Nhờ đâu mà ông đạt giải thưởng “Asian Innovation Awards 2012” của Wall Street Journal Asia?
Đây là giải thưởng trao cho những tổ chức/cá nhân thành công trong kinh doanh nhờ cải tiến và đổi mới mô hình kinh doanh. Năm nay, tôi được trao giải “Spirit of Innovation” do đóng góp vào quá trình vực dậy một doanh nghiệp trong lĩnh vực IT.
Năm 2011, Công ty Clickcious do tôi quản lý được Tạp chí Công nghệ Red Herring (Mỹ) đưa vào top 100 công ty châu Á hoạt động hiệu quả và tăng trưởng nhanh nhất. Họ cũng giới thiệu tôi với Wall Street Journal Asia, nhờ vậy chúng tôi trở thành ứng cử viên cho “Asian Innovation Awards 2012”.
Câu chuyện của Clickcious là như thế nào?
Tiền thân của Clickcious là VietCore, một công ty trong lĩnh vực IT chuyên gia công phần mềm và cho thuê thiết bị điện tử. Sau một thời gian VietCore hoạt động không hiệu quả, Tập đoàn Tư vấn Chiến lược Robenny của chúng tôi mới mua cổ phần và cử tôi làm Chủ tịch.
Robert Trần, Tổng Giám đốc khu vực châu Á của Tập đoàn Tư vấn Chiến lược Robenny Canada. |
Trong mắt khách hàng, VietCore là một công ty cho thuê máy chiếu nên giá dịch vụ rất thấp nên không mang lại lợi nhuận. Tôi đã quyết định tái định vị doanh nghiệp này thành một công ty quảng cáo tương tác phi truyền thống mang tên Clickcious. Nhờ thay đổi chiến lược, công nghệ và cắt giảm nhân sự từ 130 người xuống còn 6 người chủ chốt mà Công ty đã hòa vốn chỉ nửa năm sau đó.
Bây giờ, Clickcious thực hiện quảng cáo tương tác cho khách hàng tại các trung tâm thương mại, cao ốc văn phòng và hệ thống nhà hát ở TP.HCM. Đặc biệt, Quỹ Đầu tư Mạo hiểm General Atlantic đã đầu tư vào Facebook và Alibaba cũng muốn đầu tư 15% số vốn vào Clickcious.
Ông đã gặp nhiều khó khăn khi tái định vị Clickcious?
Mọi chuyện không hề đơn giản. Vấn đề lớn nhất tôi phải thực hiện là thay đổi tư duy của người làm kỹ thuật sang làm kinh doanh. Trước đây, CEO của VietCore là dân kỹ thuật nên rất thích thú những đặc tính của máy móc nhưng bây giờ phải tập trung vào việc chăm sóc nhu cầu của khách hàng.
Tôi phải đứng ở vị trí phản biện lại vị CEO này và đội ngũ nhân viên của anh, đa phần cũng xuất thân từ kỹ thuật. Nhờ thường xuyên cùng tôi đi gặp đối tác, anh ấy nhận ra rằng khách hàng khó tính với những yêu cầu khắt khe về marketing. Và Clickcious lúc này mới bắt đầu hỗ trợ khách hàng giải quyết chuyện xây dựng và kích hoạt thương hiệu chứ không còn cho thuê thiết bị nữa.
Việc chuyển đổi tư duy kỹ thuật của CEO và đội ngũ VietCore thành tư duy kinh doanh của Clickcious là thử thách rất lớn. Dù vậy, tôi cũng có cơ hội nhận ra rằng những người làm kỹ thuật, khoa học dù rất khó thay đổi nhưng một khi đã hiểu về kinh doanh thì họ lại làm cực kỳ tốt.
Doanh nghiệp Việt Nam có tích cực đổi mới như vậy không?
Theo quan sát của tôi là có. Tuy nhiên, vấn đề mà đa số doanh nghiệp gặp phải là không biết phải bắt đầu từ đâu và như thế nào khi đã có ý tưởng. Ý tưởng khác biệt thì nhiều, nhưng họ vẫn còn e dè vì những lý do như rủi ro thất bại hay vấn đề kinh phí. Dù sao đi nữa, tôi vẫn luôn tư vấn cho họ rằng: “Đừng suy nghĩ phức tạp mà hãy cố gắng tạo ra sự khác biệt”.
Ông vừa trở về từ Myanmar, kết quả của chuyến đi như thế nào?
Tôi đưa 2 doanh nghiệp Việt Nam sang Myanmar tham dự triển lãm thương mại để tìm cơ hội và gặp gỡ đối tác. Đó là một công ty sản xuất dược cho thú y và một công ty dịch vụ du lịch.
Kết quả bước đầu cũng rất khả quan. Nhờ chủ động liên kết sớm với các cơ quan ngoại giao của Việt Nam, Myanmar và Canada mà thông tin của 2 doanh nghiệp này đã được đưa đến cho các đối tác trước khi sự kiện diễn ra. Kết quả là ngay ngày đầu, gian hàng của 2 doanh nghiệp Việt Nam đã tiếp rất nhiều khách.
Kế hoạch trong năm 2013 của ông là gì?
Trước mắt là tiếp tục với những công việc hiện tại. Có một tin vui là sau chuyến đi trên, tôi đã được công ty dược thú y này mời quản lý 5 thị trường quốc tế của họ gồm Myanmar, Lào, Campuchia, Thái Lan và Úc. Điều này đồng nghĩa rằng sẽ bận rộn hơn, nhưng tôi thích vì sẽ được đi đây đó nhiều hơn nữa.
Theo NCĐT