Một thập kỷ trước, Việt Nam chỉ là mắt xích nhỏ trong chuỗi cung ứng điện tử toàn cầu. Nhưng đến năm ngoái, các doanh nghiệp tại đây đã xuất khẩu được 38 tỷ USD thiết bị và linh kiện điện tử, theo số liệu của Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC). Dù chưa thể so với 560 tỷ USD của Trung Quốc, Việt Nam cũng đã là quốc gia xuất khẩu hàng điện tử lớn thứ 12 thế giới.
Trên thực tế, rất nhiều hãng sản xuất đã tìm đến Việt Nam, do điều kiện vĩ mô bất lợi tại Trung Quốc. Lực lượng lao động tại quốc gia đông dân nhất thế giới đang già đi, giá nhân công tăng lên, cùng nhiều xu hướng khác khiến nước này mất dần ưu thế giá rẻ trong nhiều ngành công nghiệp. Trung Quốc sẽ vẫn là công xưởng hàng đầu thế giới, nhưng lợi thế cạnh tranh của họ tại mảng sản xuất và lắp ráp giá rẻ đang giảm dần.
Xu hướng này lại có lợi cho nhiều nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, Indonesia, Thái Lan và Philippines. Những nước này đều có lực lượng lao động dồi dào, giá rẻ, sẵn sàng bù đắp cho Trung Quốc. Nhiều hãng điện tử đã chuyển đến các thị trường này trong vài năm qua, nhưng đặc biệt mạnh tại Việt Nam, nước có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu điện tử hàng đầu thế giới. Đổi lại, kinh tế Việt Nam cũng sẽ được hưởng lợi từ nguồn vốn, tài năng và công nghệ nước ngoài.
Samsung được đánh giá đầu tư tích cực nhất vào Việt Nam. |
Samsung là hãng có hoạt động tích cực nhất tại đây. Họ đã đầu tư hàng tỷ USD vào các nhà máy sẽ sản xuất phần lớn smartphone cho hãng trong những năm tới. Intel và LG rót một tỷ USD tại Việt Nam, trong khi hàng tá công ty khác cũng đã đầu tư vào đây cả trăm triệu USD.
Theo Techonomy, Việt Nam được chú ý do có vị trí địa lý thuận lợi. Không như Indonesia hay Philippines nằm rìa ngoài Đông Nam Á, giáp ranh Trung Quốc khiến việc hợp nhất chuỗi cung ứng trở nên dễ dàng hơn. Việt Nam cũng ít chịu thiên tai hơn các nước khác trong khu vực.
Nhu cầu tiêu dùng trong nước tăng lên cũng là điểm hấp dẫn các hãng sản xuất. “Rất nhiều hãng điện tử chọn điểm sản xuất không chỉ vì nhân công rẻ. Họ cũng tìm kiếm các quốc gia có khả năng vươn lên thành thị trường tiêu dùng lớn. Việt Nam dường như có đầy đủ điều kiện thuận lợi”, Glenn Maguire - kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại ANZ cho biết. Ông cũng nhận định Việt Nam có hệ thống cung cấp điện tốt, chính trị ổn định và cơ sở hạ tầng đang được cải thiện.
Dù vậy, nhân công rẻ bậc nhất khu vực mới là yếu tố chính thu hút các hãng. Tại Đông Nam Á, chỉ Lào, Campuchia và Myanmar có giá nhân công rẻ hơn, nhưng lại thiếu nhiều điều kiện khác so với Việt Nam.
Bùng nổ sản xuất điện tử sẽ giúp thúc đẩy kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, hiện tại, phần lớn nhà máy chỉ tập trung sản xuất sản phẩm giá trị gia tăng thấp, hoặc láp ráp. Dù việc thiết lập và vận hành nhà máy đòi hỏi lãnh đạo, kỹ sư có trình độ, phần lớn nhân công lại nằm ở khâu lắp ráp.
Tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn sẽ còn phụ thuộc vào việc liệu Việt Nam có thể chuyển lên các khâu có giá trị cao hơn, hoặc tạo ra nhiều việc làm cần trình độ hơn hay không. Dòng vốn ngoại sẽ giúp Việt Nam có cơ hội tiếp cận công nghệ và tri thức nước ngoài, đồng thời cũng tạo ra nguồn tài chính cần thiết để cải thiện cơ sở hạ tầng và giáo dục.
Một số công ty dường như cũng muốn bồi dưỡng nhân tài công nghệ trong nước. Khi Intel mở nhà máy lắp ráp 1 tỷ USD năm 2010, hãng đã gặp khó khăn khi tuyển dụng kỹ sư có chất lượng. Vì vậy, họ lập ra chương trình du học đặc biệt nhằm đào tạo kỹ sư cho mình, chi 7 triệu USD để gửi 73 sinh viên sang học tại Đại học Portland (Oregon, Mỹ).
Techonomy nhận định nếu Việt Nam có thể tiếp tục phát triển các tài năng công nghệ, thế hệ nhân công có trình độ sẽ cho phép Việt Nam xuất khẩu các sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Thu nhập của người lao động cũng được nâng lên, góp phần tăng nhu cầu trong nước. Còn nếu không, Việt Nam sẽ chỉ có thể thu hút đầu tư cho đến khi một địa điểm khác rẻ hơn xuất hiện.
Theo VnExpress