Lãi tiền tỷ với kiểu mua bán "mẹ, con" của DN Nhà nước

Thứ sáu, 25/07/2014, 14:49
Quan hệ mua bán giữa công ty mẹ, công ty con của các doanh nghiệp Nhà nước bị cho là "chưa đảm bảo khách quan và không đúng quy định".

Nói rõ hơn về những thông tin này trong buổi họp báo công bố báo cáo kiểm toán năm 2013 và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán năm 2012 vừa tổ chức sáng 25/7, lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước đưa ra dẫn chứng về tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Theo đó, công ty mẹ EVN đã nâng giá mua điện tại hai nhà máy điện là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nhiệt điện Uông Bí và Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nhiệt điện Cần Thơ với tổng số tiền là 865,8 tỷ đồng. Ngoài ra, EVN cũng giảm giá bán điện cho 5 tổng công ty điện lực trong ngành với số tiền là 1.717 tỷ đồng.

Lãi tiền tỷ với kiểu mua bán 'mẹ, con' của DN Nhà nước
Hầu hết các doanh nghiệp Nhà nước trong số 242 đơn vị thuộc 27 tập đoàn, tổng công ty được kiểm toán đều phản ánh không đúng doanh thu.

Theo đánh giá của ngành kiểm toán, việc nâng giá mua, giảm giá bán như vậy của EVN nhằm bù lỗ cho các đơn vị này trong năm 2011.

Đưa ra thêm ví dụ, đại diện Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra trường hợp của công ty cổ phần Chi Thun thuộc công ty Cao su Đăk Lăk bán hàng thấp hơn giá thị trường và cho trả chậm tiền hàng dẫn tới công ty liên kết của đơn vị này được hưởng lợi khoảng 6,9 tỷ đồng.

Cũng về công tác quản lý vốn của các doanh nghiệp, báo cáo ngành kiểm toán tiếp tục nhấn mạnh đánh giá, nhiều tập đoàn, tổng công ty quản lý nợ phải thu chưa chặt chẽ dẫn tới nợ quá hạn, khó đòi lớn. Trong số này, đại diện Kiểm toán Nhà nước đặc biệt chỉ ra số nợ quá hạn của Tổng công ty điện lực dầu khí thuộc tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) lên tới 9.650 tỷ đồng.

Ngoài ra, một số đơn vị cũng có số nợ lớn được ngành kiểm toán chỉ ra như công ty mẹ tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) còn số nợ hơn 2.314 tỷ đồng; tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco 1) là trên 558 tỷ đồng; tổng Công ty lắp máy Việt Nam (Lilama) khoảng hơn 482 tỷ đồng,...

Cũng theo đánh giá của ngành kiểm toán, một số khoản nợ trong các tập đoàn vẫn ở mức lớn kéo dài nhưng chưa được giải quyết dứt điểm. Theo đó, tới 31/12/2012, EVN còn nợ PVN 12.651 tỷ đồng, tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cũng chưa thanh toán cho PVN khoản ứng vốn trước đó là trên 229 tỷ đồng với thời hạn trả nợ từ quý 1 năm 2011...

Đặc biệt, báo cáo Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra thực tế, nhiều đơn vị không trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi như Cienco 1, Lilama, tổng công ty Xây dưng công trình giao thông 5 (Cienco 5), công ty cổ phần Licogi 15, công ty cổ phần Vinamotor,...

Theo Vietnam+

Các tin cũ hơn