Như thông tin đã đưa, đoạn video clip quảng cáo sản phẩm Trà xanh C2 Ô Long hoa hồng với nội dung: "Chuyên gia trà C2 khám phá bí quyết tạo nên trà Ô Long đích thực, từ những búp trà Ô Long tươi ngon Thái Nguyên được lên men cẩn thận để lưu giữ hàm lượng polypenol, giúp hạn chế hấp thu chất béo, được ủ và đóng chai trong cùng một ngày, tạo nên C2 Ô Long Hoa hồng cho bạn sức khỏe căng tràn” lộ nhiều thông tin thiếu trung thực, mập mờ về nguồn gốc sản phẩm, quy trình sản xuất không đảm bảo chất lượng.
Trước và sau đó nhiều lần, PV đã liên hệ đề nghị Công ty TNHH URC Việt Nam - chủ nhãn hàng Trà xanh C2 Ô Long hoa hồng cung cấp cụ thể nguồn gốc trà Ô Long dùng làm nguyên liệu sản xuất sản phẩm này, nhưng đến nay địa chỉ cụ thể của những đơn vị cung cấp nguồn trà nguyên liệu ở Thái Nguyên vẫn là "ẩn số".
Trà xanh C2 Ô Long hoa hồng quảng cáo "lừa dối" khách hàng |
Điều đáng nói, trong khi dư luận đang đặt hoài nghi về nguồn gốc và chất lượng sản phẩm thì bản thân công ty sản xuất sản phẩm Trà xanh C2 Ô Long hoa hồng chỉ đưa ra những thông tin rất ít ỏi như: "Toàn bộ nguyên liệu trà Ô Long phục vụ cho việc sản xuất trà C2 Ô Long do công ty TNHH sản xuất và thương mại Phúc Long cung cấp, thu mua trực tiếp từ nông dân/cơ sở nhỏ khắp các vùng Thái Nguyên, trong đó có Tân Cương, Tức Tranh".
"Hợp đồng giữa công ty URC với đơn vị cung ứng nguyên liệu là công ty Phúc Long đã chứng minh rằng: URC không sai khi quảng cáo “Trà Ô Long Thái Nguyên”, bà Nguyễn Thiên Hương - Giám đốc PR của URC Việt Nam khẳng định.
Dẫn chứng cho điều này, bà Hương đã gửi bản Chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm của Công ty TNHH sản xuất và thương mại Phúc Long do Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm - Sở Y tế TP.HCM cấp cho Báo điện tử VTC News.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia về trà Ô Long, giấy chứng nhận này có rất nhiều điểm cần phải làm rõ, đặc biệt là về quy trình chế biến sản phẩm.
Video Trà xanh Ô Long C2 chanh:
TS Nguyễn Hữu Tài – Chủ tịch Hiệp hội chè Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc – Tổng Công ty chè Việt Nam khẳng định: "Quy trình chế biến chè Ô Long theo giấy chứng nhận này là hoàn toàn sai so với quy trình chuẩn".
Cụ thể, theo giấy chứng nhận này, quy trình sản xuất trà Ô Long được làm như sau: Rửa sạch đọt trà tươi trụng trà trong nước 90 độ C => rửa lại bằng nước lạnh => mang trà vào máy để ủ => sấy khô ở 80 độ C trong 3 giờ => phân loại trà => cho lên men => cho vào máy định hình trà => sấy khô => Đóng gói => Thành phẩm.
Trong khi đó, theo ông Tài, quy trình chế biến trà Ô Long như sau: Búp trà tươi sau khi được hái sẽ được để nắng héo ở nhiệt độ 25 – 30 độ C và thời gian 30 – 45 phút.
Trà búp tươi được phơi héo bằng cách rải mỏng trên vải bạt, có giàn che bên trên để hạn chế nắng gắt. Chỉ dùng ánh nắng mặt trời như vậy để tăng nhanh quá trình thoát hơi nước trong búp trà, làm mất tính bán thấm của màng tế bào, tăng hàm lượng các thành phần hoá học trong tế bào, tạo điều kiện cho các phản ứng sinh hóa diễn ra từ từ, làm tăng hoạt động của enzyme, đặc biệt là hàm lượng cathechin, thúc đẩy quá trình oxy hoá để lên men tự nhiên.
