi" chỉ còn 1.829 tỷ đồng tính tới ngày 29/2/2012 và SHB khẳng định, NH sau sáp nhập sẽ bù hết khoản lỗ này ngay trong năm 2012.

Chủ tịch HĐQT SHB Đỗ Quang Hiển khẳng định, cơ sở để điều chỉnh lại là do, trong báo cáo kiểm toán trước đây đơn vị kiểm toán kết luận Habubank chịu khoản lỗ lũy kế là 4.066 tỷ đồng – số lỗ này trên cơ sở trích lập dự phòng đầy đủ đối với các khoản cho vay và đầu tư ở mức độ xảy ra rủi ro cao nhất.

Nguyên nhân chính là do trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ cho các khoản vay và trái phiếu của Vinashin ngay trong năm đầu lên tới 2.236,36 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau khi kiểm toán lại tài sản, đơn vị kiểm toán yêu cầu Habubank phải trích lập dự phòng các khoản tiền gửi liên NH đã quá hạn. Nhưng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), những khoản này đến 2013 mới phải trích lập. Trước đó, đơn vị kiểm toán yêu cầu trích lập 50% các khoản đó nên ảnh hưởng đến lợi nhuận của Habubank.

Theo đề án NH sau sáp nhập, sẽ xây dựng phương án trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ cho các khoản vay và trái phiếu Vinashin trong vòng 5 năm, mỗi năm là 447,2 tỷ đồng. Như vậy số lỗ lũy kế của Habubank tại thời điểm 29/2/2012 là 1.829 tỷ đồng chuyển sang SHB sau sáp nhập. Số lỗ này sẽ được bù lỗ ngay trong năm 2012 khi dự kiến lợi nhuận của NH SHB sau sáp nhập là 1.850 tỷ đồng.

Lãnh đạo SHB tỏ ra khá tự tin khi dẫn cứ một loạt cơ sở cho việc "gánh gồng" khoản lỗ lớn của Habubank.

-  Trước tiên, sẽ thu hồi các khoản nợ quá hạn từ tiền gửi thị trường liên NH của Habubank trước khi sáp nhập ngay trong khi đó khoản tiền gửi quá hạn này cũng đã được trích lập dự phòng là 263 tỷ đồng. Khả năng thu hồi khoản nợ này là 100%.

-  Thứ hai là, dự kiến thu hồi các khoản nợ quá hạn, nợ xấu của Habubank đã được trích lập dự phòng đầy đủ là 560 tỷ đồng trước khi sáp nhập.

-  Thứ ba, đối với khoản nợ vay và trái phiếu của Vinashin dự kiến 30% sẽ được chuyển đổi thành trái phiếu Vinashin phát hành có bảo lãnh thanh toán của Chính phủ. Vì vậy, nợ Vinashin sau sáp nhập SHB còn lại 70%, dư nợ xấu và trái phiếu Vinashin sẽ được trích lập dự phòng phân bổ đều 5 năm.

Trái phiếu này SHB sẽ sử dụng để vay trên thị trường mở (OMO) với lãi suất tương đối thấp hơn lãi suất huy động, giảm chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả kinh doanh SHB.

-  Bốn là, NHNN sẽ cho vay tái cấp vốn 25% trên tổng dư nợ và trái phiếu Vinashin với lãi suất 10%/năm trong thời hạn 5 năm và được tăng, giảm tùy từng thời điểm. Đây là nguồn vốn lãi suất thấp, giảm chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của SHB sau sáp nhập.

Ngoài ra, NH sẽ thu hồi các khoản ủy thác đầu tư mà theo yêu cầu của kiểm toán trích lập dự phòng rủi ro có tài sản đảm bảo, ngay trong năm 2012 dự kiến các khoản ủy thác thu hồi được lên tới 50%....

Sau khi giải quyết cơ bản món nợ khủng của Habubank, lãnh đạo SHB nhấn mạnh, từ năm 2013, NH SHB sau sáp nhập sẽ có lãi. "NH SHB sau sáp nhập sẽ trở thành 1 trong 10 NHTM lớn nhất Việt Nam về quy mô vốn và thị phần.

Nếu không có thương vụ sáp nhập Habubank, để đạt được quy mô lớn và các lợi thế trên thì SHB cần ít nhất thời gian 5 năm với các chi phí rất lớn"- ông Hiển nói.

Đối với lợi ích cổ đông của SHB thì sau khi sáp nhập Habubank, trong năm 2012 cổ đông SHB cũ (theo danh sách chốt trước ngày sáp nhập) sẽ được chi thêm 0,21% cổ phiếu/1 cổ phiếu có quyền sở hữu.

Đây được xem như là cổ tức mà SHB được chia trong năm 2012. Đến năm 2013, kế hoạch kinh doanh của SHB sẽ có lãi và đảm bảo chi trả cổ tức cho các cổ đông sau sáp nhập tối thiểu bằng lãi suất huy động tại thời điểm đó.

Đó là những gì mà phía SHB có thể nói trước khi ĐHCĐ diễn ra. Còn thực tế ra sao, cổ đông có chấp thuận để NH của họ phải "gánh" một khoản nợ khá lớn, quyền lợi của cổ đông được đảm bảo tới đâu sau khi sáp nhập... tất cả sẽ phải chờ đợi câu trả lời phía trước - chính là đáp án số phiếu của cổ đông tại đại hội.


Theo Infonet

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích
  • SIM.vn - Kho SIM số đẹp giá rẻ