Sẽ đấu giá 100% lượng gas trong nước

Thứ sáu, 04/05/2012, 07:39
Đó là khẳng định của ông Phan Kiến Anh, phó ban thương mại thị trường Tập đoàn Dầu khí VN (PVN), khi trả lời các câu hỏi liên quan đến sự biến động bất thường của giá gas trong nước thời gian qua.


Các tin khác
>>Chập chờn "thần chết" từ những bình gas mini
>>Doanh nghiệp xả hàng tồn, đại lý gas khóc ròng
>>Bình Dương: Nạn nhân thứ 4 trong vụ nổ khí gas tử vong


Trao đổi với PV ông Phan Kiến Anh nói: Việc bình ổn thị trường không đơn thuần chỉ là giá bán, bởi PVN hay bất cứ đơn vị nào cũng không thể kiểm soát được giá bán khí hóa lỏng (LPG) do phụ thuộc giá quốc tế.

Hơn nữa, ngoài các đơn vị thành viên, tập đoàn còn có nhiều doanh nghiệp khác cũng tham gia kinh doanh LPG, nên việc bình ổn giá là trách nhiệm chung của các doanh nghiệp kinh doanh LPG.
 

Ông Phan Kiến Anh, phó ban thương mại thị trường Tập đoàn Dầu khí VN (PVN)Ảnh: Nguyễn Khánh

 

"Thị trường gas tại Việt Nam hiện nay có thể nói đã vận hành hoàn toàn theo cơ chế thị trường. Khi giá gas thế giới thay đổi thì lập tức giá trong nước cũng phải thay đổi theo, giá gas thế giới giảm thì giá trong nước cũng lập tức giảm theo"

Ông PHAN KIẾN ANH, 
Phó ban Thương mại thị trường PVN

Giá gas trong nước không phải chịu thuế nhập khẩu, các chi phí bảo hiểm, vận tải... tính ra thấp hơn giá gas nhập khẩu khoảng 100 USD/tấn, nhưng vẫn được bán theo giá quốc tế?

Nguồn LPG sản xuất trong nước của PVN được lấy từ Nhà máy khí Dinh Cố và Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Theo quy định của Chính phủ, giá LPG trong nước được xác định theo giá thị trường, nghĩa là tương đương giá LPG nhập khẩu bán tại thị trường Việt Nam (được tính theo công thức: giá cơ sở là giá quốc tế được công bố đầu mỗi tháng bởi Công ty dầu mỏ Ả Rập Saudi Aramco, đơn vị chiếm thị phần rất lớn đối với nguồn cung LPG châu Á).

Ngoài ra, cũng như gas nhập khẩu, giá gas trong nước được cộng thêm phụ phí thị trường (là mức chênh lệch do khác biệt về vị trí, điều kiện giao hàng, kích cỡ lô hàng...) do các doanh nghiệp tham gia đấu giá quyết định và thuế nhập khẩu. Như vậy, thực tế giá gas sản xuất trong nước không phải do đơn vị sản xuất quyết định mà là do thị trường quyết định thông qua việc bỏ thầu trong mỗi đợt đấu giá và tương đương giá nhập khẩu cùng thời điểm.

PVN chỉ thực hiện đấu giá khoảng 50% từ gas sản xuất tại Dung Quất và 75% gas từ Nhà máy Dinh Cố, tại sao không thực hiện đấu giá toàn bộ? Có phải đây là ưu tiên cho công ty con?

Tôi cho rằng không có một sự ưu tiên, ưu đãi nào. Việc đảm bảo tiêu thụ kịp thời 100% sản lượng LPG Dinh Cố luôn được PVN đặt lên hàng đầu. Hệ thống kho chứa LPG Dinh Cố chỉ tồn trữ được một lượng nhất định, mà việc tồn ứ LPG sẽ dẫn đến ngưng vận hành nhà máy xử lý khí, ảnh hưởng đến việc cung cấp khí cho các nhà máy điện.

Nhưng có một thực tế là nếu giá gas tăng, các doanh nghiệp thường yêu cầu nhận thêm hàng. Ngược lại, khi giá gas giảm, nhiều doanh nghiệp bỏ của chạy lấy người, không nhận theo khối lượng cam kết. Nhiều lý do được doanh nghiệp đưa ra để từ chối nhận hàng, như kho chứa đầy không thể tiếp nhận được hàng, phương tiện vận chuyển gặp sự cố...

