Đằng sau thương vụ Phở 24

Thứ năm, 03/05/2012, 16:21
Thông tin Phở 24 chính thức thuộc về Highlands Coffee khiến nhiều người yêu mến thương hiệu này không khỏi tiếc nuối và hụt hẫng, thậm chí nhiều người lo ngại rằng rồi đây Phở 24 sẽ không còn đậm đà bản sắc Việt nữa mà có thể bị “Tây hóa”.


Các tin khác
>>Tiến sỹ Anh muốn điều tra độc lập vụ Cốc Khai Lai
>> Vì sao Highlands Coffee thâu tóm Phở 24?
 

Như những món truyền thống khác, Phở 24 cũng xuất phát từ những điều hết sức giản dị từ ý tưởng của người cha đẻ ra nó là ông Lý Quý Trung. Theo đó, 25 năm trước vào một tiệm phở nhỏ nhưng khá đông khách, ông thấy không gian ở đây quá nóng, dơ bẩn và ồn ào.

Ông nghĩ tại sao mình không bán phở trong một môi trường sạch sẽ có sử dụng máy lạnh, từ nguyên liệu cho đến vật dụng đều vệ sinh và an toàn? Thế là cửa hàng Phở 24 đầu tiên được mở trước khách sạn Sheraton, ngay trung tâm TPHCM vào tháng 6-2003. Kể từ đó, thương hiệu ẩm thực này phát triển khá mạnh.
 

Liệu sau khi chuyển nhượng, phở 24 có còn giữ được thị phần?
 

Năm 2005, Phở 24 có 11 cửa hàng tại Việt Nam và có mặt trên các thị trường quốc tế như: Indonesia, Malaysia, Hồng Công-Macau, Campuchia, Philippines, Hàn Quốc… Đến năm 2010, Phở 24 có hơn 70 cửa hàng trong và ngoài nước.

Từ năm 2011, trước sự xuất hiện của hàng loạt thương hiệu phở mới như Phở Ngôi Sao, Phở 2000 và cách làm mới của Phở Hòa, Phở Quyền, Phở Lệ… sự tăng trưởng của Phở 24 tại thị trường nội địa có dấu hiệu chững lại do phải chia bớt thị phần. Số lượng cửa hàng của hệ thống vẫn được đảm bảo nhưng cơ cấu giữa các cửa hàng trong và ngoài nước đã có sự thay đổi rõ rệt.

Cửa hàng nhượng quyền nước ngoài ngày càng có chỗ đứng và tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, các cửa hàng trong nước có dấu hiệu đuối sức, mặc dù cách phục vụ cũng như chất lượng món ăn vẫn được bảo đảm.

Đặc biệt trong quý I-2012, 5 cửa hàng của hệ thống đã bị đóng cửa. Lúc đó nhiều người mới phát hiện ra rằng thương hiệu Phở 24 đã chính thức về tay Highlands từ đầu tháng 12-2011. Sau phi vụ này có người cho rằng đây là bước lùi của người được mệnh danh là “vua nhượng quyền” Lý Quý Trung.

Nhưng cũng có người cho rằng đây là bước đi khôn ngoan, vì dù có bán đi Phở 24, ông Trung vẫn còn điều hành hàng loạt chuỗi nhà hàng nổi tiếng khác như Maxim Nam An, Ciao Café, Paris Deli, Terrace, Goody, Bread Talk… và chắc chắn sẽ tiếp tục tìm kiếm những ý tưởng mới cho hướng đầu tư trong tương lai.

Điển hình là dự án Hub Culture (đi tìm và hỗ trợ cho các ý tưởng kinh doanh trẻ) của ông vừa giành chiến thắng trong cuộc thi “Hành trình không ngừng bước tới” của hãng Johnie Walker.

Sau khi đổi chủ, người ta thấy Phở 24 có những thay đổi rõ rệt. Đầu tiên là xu hướng giảm giá, bình thường một tô phở ở đây có giá 50.000 đồng nay chỉ còn 39.000 đồng. Bên cạnh đó là chương trình kích cầu mang tên “Phở 24 - Ăn lúc nào cũng ngon” kéo dài 3 tháng từ tháng 4 đến tháng 6-2012.

Ngoài ra, Phở 24 còn có thêm hàng chục món mới (ngoài phở). Nhiều người yêu quý Phở 24 lo ngại rồi đây thương hiệu này sẽ mất hút như trường hợp kem đánh răng Dạ Lan sau khi bán cho Colgate.

Tuy nhiên, có thông tin nhà đầu tư mới của thương hiệu này đang rất kỳ vọng vào thương hiệu Phở 24 và cho biết sẽ tiếp tục đổ thêm tiền vào để phát triển nó, nhằm chứng tỏ năng lực quản lý, đẳng cấp công ty mẹ và trên hết là tìm kiếm lợi nhuận từ Phở 24 tại thị trường Việt Nam và trên thế giới.

Nhưng cũng có nguồn tin Phở 24 cũng sẽ bị chuyền tay từ Highlands qua một chủ đầu tư khác vì thương hiệu này cũng đang gặp khó khăn và cần vốn. Cũng có thông tin cho rằng Highlands chỉ lợi dụng Phở 24 như một miếng mồi để nhử các nhà đầu tư mới vì thế nên mới quyết tâm giành lấy thương hiệu này.
 

Theo ĐTCK

Các tin cũ hơn