Trường Hải mua Soo Sung, bước đi ngắn trong chiến lược dài

Thứ năm, 03/05/2012, 11:02
Lần đầu tiên một công ty của Hàn Quốc chấp nhận cho một doanh nghiệp Việt Nam nắm cổ phần chi phối và tham gia điều hành.


Tin liên quan
>>
Ô tô Trường Hải mua nhà máy xe chuyên dụng Hàn Quốc
>>Ôtô Trường Hải bị chìm có được... tái sử dụng?

 


Ông Vũ Bảo Quốc


CTCP Ô tô Trường Hải đã đầu tư 3,5 triệu USD để sở hữu 51% cổ phần Công ty TNHH Công nghệ ô tô Soo Sung (Soo Sung Motors Technology Co. Ltd., tên viết tắt là SMT) của Hàn Quốc.

Giá trị của thương vụ này không lớn, nhưng đây là lần đầu tiên một công ty của Hàn Quốc chấp nhận cho một doanh nghiệp Việt Nam nắm cổ phần chi phối và tham gia điều hành.

Soo Sung là một trong năm công ty sản xuất và lắp ráp xe chuyên dụng hàng đầu tại Hàn Quốc (như xe thùng, xe nâng, xe kéo, xe cứu hộ, xe cần cẩu, xe chở tiền, xe nâng, xe bồn, xe ép rác…).

Ra đời từ tháng 4/1998, Soo Sung có vốn chủ sở hữu là 4,098 triệu USD và sở hữu 29 quyền sở hữu trí tuệ, 5 bằng phát minh, sáng chế trong lĩnh vực công nghệ sản xuất xe ô tô chuyên dụng. Đối với Trường Hải, 3,5 triệu USD không phải một khoản đầu tư lớn so với giá trị đầu tư cả ngàn tỷ đồng của những nhà máy sản xuất và lắp ráp ô tô mà Công ty đã đầu tư ở Việt Nam. Hai đối tác sẽ có lợi ích gì khi làm “người một nhà”?

Ông Vũ Bảo Quốc, thành viên HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc Tài chính Trường Hải, đồng thời là thành viên Hội đồng thành viên Soo Sung sau khi Trường Hải đầu tư, người trực tiếp tham gia cuộc đàm phán mua bán cổ phần Soo Sung của Trường Hai chia sẻ.

Thưa ông, vì sao Trường Hải có vẻ kín tiếng về thương vụ mua bán này?

Thương vụ mua bán đã được bàn thảo và đàm phán từ cách đây 2 năm. Trong tháng 3/2012, chúng tôi hoàn tất các thủ tục đăng ký đầu tư trực tiếp (FDI) với Chính phủ Hàn Quốc, thực hiện đăng ký tăng vốn, đăng ký sở hữu cổ phần và bổ sung thành viên Hội đồng thành viên cho Soo Sung.

Đối với Trường Hải, thương vụ mua bán này chỉ là một bước đi trong quá trình thực hiện chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam và hội nhập vào khu vực AFTA.

Khi sở hữu 51% vốn cổ phần của Soo Sung, công ty này sẽ trở thành một công ty con của Trường Hải. Trường Hải sẽ sáp nhập mảng sản xuất và lắp ráp xe chuyên dụng với Soo Sung.

Trường Hải muốn sản xuất loại xe chuyên dụng ở Việt Nam? Vậy sự kết hợp giữa hai bên như thế nào?

Tại Việt Nam hiện nay, xe chuyên dụng thường là xe cũ nhập khẩu từ các nước. Chưa có nhà sản xuất xe chuyên dụng chuyên nghiệp nào, trong khi nhu cầu với các loại xe này ngày càng tăng cao. Trường Hải đã lắp ráp và sản xuất được đầy đủ các dòng xe thương mại, xe buýt.

Trên nền các dòng xe thương mại cơ bản, có thể phát triển công nghệ lắp ráp phần chuyên dụng như cẩu, kéo, bồn… sản xuất và lắp ráp tại Việt Nam. Nghĩ thì dễ, nhưng phải có công nghệ mới làm được, chứ không thể phát triển được ngay công nghệ trong ngày một ngày hai.

Còn Soo Sung chiếm thị phần xe chuyên dụng đáng kể ở Hàn Quốc, cụ thể 65% thị phần đối với xe chuyên dụng dưới 5T và 90% thị phần đối với xe chuyên dụng trên 5T. Soo Sung lắp ráp xe chuyên dụng trên nền xe cơ bản của Kia hay Huyndai và đã xuất khẩu xe chuyên dụng sang nhiều nước, trong đó có Việt Nam, chủ yếu thông qua các công ty thương mại.

Khi sở hữu 51% cổ phần của Soo Sung, Trường Hải đương nhiên sở hữu tất cả các bản quyền sở hữu trí tuệ, phát minh, sáng chế về công nghệ sản xuất và lắp ráp xe chuyên dụng của Soo Sung.

Tất nhiên, trong quá trình ứng dụng, Trường Hải cũng phải có những nghiên cứu cải tiến công nghệ để triển khai, phát triển sản phẩm xe chuyên dụng phù hợp với thị trường Việt Nam.

