Chính phủ xin thêm 10.000 tỷ đồng đầu tư công

Thứ sáu, 04/05/2012, 17:26
Thay vì “để dành” 13.000 tỷ đồng vốn trái phiếu giai đoạn 2012 – 2015, Chính phủ đề xuất chi 5.500 tỷ đồng trong trong số này cho các dự án thủy lợi và gần 4.500 tỷ cho các dự án hạ tầng khác.


>>11 doanh nhân quyền lực nhất ở Lục địa đen năm 2012
>>Bong bóng tín dụng Australia sắp nổ tung
>>Khi ngân hàng "nuôi nợ" bên...bờ vực
>>IPO, giá trị của Facebook sẽ lên 96 tỷ USD

 


Chính phủ dự kiến chi thêm 5.500 tỷ trong trong số này
cho các dự án thủy lợi và gần 4.500 tỷ cho các dự án khác.

 

Theo phương án được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thường vụ Quốc hội cuối tháng 3, tổng vốn trái phiếu Chính phủ thu xếp trong giai đoạn 2012 – 2015 là 180.000 tỷ đồng, trong đó dự kiến dành 13.000 tỷ để dự phòng.

Tuy nhiên, trước nhiều ý kiến khác nhau xung quanh câu chuyện “vốn đã thiếu lại phải để dành”, Thường vụ Quốc hội đề nghị dành 5.500 trong số 13.000 tỷ nêu trên cho các công trình thủy lợi lớn.

Trên cơ sở ý kiến của Thường vụ Quốc hội từ phiên họp trước, sáng nay Bộ Kế hoạch & Đầu tư thay mặt Chính phủ trình bày phương án phân bổ 4.378 tỷ đồng cho 18 dự án thủy lợi trên cả nước (1.940 tỷ đồng do Bộ Nông nghiệp quản lý, 2.438 tỷ do địa phương quản lý). Riêng một dự án trọng điểm Ngàn Trươi – Cẩm Trang (Hà Tĩnh) được đầu tư thêm 1.122 tỷ đồng (trên tổng mức đầu tư khoảng 6.000 tỷ đồng).

Ngoài khoản chi 5.500 tỷ đồng nói trên, tại phiên làm việc của Ủy ban Thường vụ, đại diện Chính phủ cũng đề xuất bổ sung một số dự án chưa có trong danh mục quy định tại Nghị quyết 12 của Quốc hội: cầu Năm Căn (Cà Mau), cầu Kim Xuyên (Tuyên Quang), ký túc xá Đại học Trà Vinh, bệnh viện ung thư Đà Nẵng, đường ven biển Ninh Thuận và một số công trình tăng quy mô vốn của Bộ Giao thông vận tải. Tổng số vốn bố trí cho các công trình này lên tới gần 4.470 tỷ đồng.

Giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết các dự án nêu trên không thuộc danh mục quy định tại Nghị quyết 881 của thường vụ cũng như danh sách 40 dự án được bổ sung trong năm 2011 nên về nguyên tắc không được bố trí vốn đầu tư. Tuy nhiên, qua rà soát, Chính phủ cho rằng các dự án này đều mang tính cấp thiết nên đề nghị được cấp vốn.

Đa số các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều ghi nhận tính chất cần thiết của việc của các dự án nêu trên. Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng trong bối cảnh thắt chặt đầu tư công, việc Chính phủ tự chọn thêm một số công trình “ngoài danh mục” để xin đầu tư bổ sung là rất khó thuyết phục.

“Việc Chính phủ chỉ đưa ra 5 dự án và cho rằng nó cấp thiết. Vậy liệu có những dự án cấp thiết hơn, cần được đầu tư hơn hay không?”, Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội – Ksor Phước đặt câu hỏi.

Trong khi đó, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng thiếu vốn là bệnh “kinh niên” của Việt Nam do nguồn lực có hạn. Do vây, khi lựa chọn đầu tư cần theo tư duy hàng dọc, tức là ở đâu khó khăn, trọng điểm hơn thì cần đầu tư trước, làm cho xong.

“Có bệnh viện thuộc danh mục vốn trái phiếu Chính phủ nhưng đầu tư 4 -5 năm không xong. Do vậy, thay vì đầu tư 20 công trình, hãy chọn lấy 10 và tập trung hoàn thành cho sớm”, ông Lưu đề xuất.

Ngoài các dự án được bổ sung, tại phiên làm việc sáng 5/4, đại diện Chính phủ cũng đề xuất Quốc hội cho phép chuyển nguồn đối với số vốn trái phiếu chưa giải ngân xong trong năm nay sang các năm tiếp theo.

Theo Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Bùi Quang Vinh, làm như vậy mới đảm bảo ý nghĩa của việc xây dựng kế hoạch ngân sách trung hạn 2012 – 2015 và đáp ứng đề nghị của các bộ ngành, địa phương.

Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách - Phùng Quốc Hiển, việc chuyển nguồn này chỉ nên được thực hiện trong năm nay, do việc giãn – hoãn đầu tư trong năm 2012 đã làm ảnh hưởng tới việc triển khai các dự án. Kể từ 2013, ông Hiển đề nghị không cho chuyển nguồn để đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn vốn trái phiếu.


Nguồn vnexpress

Các tin cũ hơn