Công tác quản lý ở Kho bạc Nhà nước đã bộc lộ hàng loạt sai phạm nghiêm trọng. |
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản thông báo ý kiến của Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật tại Kho bạc Nhà nước (KBNN) VN do Thanh tra Chính phủ (TTCP) tiến hành. Phó thủ tướng đồng ý với tất cả các nội dung mà TTCP đã làm rõ về những sai phạm khá nghiêm trọng ở cơ quan này.
Điều tiết ngân sách không đúng
Theo kết luận của TTCP, tại KBNN của 8 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Thái Nguyên, Yên Bái, Hà Tĩnh, Nghệ An, TP.HCM, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đắk Lắk) và Sở Giao dịch, đã có tình trạng điều tiết không đúng theo phân cấp ngân sách ở một số nơi với số tiền lên tới 130 tỉ đồng. Trong đó điều tiết không đúng cho ngân sách trung ương là 111,39 tỉ đồng; điều tiết không đúng cho ngân sách địa phương là trên 38,77 tỉ đồng. Một số KBNN còn điều tiết không đúng phân cấp ngân sách nhà nước thời kỳ từ năm 2010 đến tháng 6.2012 với số tiền gần 78,5 tỉ đồng.
Một số trường hợp KBNN thực hiện việc hạch toán không đúng nội dung thu với chương và tiểu mục ghi trên chứng từ nộp tiền vào ngân sách. “Việc này không ảnh hưởng đến việc điều tiết ngân sách các cấp, nhưng nó phản ánh thông tin sai lệch về hoạt động của các ngành kinh tế quốc dân thông qua số liệu thu ngân sách nhà nước. Từ đó có thể dẫn tới việc đưa ra những chính sách, quyết định không chuẩn khác khi điều hành nền kinh tế vĩ mô”, TTCP kết luận.
Tạm ứng vốn nhưng không giải ngân
Kiểm điểm trách nhiệm
Theo TTCP, cơ quan này đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính tiến hành kiểm điểm trách nhiệm trong việc phê duyệt tạm ứng vốn KBNN cho các địa phương không có danh mục dự án, không đúng đối tượng. Đồng thời, TTCP kiến nghị Bộ Tài chính chỉ đạo KBNN tiến hành kiểm điểm trách nhiệm của Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc KBNN thời kỳ thanh tra trong việc chỉ đạo, điều hành hoạt động của KBNN đã để xảy ra những vi phạm nêu trong kết luận thanh tra. Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý với những kiến nghị này và yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, KBNN VN, UBND các tỉnh liên quan thực hiện và báo cáo Thủ tướng kết quả ngay trong quý 3 này. |
Một vấn đề khác được TTCP phát hiện cho thấy KBNN khá lỏng lẻo trong làm thủ tục, hồ sơ tạm ứng. Theo đoàn thanh tra, một số khoản KBNN tạm ứng chưa thực hiện đúng quy định về thủ tục, hồ sơ tạm ứng quy định tại Thông tư số 49/2005/TT-BTC ngày 9.6.2005 của Bộ Tài chính. Cụ thể hồ sơ tạm ứng vốn không có tài liệu xác định dự án đầu tư cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện để sớm mang lại hiệu quả kinh tế; không có phương án tạm ứng vốn KBNN thông qua Hội đồng nhân dân cùng cấp.
Việc sử dụng vốn tạm ứng của UBND một số tỉnh, thành phố còn chưa đúng với danh mục dự án đề nghị tạm ứng được Bộ Tài chính phê duyệt. Cụ thể có 468 dự án của 17 tỉnh thành phố không có trong danh mục dự án đề nghị tạm ứng được Bộ Tài chính phê duyệt nhưng đã được UBND tỉnh, thành phố cấp vốn ứng là hơn 1.176 tỉ đồng. Có 148 dự án của 14 tỉnh, thành phố được ứng vốn nhiều hơn số vốn được Bộ Tài chính phê duyệt trên 328 tỉ đồng. Có 381 dự án của 19 tỉnh, thành phố được ứng vốn ít hơn hoặc không được ứng theo phê duyệt của Bộ Tài chính hơn 1.765 tỉ đồng.
