Chuyến bay kí hiệu MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines bị rơi tại Donetsk, Ukraina như tiếp thêm dầu vào “mồi lửa” cấm vận mà Mỹ và các nước đồng minh phương Tây nhằm vào các công ty và doanh nhân người Nga. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, những biện pháp bao vây này có thể đẩy nền kinh tế 2.000 tỷ USD của Nga vào thời kì suy thoái.
Tuy nhiên, trong khi các tỷ phú bắt đầu lo lắng các biện pháp cấm vận này có thể khiến nền kinh tế Nga bị tê liệt thì tổng thống Nga, Vladimir Putin vẫn vững tin vào đất nước có thể vượt qua thời khó khăn này.
Trên thực tế, lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào những công ty và cá nhân thân cận với Tổng thống Putin, bao gồm cả tỷ phú Gennady Timchenko và Arkady Rotenberg. Chủ sở hữu ngân hàng SMP Bank và InvestCapitalBank, hai anh em nhà Rotenburg, cũng là một trong những người bạn lâu năm của ông Putin cũng bị điểm tên trong danh sách đen này. Có nhiều suy đoán rằng, tỷ phú Nga Roman Abramovich, cổ đông chính của câu lạc bộ Arsenal, người bạn thân thiết của tổng thống Putin cũng bị ảnh hưởng ít nhiều.
Tỷ phú Roman Abramovic (phải), người bạn thân của ông Putin có trong danh sách “đen” của Mỹ - EU (ảnh Mirror) |
Thủ tướng Anh cho hay sẽ có thêm danh sách những cá nhân Nga bị cấm đi du lịch và đóng băng tài sản giao dịch theo lệnh cấm của EU. Đây có thể là những tổ chức hay cá nhân đồng lõa tạo nên sự bất ổn tại Ukraina.
Theo tờ The Guardian thì EU đã có những động thái mới để tiếp tục áp đặt các lệnh cấm vận với Moscow - điều này càng khiến cho các doanh nhân lo sợ. Lệnh cấm vận mới của EU nhằm vào những thân tín của ông Putin và mở rộng bao gồm lệnh cấm vận vũ khí và hạn chế tài chính vào các doanh nghiệp.
Ông Alexander Lebedev, một cựu tỷ phú Nga hiện sở hữu hai tờ báo Anh là UK Independent và Evening Standard, nói rằng, ông rất bi quan về triển vọng Nga có thể cải thiện quan hệ với Mỹ và các đồng minh của Mỹ ở châu Âu. Thậm chí nhiều người cho rằng mối quan hệ Mỹ, EU-Nga tồi tệ hơn cả trong thời kì chiến tranh lạnh.
Olga Kryshtanovskaya, nhà xã hội học tại Viện khoa học Nga tại Moscow, cho biết nhiều doanh nhân Nga đang tìm mọi cách để chuyển tiền ra khỏi đất nước này.
Nga “dắn mặt” không nhượng bộ
Tuy vậy, theo nhận định của Eurasia Group, Putin sẽ không nhượng bộ trước những “đòn phủ đầu” mà Mỹ và Phương Tây giáng xuống.
Putin sẽ không nhượng bộ trước những “đòn phủ đầu” mà Mỹ và Phương Tây giáng xuống (ảnh Giornalistital) |
Trong một bài phát biểu tại điện Kremlin, tổng thống Putin cho rằng chính phủ Ukraina mới là những người cần phải chịu trách nhiệm trong vụ rơi máy bay MH17. Ông Putin cũng yêu cầu tất cả các cơ quan hữu quan của Nga làm tất cả mọi việc để “điều tra tội ác này”. Ông cũng kêu gọi các quốc gia không lợi dụng tình hình này để đạt mục đích chính trị.
Chủ tịch hãng nghiên cứu Eurasia Group ở New York, Ian Bremmer, cho rằng ông Putin sẽ không dễ dàng lùi bước trong việc đánh giá lại chiến lược với Ukraina.
Điện Kremlin cũng đã có những biện pháp trả đũa lệnh trừng phạt của Mỹ trước khi máy bay MH17 rơi tại Donetsk bằng cách không cho người Mỹ nhập cảnh. Đó cũng cảnh báo về một "hiệu ứng boomerang" đối với nền kinh tế của Mỹ.
Phát biểu tại cuộc họp Hội đồng An ninh Nga (22/7), Tổng thống Putin nhấn mạnh, không thể chấp nhận việc ngày càng xuất hiện những ngôn từ tối hậu và biện pháp trừng phạt đối với Nga. Nga là một quốc gia giàu năng lượng với nội lực lớn nên các biện pháp trừng phạt sẽ không mấy hiệu quả. Các biện pháp trừng phạt này như con dao hai lưỡi, làm tổn thương cả EU, Mỹ.
Theo đánh giá của Fitch, nước Nga hiện nay dự trữ 486 tỷ USD ngoại tệ, sẵn sàng hỗ trợ cho các ngân hàng và doanh nghiệp lớn. Nền kinh tế Nga có thể có đường đi của riêng mình nhờ vào các lệnh trừng phạt.
Nhớ lại bài phát biểu hồi tháng 3, khi sáp nhập Crimea về Nga, ông Putin cho rằng các biện pháp trừng phạt là vô cùng phi lí, không thể chấp nhận được và sẽ không hiệu quả với Nga.
Theo VEF