Khi sản xuất, có những phần linh kiện được gia công sản xuất ở Trường Hải sẽ rẻ hơn so với Soo Sung sản xuất. Các linh kiện này được xuất khẩu cho Soo Sung.

Ngược lại, các cấu kiện có tính công nghệ cao thì Soo Sung hỗ trợ thiết kế và chuyển giao công nghệ lắp ráp cho Trường Hải. Như vậy, cả Trường Hải và Soo Sung tận dụng lợi thế cạnh tranh sẵn có của hai bên để phát triển.

Xe thùng đã được Trường Hải sản xuất từ trước, việc đầu tư vào Soo Sung có giúp Trường Hải sản xuất được ngay các loại xe chuyên dụng cao cấp hơn, thưa ông?

Hiện nay, Trường Hải và Soo Sung đã bắt đầu thực hiện phát triển các sản phẩm. Các nhà máy sản xuất linh kiện của Trường Hải đã nhận được các đơn đặt hàng của Soo Sung. Sản xuất và lắp ráp xe chuyên dụng khác với xe du lịch là phải sản xuất theo đơn đặt hàng, không phải làm sẵn để bán.

Ví dụ, xe cẩu 5 tấn thì đặt trên xe nền loại nào, kết cấu linh kiện như thế nào, lắp ráp ra sao. Khi kết hợp với Soo Sung, chúng tôi có thể sản xuất và lắp ráp được ngay nhiều loại xe chuyên dụng cao cấp. Vấn đề còn lại là điều hành sản xuất, phân công đơn vị nào sản xuất gì, lắp ráp ở đâu.

 


Được biết, sở hữu 51% cổ phần Soo Sung là yêu cầu đặt ra từ phía Trường Hải. Vậy Công ty đã làm gì để đối tác chấp nhận yêu cầu này?

Tất nhiên, ban đầu không dễ dàng gì để thuyết phục họ cho mình sở hữu số cổ phần chi phối và có quyền trực tiếp tham gia điều hành, nhưng cuối cùng cả hai bên đều đạt được mục tiêu từ việc mua bán này.

Trường Hải có thể sở hữu được công nghệ sản xuất xe chuyên dụng, còn Soo Sung sẽ có được năng lực sản xuất linh kiện với chi phí rẻ hơn nhờ tận dụng lợi thế sản xuất của các nhà máy của Trường Hải ở Khu phức hợp Chu Lai.

Ngoài ra, khi trở thành công ty con của Trường Hải, Soo Sung sẽ có thị trường Việt Nam và rộng hơn là thị trường AFTA. Soo Sung sẽ có được sự hỗ trợ về khả năng thương mại và phát triển thị trường của Trường Hải.

Soo Sung cũng sẽ học được kinh nghiệm quản trị của Trường Hải trên một chuỗi giá trị từ lắp ráp sản xuất, đến phân phối thương mại, hệ thống bán lẻ mà một đơn vị chỉ chuyên sản xuất, bán hàng qua các công ty thương mại, không có được.

Đến năm 2018, các sản phẩm có tỷ lệ nội địa 40% trong khu vực AFTA sẽ chịu thuế suất 0% khi xuất khẩu sang các nước trong khu vực này. Trường Hải có đáp ứng đủ tiêu chuẩn này với dòng xe chuyên dụng hay không?

Hiện nay, với loại xe do Trường Hải sản xuất và lắp ráp tại Việt Nam thì xe du lịch có tỷ lệ nội địa hóa 18 - 22%; xe tải 30 - 35%; xe buýt là 40 - 46%. Xe chuyên dụng do Trường Hải sản xuất và lắp ráp chắc chắn có tỷ lệ nội địa hóa trên 40% và sẵn sàng cho xuất khẩu với thuế suất 0% sang thị trường AFTA.

Ngoài Khu phức hợp Chu Lai, Trường Hải đã có các nhà máy lắp ráp xe chuyên dụng ở hai đầu miền đất nước là tại Khu công nghiệp Đài tư, Hà Nội ở miền Bắc và Khu công nghiệp Biên Hòa, Đồng Nai ở miền Nam.

Các nhà máy này đã thực hiện sản xuất và lắp ráp thùng xe tải, xe chuyên dụng. Các nhà máy sẽ được từng bước phát triển và nhận chuyển giao công nghệ để sẵn sàng lắp ráp các loại xe chuyên dụng theo định hướng phát triển sản phẩm nội địa hóa của Công ty.

Ông có dự báo gì về câu chuyện cạnh tranh của ngành ô tô Việt Nam sau năm 2008?

Để xây dựng được năng lực sản xuất - kinh doanh đa dạng sản phẩm như vậy, cần một chiến lược đầu tư và phát triển dài hơi, không thể là câu chuyện “ăn xổi”.

Nói đến câu chuyện cạnh tranh khi hội nhập AFTA, với điểm đến vào năm 2018, tôi chỉ chia sẻ là, để phát triển nhanh và bền vững, cần phải xây dựng năng lực cạnh tranh thực sự, dựa trên các lợi thế sẵn có và tiếp tục đầu tư chiều sâu để phát triển các lợi thế tiềm tàng. Việc đầu tư mua Công ty Soo Sung là một bước đi ngắn trong chiến lược dài của chúng tôi.



Theo ĐTCK

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích