5 trong số những người phụ nữ quyền lực đang điều hành thế giới hiện nay.
Helen Clark
Quản trị Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc - New Zealand
Là Thủ tướng New Zeland, bà Helen Clark giám sát một thập kỷ phát triển kinh tế của đất nước và đã chiến thắng 3 nhiệm kỳ Thủ tướng liên tiếp (1999- 2008) sau một thời gian đảm trách vị trí nghị sĩ đảng Lao động và Bộ trưởng Nội các.
Sau chưa đầy một năm rời chức Thủ tướng, bà Clark đã bước tới một sân khấu lớn hơn nhiều, thách thức hơn nhiều: Kể từ năm 2009, bà lãnh đạo Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) - một cơ quan của LHQ chịu trách nhiệm đương đầu với những vấn đề tồi tệ nhất của thế giới, từ đói nghèo toàn cầu tới các chính phủ tham nhũng, khủng hoảng môi trường và y tế.
Bà Clark, 62 tuổi, hiện quản lý ngân sách thường niên trị giá gần 5 tỷ USD của UNDP và hơn 8.000 nhân viên đang hoạt động tại 177 quốc gia. Bệnh tả ở Haiti và nạn đói ở Somalia có thể là vấn đề xa vời với cuộc sống thường nhật của nhiều người New Zealand song bà Clark không hề nản lòng. Với tư cách là nhà quản trị, mục tiêu cao nhất của bà như bà nói hồi mùa thu năm ngoái, đó là nhổ tận rễ nạn đói nghèo cùng cực trên khắp thế giới.
Liu Yandong
Ủy viên hội đồng nhà nước - Trung Quốc
Dù họ chiếm "nửa bầu trời" như Mao Trạch Đông từng nói, song phụ nữ chỉ chiếm hơn 20% số đại diện ở cơ quan lập pháp nhà nước. Cựu chuyên gia hóa học Liu Yandong là một người đứng ngoài nhóm trên: bà là người phụ nữ duy nhất trong Bộ Chính trị - cơ quan ra quyết định gồm 25 thành viên ưu tú, bộ phận chóp của kim tự tháp Đảng Cộng sản.
Được coi là đồng minh thân cận của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, bà Liu Yandong có nhiều cơ hội để trở thành một phần trong nhóm nhỏ quyền lực của Ủy ban thường trực Bộ Chính trị - hội đồng nắm quyền thực sự của trung tâm hệ thống quyền lực.
Cũng giống như những nhân vật khác trong Bộ Chính trị Trung Quốc, bên ngoài không rõ hoạt động chính trị của bà Liu có gì khác những đồng nghiệp dù một số nhà phân tích cho rằng bà Liu ủng hộ việc Trung Quốc tăng cường tiếp xúc với thế giới bên ngoài.
Bà Liu, 66 tuổi, đã có bằng tiến sĩ danh dự của trường đại học quốc gia New York và từng diễn thuyết ở trường đại học Yale năm 2009. Bà Liu sẽ là thành viên nữ đầu tiên của Ủy ban thường trực Bộ chính trị được trao bằng tiến sĩ danh dự tại đại học Mỹ
Lael Brainard
Thứ trưởng Tài chính phụ trách các vấn đề quốc tế - Mỹ
Do Bộ trưởng Tài chính Timothy Geithner tập trung chú ý vào kinh tế Mỹ nên việc giải quyết những vấn đề của kinh tế toàn cầu thường được giao cho bà Lael Brainard. Nhà kinh tế học được đào tạo tại đại học Harvard sinh năm 1962, là người điềm tĩnh. Bà Lael được nuôi dậy tại Ba Lan vì là con gái của một nhân viên ngoại giao Mỹ làm việc tại quốc gia này.
Lael Brainard làm việc cho Hội đồng kinh tế quốc gia trong thời kỳ Bill Clinton làm Tổng thống, làm công việc liên quan tới phản ứng của Mỹ với đồng peso Mexico và khủng hoảng tài chính châu Á. Sau khi Barack Obama lên nắm quyền, bà Brainard xử lý vấn đề những ảnh hưởng xấu của tài chính châu Âu, thường xuyên đi lại giữa Washington và các thủ đô của châu Âu (trong khi chồng bà là Thứ trưởng Ngoại giao Kurt Campbell liên tục công du châu Á) trong nỗ lực thuyết phục các nhà lãnh đạo chống đỡ cho các nền kinh tế đang suy sụp và ngăn nó lan rộng hơn.
Đó không phải là công việc dễ dàng do nhiều nhà lãnh đạo châu Âu cho rằng các chính sách của Mỹ làm bùng phát khủng hoảng. Tuy nhiên, bà Brainard vẫn đem những năng lượng ngoại giao không mệt mỏi cho công việc này.
Ngozi Okonjo-Iweala
Bộ trưởng Tài chính - Nigeria
Hồi tháng 3, chính phủ các nước Nam Phi, Angola và Nigeria đã đề cử bà Ngozi Okonjo-Iweala, cựu giám đốc điều điều hành Ngân hàng Thế giới (WB) vào vị trí Chủ tịch thay ông Robert Zoellick hết nhiệm kỳ. Theo truyền thống, chức Chủ tịch WB sẽ do một người Mỹ đảm nhiệm, người này sẽ do chính phủ Mỹ chỉ định, song bà Okonjo-Iwela cho rằng đã tới lúc có một sự thay đổi.
"Sự cân bằng của thế giới đã thay đổi", bà Iweala nói sau khi được đề cử, và lập luận rằng các nước đang phát triển "cần có một tiếng nói trong việc điều hành mọi thứ".
Hiện thời, bà Iweala đang điều hành nhiều vấn đề ở Nigeria, nơi bà đang giữ vị trí Bộ trưởng Tài chính nhiệm kỳ II. Trong nhiệm kỳ đầu, nhà kinh tế tốt nghiệp trường đại học Harvard và MIT đã nhận được sự hoan hô nhiệt liệt khi thương thuyết bãi nợ hàng tỷ USD với các nhà tín dụng quốc tế và mở một chiến dịch chống tham nhũng được nhiều người chú ý. Vào thời điểm thực thi trọng trách, bà Iweala gặp nhiều khó khăn do một chiến dịch khủng bố mà lực lượng chiến binh Boko Haram có liên quan tới Al Qaeda gây ra.
Tuy nhiên, bà Okonjo-Iweala, 57 tuổi vẫn quyết tâm biến Nigeria thành một nơi thu hút các công ty nước ngoài, một thách thức lớn mà bà nổi tiếng vì đã làm được.
Mary Schapiro
Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Mỹ
Là người phụ nữ đầu tiên được bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo thường trực của Ủy ban chứng khoán Mỹ (SEC), bà Mary Schapiro bất ngờ thu hút được sự chú ý khi Tổng thống Obama đề cử bà vào cuối năm 2008.
Thời gian đã chỉ ra điều đó: Mary Schapiro tới làm việc ở SEC ngay sau vụ bê bối 50 tỷ USD của Bernard Madoff và vụ sập thị trường do những thông lệ tài chính có vấn đề và quy định lỏng lẻo. Tuy nhiên, Schapiro, 56 tuổi, người đầu tiên đảm nhiệm một vị trí ở SEC từ năm 1988 tới 1994, không phải là người xa lạ với những hoạt động chính trị rắc rối. Schapiro rời SEC vào những năm 1990 để điều hành một số công ty chứng khoán và dành tiếp một thập niên tiếp theo để phê bình sự thừa mứa của phố Wall.
Kể từ khi quay lại SEC, Schapiro đã đấu tranh để tái lập sự tin tưởng của công chúng với ủy ban này, giám sát một loạt vụ việc ngày càng tăng mà SEC theo đuổi, biện luận cho việc chính quyền áp mức phạt tài chính cao hơn. Schapiro cam kết thúc đẩy thay đổi cơ cấu trong năm nay để giúp ngăn chặn một vụ sụp đổ kiểu Lehman Brothers.