>> Sáp nhập Habubank - SHB: Đã đi nửa con đường lợi ích
>> Hôm nay, cổ đông Habubank bàn quyền lợi khi sáp nhập
>> Habubank về với SHB, thu nhập người lao động sẽ thế nào?
Giảm lỗ hơn 2.000 tỷ đồng
Ngày 28/4, đại hội cổ đông Ngân hàng Habubank (HBB) đã thông qua việc sáp nhập vào ngân hàng SHB với tỷ lệ đồng ý đạt 85,21%. Theo đề án sáp nhập mà HBB đưa ra, khoản lỗ trên 4.000 tỷ đồng sẽ được xử lý trong 3 năm tới.
Tuy nhiên, theo đề áp sáp nhập với HBB mà Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) gửi tới cổ đông trước ngày đại hội, lỗ của HBB sau sáp nhập chỉ còn 1.829 tỷ đồng. Và kế hoạch cắt lỗ báo cáo tại đại hội đồng cổ đông Habubank ngày 28/4 vừa qua là khoảng 3 năm được rút ngắn chỉ còn ngay trong năm 2012 này.
Trao đổi rõ hơn về vấn đề này, trong buổi tiếp xúc với báo chí chiều 2/5, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch hội đồng quản trị của SHB cho biết:
Sau phiên đại hội cổ đông của Habubank ngày 28/4, lãnh đạo hai ngân hàng đã cùng ngồi lại rà soát các khoản nợ và thống nhất sẽ chỉnh sửa một số chi tiết cho phù hợp với tình hình để trình ra đại hội cổ đông của SHB.
Chủ tịch SHB Đỗ Quang Hiển. |
Sở dĩ có sự thay đổi này, theo ông Nguyễn Văn Lê, Tổng Giám đốc SHB có 3 nguyên do chính. Thứ nhất, trước đó, căn cứ vào yêu cầu của tổ chức kiểm toán bắt buộc phải trích lập 100% dư nợ của Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) và trái phiếu của Vinashin khoảng 3.700 tỷ đồng tại Habubank. Sau sáp nhập, SHB sẽ xin Ngân hàng Nhà nước phân bổ khoản trích lập đó trong vòng 5 năm, năm đầu là 342 tỷ đồng.
Thứ hai, trong báo cáo kiểm toán lại tài sản, đơn vị kiểm toán yêu cầu HBB phải trích lập dự phòng các khoản tiền gửi liên ngân hàng đã quá hạn. Cụ thể, đơn vị kiểm toán yêu cầu trích lập 50% các khoản đó nên ảnh hưởng đến lợi nhuận của Habubank.
Tuy nhiên, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, trong năm 2012 sẽ không trích lập, đồng nghĩa với một nguồn được hoàn nhập, vừa bù cho khoản lỗ vừa tạo nguồn “mới” cần thiết cho hiện nay. Dự kiến, khoản trích lập này chỉ được thực hiện trong năm 2013.
Thứ ba, đó là các khoản nợ và trái phiếu của Vinashin tại các tổ chức tín dụng đã có định hướng xử lý. Trong đó, một tỷ trọng đáng kể được bảo lãnh, một phần đáng kể của phần còn lại sẽ được hỗ trợ bằng nguồn vốn có kỳ hạn dài với lãi suất ưu đãi hơn nhiều so với lãi suất tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước hiện nay.
Ngoài ra, lãnh đạo SHB cũng tự tin về khả năng thu hồi nợ xấu (khoảng 236 tỷ đồng) trên thị trường 2 của Habubank, vốn hiện đang "mắc kẹt" 270 tỷ đồng tiền gửi tại Công ty tài chính Caosu và hơn 200 tỷ đồng tiền gửi tại Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu, Đệ Nhất (đã sáp nhập với TinNghiaBank và SCB), Tài chính Sông Đà và Tài chính Handico... do các tổ chức này đang gặp vướng mắc về thanh khoản.
“Sau khi bàn bạc lại, rà soát các khoản, thì như đề cập là phương án trước đó không đề cập đến việc có điều kiện xử lý nợ của Vinashin. Ngoài ra, các khoản đầu tư ủy thác của HBB đều có tài sản đảm bảo, đánh giá lại tài sản đảm bảo và khả năng thu hồi, cộng với kế hoạch kinh doanh của SHB (kế hoạch năm nay lãi khoảng 1.200 tỷ đồng), cộng thêm khả năng Habubank hoạt động có lãi như bình thường khoảng 600 - 700 tỷ đồng.
Từ các khoản nợ phải thu hồi được, sẽ tạo khả năng bù đắp được khoản lỗ của Habubank sau sáp nhập. Do đó, khoản lợi nhuận của ngân hàng sau sáp nhập sẽ tăng lên và giảm lỗ đi. Cho nên hai ngân hàng tính toán chỉ còn lỗ 1.829 tỷ đồng”, ông Lê nói.
Mô hình "hai trong một"?
Còn theo ông Đỗ Quang Hiển, sau sáp nhập, SHB mới sẽ vẫn không "trộn" nhân sự, cơ cấu… của HBB. Cơ chế hoạt động của Habubank vẫn duy trì, không trộn các phòng ban hai bên vào, tiếp tục thúc đẩy các điểm mạnh của Habubank về sản phẩm, khách hàng, nhân sự…
Thay vào đó, SHB chủ yếu hỗ trợ thêm nguồn vốn, cũng như làm giảm lãi suất đầu ra cho HBB bởi lãi suất bình quân đầu vào của HBB trước kia vốn rất cao. Bài toán xử lý sau sáp nhập nếu có bổ sung nhân sự cao cấp cho SHB mới sẽ được đưa ra lấy ý kiến tại đại hội cổ đông sau sáp nhập.
“Ban điều hành SHB thống nhất sẽ thúc đẩy thế mạnh vốn có của HBB trước đây, cũng như làm giảm thiểu chi phí bất hợp lý, hỗ trợ nguồn vốn, giữ các khách hàng tốt của HBB, cấu trúc lại kỳ hạn trả nợ, lãi suất cho HBB. Nguồn vốn của SHB hiện dồi dào để thực hiện điều này”, ông Hiển khẳng định.
Tuy nhiên, theo vị đại diện này, các cổ đông HBB sẽ không được hưởng cổ tức trong năm 2012, vì họ đã được hưởng cổ tức khi hoán đổi cổ phiếu HBB thành SHB là 0,21%.
Việc hoán đổi cổ phiếu HBB thành SHB sau đại hội cổ đông sẽ được thực hiện theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước. "Riêng hoán đổi tỷ lệ cổ phiến của ngân hàng sau sáp nhập bao nhiêu là do hai bên thỏa thuận, Ngân hàng Nhà nước không can thiệp. Sau khi thực hiện hoán đổi xong, cơ quan chức năng sẽ hủy niêm yết của cổ phiếu HBB. Và giá cố phiểu của ngân hàng sau sáp nhập sẽ do thị trường quyết định”, ông Hiển cho biết thêm.
Theo Dân Trí