>>Sáp nhập Habubank - SHB: Vì sao khoản lỗ 4.000 tỷ giảm một nửa?
>>Hoán đổi HBB-SHB: Tỷ lệ thực tế là 1 HBB đổi 0,62 SHB?
Các điểm giao dịch của HBB sẽ trở thành điểm giao dịch của SHB sau sáp nhập
Khoản nợ xấu rút đi còn phân nửa sau sáp nhập
Trong đề án ngân hàng sau sáp nhập của SHB, khoản lỗ lũy kế hơn 4.066 tỷ của HBB đã được SHB “điều chỉnh” lại xuống còn hơn 1.829 tỷ đồng.
Soi lại những khoản nợ này cho thấy, trong tổng số nợ hơn 4.066 tỷ đồng (tính đến 29/2/2102) của HBB, có khoản dữ phòng rủi ro các khoản cho vay vinashin là hơn 1.860 tỷ đồng, số dư dự phòng trái phiếu Vinashin là hơn 376 tỷ đồng. Do đó lỗ lũy kế tính đến thời điểm 29/2/2012 (không bao gồm các khoản dự phòng trên) chỉ còn hơn 1.829 tỷ đồng.
Lãnh đạo ngân hàng SHB cho biết, cơ sở để điều chỉnh lại là do, trong báo cáo kiểm toán lại tài sản, đơn vị kiểm toán yêu cầu Habubank phải trích lập dự phòng các khoản tiền gửi liên ngân hàng đã quá hạn.
Nhưng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), những khoản này đến 2013 mới phải trích lập. Trước đó, đơn vị kiểm toán yêu cầu trích lập 50% các khoản đó nên ảnh hưởng đến lợi nhuận của Habubank.
Theo đề án ngân hàng sau sáp nhập, SHB xin phép NHNN cho phép trích dự phòng rủi ro đầy đủ cho các khoản cho vay và đầu tư trái phiếu của Vinashin trong vòng 5 năm, mỗi năm khoảng 372 tỷ đồng dự phòng cho vay và 75,2 tỷ đồng dự phòng trái phiếu Vinashin. Theo đó, số lỗ lũy kế tại thời điểm 29/02/2012 sẽ giảm tương ứng về con số đã nêu ở trên.
SHB cũng dự kiến, ngân hàng sau sáp nhập sẽ có lãi vào năm 2013.Theo SHB, sau sáp nhập, nhân sự, cơ cấu, tổ chức hoạt động… của HBB vẫn được giữ nhưng theo định hướng của SHB.
Khoản nợ xấu của HBB, SHB có gánh nổi?
Đây mới chỉ là những dự tính ban đầu của một ngân hàng sau sáp nhập. Những bước tiếp theo, SHB sẽ phải thiết lậpbộ máy quản trị lớn hơn, chuyên nghiệp hơn, đồng thời phải gồng mình trả những khoản nợ của HBB.
Nhìn lại hoạt động tài chính và cơ cấu nợ của HBB cho thấy vẫn còn sớm để nói SHB sẽ dễ dàng trả nợ.
Theo bản đề án ngân hàng sau sáp nhập của SHB sắp trình đại hội đồng cổ đông, SHB vẫn sẽ giữ các khách hàng tốt của Habubank bằng cách cấu trúc lại kỳ hạn trả nợ, lãi suất…theo hướng tốt hơn. Nhưng theo danh mục khách hàng của HBB thì liệu còn khách hàng tiềm năng nào đủ để sinh lời cho SBH?.
Tới cuối thời điểm 2011 và đến hiện tại, danh mục khách hàng của HBB chủ yếu bao gồm các khách hàng hoạt động trong lĩnh vực ngành nghề kinh doanh như đóng tàu, vận tải biển, sản xuất giấy, vật liệu xây dựng và năng lượng, là các khách hàng gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh sản xuất giai đoạn vừa qua.
“Mổ xẻ” cơ cấu nợ của HBB cho thấy, ngân hàng này tập trung cho vay các doanh nghiệp trong Tập đoàn Vinashin, với số dư nợ lên tới hơn 2.745 tỷ đồng, chiếm 16% danh mục cho vay (tính đến ngày 29/2/2012). Riêng đầu tư vào trái phiếu bao gồm trái phiếu chính phủ, trái phiếu do các tổ chức tín dụng phát hành và trái phiếu doanh nghiệp, HBB cũng quá mạnh tay.
Theo số liệu tại thời điểm 31/12/2011, tỷ trọng đầu tư vào trái phiếu chính phủ chiếm tới 56,35%. Trái phiếu do các tổ chức tín dụng phát hành và trái phiếu doanh nghiệp lần lươt chiếm tỷ trọng là 24,25% và 19,41%. Điều đáng lưu ý là Ngân hàng đang nắm giữ 600 tỷ đồng trái phiếu do Vinashin phát hành. Khả năng thu hồi trái phiếu này là thấp.
Thu từ lãi đầu tư trái phiếu của HBB trong năm 2011 bị âm so với giá vốn. Hầu hết trái phiếu chính phủ có lãi suất đầu tư cố định và thấp hơn mức 12%, trong khi đó chi phí giá vốn ở mức 14-15%.
Ngoài nhóm Vinashin, HBB có tỷ lệ nợ nhóm 5 ( có khả năng mất vốn) tương đối cao trong tổng nợ xấu gần 300 tỷ đồng. HBB cũng còn đang nắm giữ các chứng khoán nợ với mức lãi suất quá lỗ, bình quân xấp xỉ 13%, trong khi chi phí giá vốn ở mức 14-15%.
Hiện tại, Ngân hàng HBB đang nắm giữ cổ phiếu của Công ty CP Thủy sản Bình An, trong khi đó, Công ty này cũng đang gặp khó khăn về thanh khoản.
Cổ đông có ủng hộ ngân hàng sau sáp nhập?
Một số vấn đề của ngân hàng sau sáp nhập khiến nhiều người lo ngại về khả năng giải quyết những rủi ro khi SHB “ôm” tỷ lệ nợ xấu và nợ quá hạn cao ( lần lượt là 12,88% và 21,32%). Nợ xấu cao chủ yếu phát sinh từ các khoản cho vay Tập đoàn Vinashin. Cũng như nhận định của SHB vấn đề về khả năng thanh khoản sẽ tương đối khó khăn.
Tuy vậy, nhiều chuyên gia lĩnh vực ngân hàng cho rằng SHB có đủ lực để “nuốt” trọn HBB hẳn là đã tính toán thiệt hơn. Với tiềm lực hiện nay của SHB, khoản nợ xấu của HBB sẽ nhanh chóng được SHB trả hết.
SHB cũng đã đưa ra giải pháp “xóa” nợ bằng cách: Trích lập dự phòng cho các khoản cho vay Tập đoàn Vinashin. Theo đó sẽ trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro cho các khoản cho vay Vinashin trong vòng 5 năm. Mỗi năm ước tính trích khoảng 372 tỷ đồng. Trích lập dự phòng cho trái phiếu do Vinashin phát hành trong vòng 5 năm, với ước tính mỗi năm trích khoảng 72 tỷ đồng.
Khoản nợ xấu cao, mà chủ yếu từ Vinashin, SHB cũng giải quyết bằng cách, trích lập dự phòng đầy đủ trong vòng 5 năm tiếp theo sau khi sáp nhập. Ngân hàng sau sáp nhập có thể sử dụng nguồn dự phòng rủi ro tín dụng để xử lý từng phần các khoản cho vay Vinashin, theo đó tỷ lệ nợ xấu sẽ giảm.
Các khoản nợ xấu ngoài Vinashin, ngân hàng sau sáp nhập cũng sẽ tập trung giải quyết trong vòng 6-12 tháng, (khoảng 2.221 tỷ đồng).
Theo SHB dự tính, ngân hàng sau sáp nhập sẽ nhận được một phần hỗ trợ từ NHNN các khoản vay ưu đãi với lãi suất thấp để hỗ trợ cho SHB sau sáp nhập, điều này sẽ giúp thu nhập lãi của SHB tăng đáng kể.
Lãnh đạo một ngân hàng nhận định, ngân hàng mới sau sáp nhập phải có năng lực quản trị tốt, các khoản thu nợ phải làm dứt điểm nếu không sẽ lại phát sinh thêm các khoản nợ mới, điều này càng khiến khó giải quyết và rủi ro hơn.
Trong đại hội đồng cổ đông của Habubank gần đây, nhiều cổ đông vẫn còn nghi ngại về tiềm lực tài chính của SHB, không chỉ vậy, khoản nợ xấu của HBB cũng khiến nhiều cổ đông đặt dầu hỏi.
Ngoài ra, khoản cổ phiếu SHB được hoàn đổi với tỉ lệ 1,21% và các cổ đông của SHB trước thời điểm sáp nhập sẽ nhận thêm 0,21 cổ phiếu SHB mới cũng khiến nhiều cổ đông “ngã ngửa”.
Trong khi, tại đại hội đồng cổ đông của HBB, nhiều cổ đông đã sẵn sàng với thông tin được công bố tại đó là cổ đông cả hai ngân hàng sau sáp nhập sẽ không hưởng cổ tức từ 2-3 năm.
Cũng trong bản đề án ngân hàng sau sáp nhập nêu rõ, các cổ đông của SHB sẽ nhận tỷ lệ cổ tức tương đương 21% bằng cổ phiếu cho năm 2012 và quyền lợi của cổ đông hoàn toàn không bị ảnh hưởng.
Vẫn theo lời vị lãnh đạo ngân hàng, thời điểm này, ngân hàng sau sáp nhập rất cần nhiều sự hỗ trợ từ các cổ đông của cả hai ngân hàng, từ NHNN và các cơ quan chức năng khác để giải quyết khó khăn trước mắt và ổn định hoạt động tốt hơn trong những năm tới. Nếu công tác quản trị không tốt, tính minh bạch không cao sẽ không nhận được sự ủng hộ của các cổ đông- một trong những yếu tố quan trọng trong thời điểm này.
Theo VnMedia