Gửi tiết kiệm vẫn hấp dẫn

Thứ ba, 08/01/2013, 06:25
Với trần lãi suất tiền gửi ngắn hạn 8%/năm và khoảng 11%/năm đối với kỳ hạn trên 1 năm, cùng với kỳ vọng lạm phát năm 2013 thấp hơn 6,8%, nhiều chuyên gia cho rằng gửi tiết kiệm bằng VND vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn.  

Chính phủ luôn khẳng định sẽ điều hành lãi suất (LS) theo lạm phát mục tiêu, ổn định kinh tế vĩ mô. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình cũng đã nhiều lần tuyên bố, cơ quan này luôn nhất quán trong việc hướng chính sách tiền tệ để bảo vệ sức mạnh, giá trị VND, đảm bảo LS thực dương cho người gửi tiền.

Tuy nhiên, LS tiền gửi giảm liên tiếp trong năm 2012, và dự báo tiếp tục giảm trong năm 2013 khiến nhiều người lo ngại đồng tiền tiết kiệm ít ỏi của mình bị mất giá, không sinh lời. Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình hiện nay của nền kinh tế cũng như cam kết của Chính phủ thì người gửi tiền bằng VND chắc chắn vẫn có lợi.

Tại cuộc họp báo cuối năm vừa diễn ra, Thống đốc NHNN cho biết trong năm 2013, NHNN sẽ điều hành chính sách LS một cách thận trọng, linh hoạt, bám sát mục tiêu lạm phát mà Quốc hội đề ra.

Theo đó, mức lạm phát mục tiêu cho cả năm 2013 được khẳng định sẽ thấp hơn mức 6,8% của 2012. Như vậy, đối với những người gửi tiền, LS trần tối đa 8%/năm vẫn thực dương. Thậm chí, với người gửi tiền kỳ hạn dài trên 1 năm, LS được thỏa thuận với các ngân hàng hiện phổ biến từ 11%-11,5%/năm, mức lợi nhuận còn cao hơn nhiều.

tiết kiệm
 Gửi tiết kiệm bằng VND được các chuyên gia xem là kênh đầu tư có hiệu quả trong năm 2013

Tâm lý người gửi tiền luôn lo ngại VND mất giá so với vàng và USD. Tuy nhiên, rõ ràng trong bối cảnh mà kênh đầu tư từ vàng miếng bị siết chặt, các điểm giao dịch bị thu hẹp, NHNN khẳng định toàn quyền áp đặt giá vàng trong năm 2013, việc đầu tư vào vàng chắc chắn sẽ bị hạn chế.

Bên cạnh đó, cán cân thương mại xuất siêu, dự trữ ngoại hối tăng gấp đôi so với 2011, cũng như những chính sách chống “đô la hóa” của NHNN khiến USD cũng trở nên kém hấp dẫn. Ông Phạm Xuân Hòe, Vụ phó Vụ Chính sách tiền tệ NHNN khẳng định, cơ quan này đang xem xét LS tiền gửi ngoại tệ, nếu LS VND tiếp tục giảm xuống, nhiều khả năng mức LS tiền gửi ngoại tệ 2%/năm đối với cá nhân, 0,5%/năm đối với các tổ chức cũng sẽ tiếp tục được điều chỉnh.

Từ năm 2012 đến nay, qua 5 lần hạ trần LS huy động từ 14%/năm xuống còn 8%/năm, tiền gửi VND vào hệ thống NH vẫn tăng khá mạnh. Thống kê từ NHNN cho thấy, đến cuối năm 2012, tiền gửi bằng VND của dân cư đã tăng 36% so với 2011.

Trao đổi với PV, chuyên gia kinh tế TS Bùi Kiến Thành nhận định, xét về xu hướng trong năm 2013 khi Chính phủ dự định giữ lạm phát ở mức thấp dưới 6,8%, hoàn toàn có khả năng LS sẽ được điều chỉnh giảm tiếp, để kéo mức LS cho vay về khoảng 10%/năm, giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh. Khi đó, LS tiền gửi sẽ dao động với biên độ khoảng 3% so với cho vay, tức ở mức khoảng 7%/năm. Như vậy, người gửi tiền vẫn có thể yên tâm.

“Trong năm 2013, nếu LS huy động có thấp xuống, người ta có thể lấy tiền ra làm việc khác để thu lợi nhuận cao hơn, nhưng đó là những người có hoạt động kinh tế, còn người không có kinh doanh thì gặp khó do bất động sản đóng băng, ngoại tệ ổn định, vì vậy tiền của họ sẽ quay trở lại ngân hàng mà thôi”, TS Thành nói.

Khẳng định kênh gửi tiền vẫn còn hấp dẫn, nhưng nguyên Thống đốc NHNN Cao Sĩ Kiêm cảnh báo những nguy cơ đối với sự ổn định của VND trong 2013, khi đồng nội tệ phải chịu những thách thức không hề nhỏ. Trước hết là yếu tố lạm phát thực tế có thể sẽ không như lạm phát kỳ vọng.

Sau nữa, giá nhiều mặt hàng như lương thực, thực phẩm sẽ tăng trở lại, cùng với giá điện theo tuyên bố có thể sẽ còn tiếp tục tăng có thể trực tiếp làm ảnh hưởng tới giá thành sản phẩm nhiều ngành sản xuất, kéo chỉ số CPI tăng lên.

Năm 2012, thành tích xuất siêu, thay vì con số nhập siêu hàng chục tỉ USD của những năm trước là tín hiệu đáng mừng, giúp cho cán cân thương mại thặng dự, tỷ giá được giữ vững, giá trị VND được bảo vệ.

Tuy nhiên, GDP năm 2012 tăng thấp nhất trong nhiều năm, yếu tố xuất siêu thiếu bền vững, nền kinh tế sẽ quay trở về giá trị thực, có thể hứng chịu những biến động mạnh về tỷ giá, đó là yếu tố đe dọa giá trị của VND mà các nhà quản lý phải cảnh giác.

Gửi nhiều tiền quá cũng đáng lo

“Nhiều người dân hiện nay vẫn cho rằng tiết kiệm là tốt nhất vì lạm phát giảm, còn đầu tư ra ngoài bất ổn, nhiều rủi ro, không an toàn” - TS Nguyễn Đức Hưởng - Phó chủ tịch HĐQT NH Bưu điện Liên Việt - nhận định.

Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, nếu kênh tiền gửi hấp dẫn quá sẽ là nguy cơ cho nền kinh tế, bởi khi đó người dân sẽ mang hết tiền ra gửi ngân hàng mà không đầu tư vào sản xuất kinh doanh.

“NH huy động nhiều không dám cho vay mạnh thì bị lỗ. Rồi thu quá nhiều vốn buộc phải cho vay bất cứ giá nào, trong khi nền kinh tế ách tắc, nợ xấu còn cao rất nguy hiểm. Vấn đề quan trọng trong điều hành, vừa đảm bảo giữ được giá trị VND, nhưng cũng phải thúc đẩy được đầu tư, thông qua giải quyết nợ xấu, hàng tồn kho” - ông Hưởng nói.

 Theo Thanh Niên

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn