>> Những bóng hồng quyền lực đang điều hành thế giới (P1)
Bành Lệ Viện
Thiếu tướng Quân đội giải phóng nhân dân - Trung Quốc
Trong một trong những bài hát được ưa chuộng nhất của mình, Bành Lệ Viện (Peng Liyuan), ca sĩ ngôi sao của Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc ngâm nga: "Tương lai của chúng ta nằm trong hy vọng".
Tương lai của Peng đã gần tới: Là vợ của ứng viên sáng giá Tập Cận Bình, bà Bành sẽ trở thành đệ nhất phu nhân khi chồng thay thế ông Hồ Cẩm Đào làm Chủ tịch nước Trung Quốc vào 2013.
Không giống như 3 đệ nhất phu nhân thời hậu Mao trước đây, bà Bành, 49 tuổi, tự nổi tiếng: Giọng hát du dương đã khiến bà Bành trở thành một trong những ca sĩ nổi tiếng nhất ở Trung Quốc và cho tới vài năm gần đây, bà Bành còn nổi tiếng hơn chồng - một chính trị gia.
Ngoài việc tích cực hoạt động vì các mục đích xã hội (bà Bành là đại sứ thiện chí của Tổ chức Y tế thế giới về bệnh lao và HIV/AIDS), bà Bành cũng có thể mang sự duyên dáng và sự thu hút vào chính phủ.
Marina Berlusconi
Chủ tịch Fininvest - Italy
Con gái cả của cựu Thủ tướng Italia Silvio Berlusconi là người có nhiều khả năng thừa hưởng đế chế truyền thông đồ sộ và khả năng chính trị của cha. Marina hiện là chủ tịch của Fininvest, công ty cổ phần với giá trị ước tính hơn 8 tỷ USD mà thông qua đó Berlusconi kiểm soát 3 mạng truyền hình tư lớn ở Italia và đội bóng đá AC Milan.
Marina còn là chủ tịch nhà xuất bản tạp chí và sách lớn nhất Italia cũng như giữ vị trí ở ban điều hành ngân hàng đầu tư Mediobanca. Kể từ khi Silvio Berlusconi bị buộc phải rời chính trường do dính líu tới các bê bối chính trị và cá nhân, những khiếu nại về quản lý kinh tế yếu kém, đã có nhiều tin đồn rằng đế chế chính trị của gia đình Berlusconi sẽ được chuyển cho Marina, 45 tuổi.
Dù một loạt thành viên quốc hội và các báo cánh tả đã công khai thúc giục Marina tranh cử Thủ tướng, Marina Berlusconi vẫn chưa dính líu gì tới chính trị, bác bỏ mọi lời đồn.
Atifete Jahjaga
Tổng thống Kosovo
Khi bà Atifete Jahjaga tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Kosovo vào năm ngoái, phó giám đốc cảnh sát quốc gia 35 tuổi này không phải là một thành viên của đảng phái chính trị nào và chưa bao giờ ra tranh cử vào một cơ quan chính trị nào. (Vài tháng trước đó, cuộc bầu cử Tổng thống trước bị coi là không hợp hiến và Jahjaga đã nổi lên như một ứng viên thỏa hiệp, trước khi dễ dàng chiến thắng trong một cuộc bỏ phiếu ở Quốc hội).
Với sự tươi mới của một người ngoài cuộc, bà Jahjaga đã đem sự lạc quan quyết đoán tới chính trường nổi tiếng là nhiều bất ổn của vùng Balkans, nơi bà là nữ Tổng thống đầu tiên trong vùng. Trong khi cam kết triệt phá tội phạm và đưa đất nước gia nhập EU và LHQ, bà Jahjaga đã tiếp xúc với Serbia và bắt đầu hàn gắn những vết thương từ những cuộc xung đột đẫm máu nhiều năm trước.
"Hai đất nước láng giềng chúng ta phải chia sẻ một quá khứ và sẽ chia sẻ một tương lai", bà Jahjaga nói hồi năm ngoái.
Kim Kyong Hui
Ủy viên Bộ Chính trị Triều Tiên
Cánh cửa của những tòa nhà ở Bình Nhưỡng nổi tiếng tối tăm. Cho tới giờ, một số nhà quan sát Triều Tiên vẫn ngờ rằng quyền lực thực sự ở Triều Tiên nằm trong tay bà Kim Kyong Hui, 65 tuổi và chồng bà là Jang Song Thaek.
Bà Kim là con gái người sáng lập Triều Tiên Kim Nhật Thành, là chị gái nhà lãnh đạo quá cố Kim Jong Il và là cô của lãnh đạo hiện thời Kim Jong Un.
Chồng bà Kyong Hui là người thân tín của ông Kim Jong Il. Về mặt chính thức, Tướng Kim là giám đốc ban công nghiệp nhẹ của Triều Tiên, song dường như bà là một thành viên của bộ máy lãnh đạo then chốt của Triều Tiên hơn 40 năm, điều này có nghĩa là bà Kim và người chồng quyền lực của bà có thể đang chỉ bảo cho vị lãnh đạo trẻ, chưa qua thử thách của Triều Tiên.
Fatou Bensouda
Trưởng công tố mới được chỉ định của Tòa án hình sự quốc tế - Gambia
Khi bà Fatou Bensouda trở thành trưởng công tố thứ hai của Tòa án hình sự quốc tế (ICC) vào tháng 6 tới, những thông tin về bà vẫn còn chưa dày. Trong suốt nhiệm kỳ 9 năm, bà Fatou sẽ giám sát các vụ việc kiểu như chống lại lãnh đạo Bờ Biển Nga Laurent Gbagbo, lãnh đạo Sudan Omar Hassan al-Bashir và lãnh đạo quân sự Joseph Kony. Tất cả những nhân vật trên nổi tiếng không chỉ bởi quy mô sự tàn ác của họ mà về những tội ác mà họ phạm phải.
Cứ 15 vụ việc của ICC thì có một vụ dính líu tới những gì xảy ra ở châu Phi, điều này dẫn tới nhận thức rằng ICC là một tòa án phương Tây chuyên nhằm vào lục địa của bà Bensouda.
Trưởng thành ở Gambia, nơi bà từng giữ nhiều chức vụ trong nội các, bà Bensouda, 51 tuổi, đã được đào tạo ở Nigeria và nổi lên trên trường quốc tế khi tham gia vụ kết án các lãnh đạo diệt chủng Rwanda 1994. Hiện giờ, người phụ nữ này thề sẽ theo đuổi những tội phạm tồi tệ nhất thế giới ở trong hoặc ngoài châu Phi.
Theo vietnamnet/FP