Bà Phạm Chi Lan: “Đừng đổ khó cho người dân và doanh nghiệp nữa!”

Thứ sáu, 01/08/2014, 15:29
Các cơ quan Nhà nước vẫn giành ưu đãi và quyền lợi cho mình, đẩy khó khăn về phía người dân, doanh nghiệp - chuyên gia Phạm Chi Lan nói tại Hội thảo Cải thiện các chỉ số về môi trường kinh doanh.

“Tôi thật sự phục các cơ quan nhà nước về cái tài nghĩ ra các hành vi, vi phạm nhỏ để xử phạt người dân. Trong nhiều văn bản phạt khoảng 50 trang, thì có đến 45 trang kê những vi phạm của người dân, DN trong khi đó 5 trang còn lại thì dành cho Nhà nước. Các cơ quan Nhà nước vẫn giành ưu đãi và quyền lợi cho mình, đẩy khó khăn về phía người dân, doanh nghiệp”. Chuyên gia Kinh tế Phạm Chi Lan khẳng định.

Cơ quan nhà nước luôn chọn “lợi cho mình”

Báo cáo sơ bộ đưa ra tại Hội thảo Cải thiện các chỉ số về môi trường kinh doanh, đại diện Bộ Tài chính cho biết, doanh nghiệp (DN) đang phải mất 872 giờ để giải quyết các thủ tục liên quan đến thuế, hải quan và bảo hiểm.

Nộp thuế
Nộp thuế đang được cho là chiếm quá nhiều thời gian và phiền hà cho các DN (ảnh minh họa)

Như vậy, với yêu cầu của Chính phủ tại Nghị Quyết số 19/NQ-CP là trong năm 2015, bằng mọi biện pháp giảm số giờ giải quyết thủ tục hành chính của DN xuống còn 171 giờ, phần việc còn lại sẽ là rất nhiều, bởi 6 tháng đầu năm, chúng ta mới chỉ giảm được 108 giờ, còn 764 giờ nữa chờ đợi và thực sự là bài toán khó khi sự vào cuộc của nhiều bộ ngành còn “dửng dưng” – theo lời của TS, Nguyễn Đình Cung.

Hiện các vướng mắc, chồng chéo về thủ tục hành chính đang rất nhiều nhưng nhiều sự việc vẫn chưa được xử lý tận gốc. “Ngay cả Chính phủ họp thường kỳ hoặc làm việc với các bộ, tỉnh còn trực tuyến được, thì sao các bộ, ban ngành và cơ quan ngang bộ không làm việc trực tuyến để “ba mặt một lời” giải quyết dứt điểm từng vụ việc…”, bà Lan cho biết.

Chuyên gia Phạm Chi Lan cũng nhấn mạnh, những thủ tục phiền hà, phức tạp, thiếu kết hợp trong các cơ quan quản lý nhà nước, bản thân đó là vi phạm quy định vì đã đẩy lùi tốc độ cải cách thể chế dẫn đến chúng ta tự tạo cơ chế o ép hoạt động của doanh nghiệp. Dẫn chiếu ngay, “Tôi vừa nghe đại diện Bộ Tài Chính nói một cách “nài nỉ” đối với đại diện của Bảo hiểm xã hội ngay tại hội nghị này là làm thế nào để hai cơ quan có thể ngồi với nhau làm việc đây, tôi thấy nó kỳ cục quá”. Bà Lan khẳng định, việc thiếu kết hợp hay khó kết hợp để đồng thuận một giải pháp và cách thức xử lý các công việc liên quan đến hai cơ quan chuyên trách khiến cho nhiều việc không được xử lý triệt để.

Thói quen đổ cái khó cho người dân
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cũng cho hay “đến cái chữ viết hoa hay không viết hoa cũng có nhiều người đưa ra bắt bẻ.
Trong khi đó những chồng chéo, phức tạp trong thủ tục hành chính giữa các cơ quan nhà nước để quản lý hoạt động của DN vẫn còn nhiều rối rắm thì lại chậm khắc phục. Rõ ràng nhất là câu chuyện nộp thuế và thông quan hàng hóa như đã gây ra những hệ lụy, trắc trở như trên nhưng không thấy ai bị phạt, ai chịu trách nhiệm? Hầu như tất cả cái khó đều chĩa vào người dân, DN. Trong thế giới hội nhập, luật chơi như nhau vì thế ta cần phải cải cách để phù hợp thông lệ quốc tế”.
Gần đây, các động thái của Chính phủ thể hiện rất rõ mục tiêu cải cách thể chế là nhiệm ưu tiên để hội nhập. Mới đây nhất là Quyết định số 42/2014 đã được Thủ tướng thông qua và có hiệu lực ngay trong tháng 7/2014 về Quy chế theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ giao đối với các lãnh đạo cấp cao cơ quan bộ và ngang bộ.
Tại Quyết định 19 về cải cách chỉ số môi trường kinh doanh này, Thủ tướng đã giao trực tiếp cho các bộ liên quan, trong đó “ưu tiên” Bộ Tài chính, cụ thể là ba ngành: thuế, hải quan và bảo hiểm xã hội.
Chúng ta chỉ còn một thời gian ngắn nữa phải thực hiện các cam kết quốc tế, trong đó lớn nhất, cụ thể nhất là cam kết với Cộng đồng Kinh tế Asean (AEC), sắp tới là FTA với EU, Nhật, Gói cam kết Bali (thuộc vòng Đàm phán Doha) hay Hiệp định “thế kỷ” Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ quá khó khăn cho hội nhập.
“Nếu các cơ quan chuyên môn vẫn bảo lưu cách thức quản lý, điều hành và không  tự cải tổ mình, chúng ta vẫn luôn đi sau và khó có thể hội nhập được với các nước phát triển hơn chúng ta trong Asean – 6, chứ chưa nói gì đến sân chơi lớn toàn cầu nếu các hiệp định được ký kết”, Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan khẳng định.

Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ đề cập đến các nhiệm vụ và giải pháp cải cách môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Được thông qua vào tháng 3/2013, đây là “ý chí cải cách lớn” - theo lời chuyên gia Phạm Chi Lan đã được Chính phủ và giới chuyên gia đánh giá và kỳ vọng nâng cao khả năng cạnh tranh ở hai khu vực: doanh nghiệp và thể chế nhà nước đến hết năm 2015.

Theo Dân Trí

Các tin cũ hơn