Đáng lưu ý, có 12 tỉnh, thành phố được KBNN tạm ứng vốn nhưng không giải ngân cho các dự án đã đề nghị tạm ứng mà nhập vào ngân sách tỉnh, thành phố là trên 2.459 tỉ đồng. Điển hình tại Yên Bái được Bộ Tài chính phê duyệt tạm ứng năm 2010 là 20 tỉ đồng, năm 2011 là 100 tỉ đồng nhưng UBND tỉnh không giải ngân cho các dự án mà nhập vào ngân sách tỉnh. Tương tự, tại Thái Nguyên số vốn KBNN tạm ứng năm 2009 không giải ngân cho các dự án mà nhập vào ngân sách tỉnh là 122,806 tỉ đồng, tại TP.HCM năm 2012 là 2.000 tỉ đồng.
Việc quản lý thu phí ứng vốn của KBNN chưa thực hiện đúng quy định tại Thông tư số 49/2005/TT-BTC. Cụ thể một số KBNN tỉnh (Vĩnh Long, Bình Định, Bắc Kạn, Đắk Nông) sau khi thu phí tạm ứng thì chậm nộp về KBNN để quản lý tập trung, chưa thu phí kịp thời theo quy định. Tính đến ngày 25.10.2012 tổng số phí tạm ứng vốn đến hạn phải thu nhưng chưa thu là hơn 2.123 tỉ đồng.
Dùng kinh phí giải phóng mặt bằng để mua... ô tô
Đáng chú ý, khi kiểm tra việc kiểm soát chi mua sắm ô tô tại KBNN 8 tỉnh, thành phố, TTCP phát hiện một số trường hợp vi phạm như việc lựa chọn nhà thầu, mua sai đối tượng, vượt định mức quy định. Cụ thể có 65 cơ quan, đơn vị mua 73 chiếc ô tô không thực hiện việc đấu thầu; 5 cơ quan, đơn vị mua ô tô vượt định mức quy định là 539 triệu đồng. Ngoài ra còn có 9 cơ quan đơn vị mua 9 chiếc ô tô vượt số lượng xe theo quy định, mua xe khi đã có văn bản chỉ đạo tạm dừng mua xe của Thủ tướng Chính phủ, sử dụng nguồn kinh phí tổ chức đền bù giải phóng mặt bằng để mua xe ô tô... Tổng số tiền vi phạm trên 5,6 tỉ đồng.
Chưa nộp ngân sách đã tự ý sử dụng Một vấn đề TTCP phát hiện đáng chú ý khác là tại Nghị định số 187/2004/NĐ-CP ngày 16.11.2004 của Chính phủ quy định các khoản thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước phải chuyển về Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp tại Bộ Tài chính. Thế nhưng một số tỉnh, thành phố đã để lại sử dụng chi cho các dự án đầu tư, trợ cấp cho người lao động tại địa phương. Cụ thể tại TP.HCM, số tiền chưa nộp là hơn 405,5 tỉ đồng, đã tự ý sử dụng là 93 tỉ đồng. Tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, số tiền chưa nộp là trên 52,6 tỉ đồng và đã tự ý sử dụng là trên 11,3 tỉ đồng. Tại tỉnh Đắk Lắk số tiền chưa nộp trên 23 tỉ đồng, đã tự ý sử dụng chi hỗ trợ cho các doanh nghiệp địa phương hơn 10 tỉ đồng. Theo TTCP, việc các địa phương tự ý sử dụng quỹ khi chưa được Bộ Tài chính phê duyệt là vi phạm Quy định số 187/2004/NĐ-CP của Chính phủ. |
Theo Thanh Niên