Đây là một trong những nội dung đáng chú ý nhất vừa được thông qua trong buổi làm việc giữa Quốc vụ khanh Tauch Chankosal, Trưởng đoàn công tác Bộ Giao thông Công chính Campuchia và Bộ Giao thông vận tải.
Theo đó, hai bên đã trao đổi một số vấn đề về hiện trạng Quy hoạch tổng thể phát triển mạng lưới đường cao tốc tại Việt Nam; mô hình quản lý đầu tư và vận hành đường cao tốc tại Việt Nam; kế hoạch đầu tư xây dựng đường cao tốc Hồ Chí Minh - Phnôm Pênh và một số công tác triển khai trong thời gian tới…
Ông Trần Minh Phương, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư (Bộ Giao thông vận tải) cho biết, theo Quyết định số 1734/ QĐ-TTg, tuyến đường bộ cao tốc Hồ Chí Minh - Mộc Bài sẽ kết nối từ đường Vành đai 3, TP. Hồ Chí Minh tới cửa khẩu Mộc Bài có chiều dài 55km, quy mô 4 - 6 làn xe và được nghiên cứu đầu tư xây dựng sau năm 2020.
Bên cạnh đó, Đề án điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 đã xác định tuyến đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài là một trong 6 tuyến trục cao tốc có năng lực thông xe lớn được đề xuất xây dựng nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hạ tầng giao thông khu vực Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Hiện tại, tuyến từ TP. Hồ Chí Minh đến cửa khẩu Mộc Bài là tuyến Quốc lộ 22 có chiều dài 58km đạt tiêu chuẩn cấp I, quy mô 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp.
Theo báo cáo của các địa phương, hiện lưu lượng giao thông trên tuyến đường này tương đối cao, thường xuyên bị ùn, tắc vào các giờ cao điểm.
Trong khi đó, chuyên gia giao thông của cả 2 nước Việt Nam và Campuchia đều cho rằng, đây là tuyến AH1 trong mạng đường bộ xuyên Á và trùng với Tuyến hành lang phía Nam nối Vũng Tàu - TP. Hồ Chí Minh - Phnôm Pênh - Xiêm Riệp - Băng Cốc, là tuyến có tiềm năng phát triển mạnh trong hợp tác giữa các nước thuộc Tiểu vùng Mê Kông.
Do đó, Bộ Giao thông vận tải cho biết, sẽ nghiên cứu đầu tư dự án đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài theo quy hoạch hiện có, dự kiến sau 2020 sẽ tiến hành nghiên cứu và triển khai xây dựng vào năm 2025.
Tuy nhiên, đại diện Bộ Giao thông vận tải cho biết thêm, nếu do nhu cầu phát triển kinh tế đòi hỏi phải xây dựng tuyến đường này nhanh hơn, Việt Nam sẵn sàng phối hợp với Campuchia bắt đầu nghiên cứu triển khai dự án này ngay tại thời điểm phù hợp.
“Để thực hiện kế hoạch chung về việc nghiên cứu đầu tư xây dựng đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài - Bà Vẹt - Phnôm Pênh, trước hết hai Bộ cần trình Chính phủ hai nước phê duyệt Đề án ưu tiên đầu tư vào trục đường cao tốc này”, ông Phương khẳng định.
Đồng thời, Bộ Giao thông 2 nước đã đồng ý về nguyên tắc việc ký kết Biên bản ghi nhớ giữa hai Bộ để thống nhất các nội dung về Kế hoạch triển khai đầu tư xây dựng đường cao tốc Hồ Chí Minh - Phnôm Pênh.
Hai Bộ đề nghị Nhóm thư ký của hai bên dự thảo xây dựng, báo cáo trưởng đoàn các bên xem xét ký kết trong thời gian sớm nhất để có thể triển khai nhanh dự án.
Theo Bizlive