Nhận diện "mảng tối" của ba hãng hàng không Việt

Thứ ba, 29/07/2014, 10:56
Những con số thống kê về “năng lực” chậm hủy chuyến bay của 3 hãng Vietnam Airlines (VNA), Vietjet Air (VJA) và Jetstar Pacific (JPA) khiến không ít người phải giật mình.

Thông báo đột xuất từ Cục Hàng không Việt Nam (CAAV) vừa phát đi mới đây cho thấy, chỉ trong vòng 24h tính từ 12h00 ngày 25/7/2014 đến 12h00 ngày 26/7/2014, đã có tới 83 chuyến bay của VNA, VJA và JPA bị chậm hủy vì nhiều lý do, tương đương khoảng gần 20% tổng số chuyến bay khai thác trong ngày.

Cảnh tượng này đã không còn hiếm tại các sân bay.

Cảnh tượng này đã không còn hiếm tại các sân bay.

Cụ thể, trong thời gian 24h, ba hãng hàng không nói trên đã khai thác tổng cộng 426 chuyến. Trong đó, VNA khai thác 270 chuyến; 104 chuyến thuộc về VJA và JPA khai thác 52 chuyến bay. Trong đó, VNA có 58/270 chuyến bị chậm hủy, chiếm gần 21% tổng số chuyến bay khai thác. Nguyên nhân chủ yếu là do lỗi của chính hãng này khi có tới 30 chuyến bị chậm, 17 chuyến chậm do tàu bay về muộn.

VJA có 18 chuyến bay bị chậm chuyến, không có trường hợp hủy chuyến, chiếm 17,3% tổng số chuyến bay khai thác trong ngày. Nguyên nhân chủ yếu là do lỗi trong công tác điều hành bay với tỷ lệ 10/18 chuyến chậm; 3 chuyến chậm do tàu bay về muộn còn lại là các nguyên nhân khác…

JPA có 9 chuyến bay bị chậm, không bị hủy chuyến, chiếm 17,3% tổng chuyến bay khai thác. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là do tàu bay về muộn với 6/9 chuyến, 3 chuyến bị chậm do công tác điều hành bay có vấn đề.

Mặt khác, mới đây Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh cho biết, 6 tháng đầu năm 2014, các hãng hàng không Việt Nam thực hiện 74.000 chuyến bay. Trong đó tỷ lệ chậm chuyến khoảng 20,9%, tỉ lệ hủy chuyến 3,2% tăng tương ứng 5,2% và 0,5% so với cùng kỳ năm 2013.

Vietjet Air và Jestar Pacific lần lượt đứng đầu danh sách với tỷ lệ hơn 40% chậm chuyến, một tỷ lệ quá cao (gấp đôi tỷ lệ trung bình của các hãng hàng không trên thế giới khoảng 20%) gây bức xúc dư luận . Trong khi đó, VNA có tỷ lệ chậm - hủy chuyến thấp hơn chút ít, lần lượt là 12,3% và 2,9%, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2013.

Tại buổi làm việc trực tiếp với Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng hồi đầu tháng 7 vừa qua, đại diện VNA cũng đã thừa nhận, số chuyến bay bị chậm - hủy chuyến của hãng đang gia tăng so với năm 2013. Theo chia sẻ từ đại diện VNA, một ngày VNA có gần 400 chuyến bay, trong đó có hơn 40 chuyến bị chậm - hủy, ước tính sẽ làm ảnh hưởng tới khoảng 6.000 hành khách.

Ghi nhận từ CAAV cho thấy, ngoài việc để chậm chuyến nhiều, cung cách phục vụ hành khách khi bị chậm chuyến của một số hãng hàng không tỏ ra thiếu chuyên nghiệp khiến dư luận càng thêm bức xúc. Theo CAAV, có 5 nhóm nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm, hủy chuyến tăng cao trong 6 tháng đầu năm 2014. Bao gồm, khai thác của các hãng hàng không; dịch vụ và trang thiết bị (kết cấu hạ tầng) tại cảng hàng không; an ninh hàng không; quản lý, điều hành bay và các nguyên nhân khác (thời tiết, chim chóc, đặc điểm vùng trời hẹp…).

Trong đó, nguyên nhân do khai thác của các hãng hàng không chiếm tỷ lệ cao nhất lên tới 72,7%.

Theo Zing

Các tin cũ hơn