Sau đó, trà được sấy nhẹ và vo tròn để cho phần lớn các cấu trúc tế bào vẫn giữ nguyên vẹn.
Qua quá trình chế biến công phu, tinh tế như vậy, trong trà Ô Long giữ được gần 400 hoạt chất, được xếp làm 13 nhóm như chất đường, protein, tinh dầu, acid amin, các acid hữu cơ, các chất khoáng vô cơ, các vitamin, các glucoside, các enzym và tanin (15-30%),…
Sau nắng héo, trà sẽ chuyển sang giai đoạn làm “mát héo” ở nhiệt độ 20 – 22 độ C và thời gian từ 30 – 45 phút. Ở giai đoạn này búp chè sẽ được đưa vào phòng, rải mỏng đều trên nong, đồng thời đảo trộn để tiếp tục quá trình thoát hơi nước, làm dập các tế bào, xúc tiến quá trình lên men, thời gian 12 giờ.
Sau đó, búp chè sẽ được quay thơm (rũ hương) trong 15 - 30 phút và tiến hành lên men trong thời gian từ 3 – 3,5 giờ.
Sau khi lên men, sẽ tiến hành xào diệt men, vò chuông, sấy dẻo, tạo hình trong khoảng 12 giờ. Cuối cùng là sấy khô khoảng 2 giờ đồng hồ, sau đó phân loại, đóng gói và đem sản phẩm đi bảo quản trong kho lạnh.
Muốn có được sản phẩm trà Ô Long ngon, mỗi một công đoạn chế biến đều phải tuân theo quy trình nghiêm ngặt cả về nhiệt độ lẫn thời gian.
"Như vậy, quy trình của Công ty Phúc Long không hề có giai đoạn nắng héo và việc trụng trà trong nước 90 độ C là hoàn toàn sai quy trình", ông Tài nhấn mạnh.
Ngoài ra, nội dung giấy chứng nhận này cũng có rất nhiều điểm không đúng với sản phẩm trà Ô Long.
Cụ thể, theo ông Tài, trong mục Nguyên liệu dùng "Đọt trà xanh Ô Long", ghi như vậy tức là giống trà Ô Long, giống này chỉ có ở Đài Loan. Còn tại Việt Nam hiện nay trà Ô Long được sản xuất từ các giống như Kim Tuyên, Ngọc Thúy,…những giống trà có chất lượng tương đương trà Ô Long.
Trong phần bảo quản có ghi "Trà ướp bông phải được bảo quản nơi khô…", ông Tài khẳng định: "Trà Ô Long không thể ướp bông (hoa) được".
Mục "Thành phần đóng gói" trong bao của Giấy chứng nhận sản phẩm này cũng không hề có "hút khí chân không".
"Trà Ô Long khi đóng gói chắc chắn phải hút khí chân không", ông Tài nhấn mạnh.
Để làm rõ thực hư về giấy Chứng nhận chất lượng sản phẩm này, PV đã tìm đến đơn vị cấp giấy này là Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm - Sở Y tế TP.HCM.
Tuy nhiên, điều bất ngờ là các phòng ban chức năng Sở Y tế TP.HCM sau khi rà soát tìm kiếm thông tin công ty Phúc Long và Công ty URC Việt Nam nhưng không thấy tên đơn vị nào trong danh mục đăng kiểm.
Như vậy, nếu sản phẩm của Công ty TNHH Phúc Long không đạt yêu cầu, cũng đồng nghĩa với việc sản phẩm trà xanh C2 Ô Long hoa hồng của Công ty TNHH URC Việt Nam không đúng như quảng cáo trên các phương tiện truyền thông và việc cố tình lừa dối khách hàng của URC cần có tiếng nói từ phía các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ.
Hiện PV đang tiếp tục một lần nữa đề nghị URC Việt Nam cung cấp tên hộ nông dân/cơ sở tại Thái Nguyên cung cấp nguồn chè nguyên liệu để làm sản phẩm này.
Theo VTCNews