Từ thực tế như trên, PV Gas chỉ thực hiện đấu giá 75% sản lượng gas Dinh Cố và giữ lại 25% giao cho công ty thành viên tiêu thụ, đảm bảo tiêu thụ kịp thời 100% sản lượng LPG Dinh Cố sản xuất ra.

Các công ty thành viên có trách nhiệm tiêu thụ toàn bộ lượng gas đã được giao, không được phép bỏ hàng trong bất kỳ tình huống nào.

PVN nói không đấu giá một phần để các công ty con phát triển hệ thống bán lẻ. Nhưng các công ty này hiện chủ yếu bán buôn?

PVN đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phải đầu tư cơ sở vật chất, dành vốn để phát triển hệ thống bán lẻ nhằm bao tiêu ổn định một lượng gas, giúp sản xuất ổn định. Việc xây dựng lộ trình đấu giá 100% sản lượng bình quân đang được chúng tôi nghiên cứu trên cơ sở đánh giá khả năng đảm bảo an toàn vận hành sản xuất của mỏ của nhà máy xử lý khí và Nhà máy lọc dầu  Dung Quất...

Tháng 3 vừa qua giá gas bán lẻ tăng rất mạnh, dù gas đã được nhập rất nhiều trước đó với giá rẻ hơn, chưa kể gas trong nước bán ra trong tháng 3 đã được đấu giá từ sáu tháng trước đó. Đã không có sự chia sẻ nào ở đây?

Công thức tính giá gas trong nước và nhập khẩu về cơ bản giống nhau, đều mang tính quốc tế. Các doanh nghiệp nhập khẩu khi ký hợp đồng có thể vào thời điểm tháng 9-2011, nhưng đến thời điểm tháng 3-2012 mới lấy hàng về thì vẫn chịu giá ấn định tại thời điểm tháng 3, chứ không phải được hưởng giá tại thời điểm ký hợp đồng. Đấu giá trong nước cũng vậy, giá được tính ở thời điểm giao hàng.

Còn lý do giá nhập về thấp nhưng khi giá thế giới tăng lại tăng ngay, thì hiện các doanh nghiệp nhập khẩu gas cũng phải giữ tồn kho một lượng hàng dự trữ bắt buộc theo quy định của nghị định 107/2009/NĐ-CP (tối thiểu bảy ngày cung ứng cho hệ thống phân phối thuộc mình quản lý) để đảm bảo an ninh năng lượng. Vì vậy, khi giá thay đổi, doanh nghiệp vẫn còn một lượng nhất định giá ở mức cũ.
 

Báo cáo Thủ tướng vụ “thao túng giá gas “

Bộ Tài chính vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ liên quan đến phản ánh của Tuổi Trẻvề tình trạng thao túng giá gas của các doanh nghiệp kinh doanh gas nhập khẩu, theo chỉ đạo của Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh.

Tại văn bản trình Thủ tướng, Bộ Tài chính cho rằng giá gas bán lẻ tại thị trường trong nước biến động theo giá nhập khẩu do Công ty Saudi Aramco (doanh nghiệp chiếm thị phần gas rất lớn trên thế giới) công bố.

Mức giá nhập khẩu của ngày cuối tháng trước sẽ áp dụng cho cả tháng sau. Nên khi giá nhập khẩu tăng (giảm) thì giá gas trong nước cũng được điều chỉnh theo từ đầu tháng. Các quy định hiện hành không bắt buộc phải tính và điều chỉnh giá gas trong nước từ đầu tháng.

Ngoài ra, giá gas được điều hành theo cơ chế thị trường, do các doanh nghiệp tự quyết định. Bộ Tài chính cũng cho biết đã yêu cầu Tập đoàn Dầu khí VN báo cáo cơ chế giá bán đối với gas sản xuất trong nước, cơ chế đấu thầu gas sản xuất trong nước, tình hình nhập khẩu...

 

Theo Tuổi Trẻ

Các tin cũ hơn