Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và đầu tư), tính lũy kế đến 20/6/2014, đã có 7 quốc gia châu Phi đầu tư trực tiếp vào Việt Nam, với 77 lượt dự án tổng vốn đăng ký đầu tư 306 triệu USD. Các doanh nghiệp châu Phi chủ yếu đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ lưu trú và tư vấn, hoạt động khoa học công nghệ, bán buôn, bán lẻ...
Với khu vực Trung Đông, hiện cũng chưa có thống kê chính thức về vốn FDI vào Việt Nam. Tuy nhiên nhiều tín hiệu gần đây cho thấy, hàng tỷ USD từ khu vực này sẽ chảy vào Việt Nam trong tương lai gần.
Nhiều đại gia Trung Đông đang muốn đổ vốn lớn vào Việt Nam. |
Các doanh nghiệp Trung Đông khá năng động trong các hoạt động đầu tư vào Việt Nam ở các lĩnh vực như lọc dầu, chế biến thép, bất động sản, chăn nuôi bò và chế biến sữa... Trong đó, các tập đoàn danh tiếng khu vực Trung Đông đang thể hiện sự quan tâm đặc biệt đối với các dự án bất động sản Việt Nam với quy mô hàng tỷ đô la.
Trong bối cảnh thị trường bất động sản Việt Nam vẫn đang tìm nguồn lực để phục hồi, việc hàng loạt nhà đầu tư lớn từ các nước khu vực Trung Đông liên tiếp tìm kiếm cơ hội đầu tư là một tín hiệu đáng lạc quan. Các chuyến viếng thăm hoặc làm việc song phương đều cho thấy, dòng vốn lớn từ khu vực này sẽ đổ vào các dự án bất động sản và hạ tầng giao thông là hoàn toàn có cơ sở.
Mới đây, Magnum Group, tập đoàn hàng đầu của Dubai đang lên kế hoạch xây dựng một khu du lịch biển đẳng cấp thế giới tại khu vực núi Trường Lệ, Sầm Sơn, Thanh Hóa. Dự án vẫn đang trong quá trình quy hoạch. Tuy nhiên theo nhìn nhận của tỉnh Thanh Hóa, quy mô dự án ít nhất cũng hơn 100ha. Tập đoàn Nakheel (Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất - UAE) sẽ xúc tiến việc triển khai đầu tư dự án Khu đô thị du lịch Hạ Long Star ngay trong tháng 6.
Nakheel là chủ đầu tư nhiều dự án hàng đầu Dubai, trong đó có dự án bất động sản nổi tiếng thế giới là Palm Jumerah Island (Đảo Cây Cọ), một nhóm đảo trải dài trên gần 20km2, nằm trong dự án xây dựng đảo nhân tạo lớn nhất thế giới.
Trong một diễn biến khác, tập đoàn Đầu tư Dubai ICD với khối tài sản quản lý lên tới 120 tỷ USD cũng đang chuẩn bị kế hoạch tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các dự án bất động sản. Theo đó, đoàn đã có các buổi làm việc với một số Tập đoàn đầu tư lớn của Dubai (Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất) về việc thu hút đầu tư vào khu kinh tế Vân Đồn và các dự án trọng điểm của tỉnh.
Tập đoàn Đầu tư Dubai ICD là một quỹ đầu tư quốc gia trực thuộc chính quyền thành phố Dubai (các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất). Hiện tập đoàn này đang quản lý khối tài sản khủng lên tới khoảng 120 tỷ USD, bao gồm Hãng hàng không Emirate Airlines, Emaar, Ngân hàng quốc gia Emirates, cùng nhiều công ty khác.
Trước đó, cuối năm 2013, lãnh đạo Công ty Phát triển xây dựng (CDC) thuộc United Development Company PSC (UDC), một trong những tập đoàn tư nhân hàng đầu của Qatar đã đến TP.HCM tìm cơ hội phát triển khu đô thị và hạ tầng giao thông. UDC là một tập đoàn đa ngành đang đầu tư ở nhiều nước trên thế giới, trong đó tập trung cho ngành xây dựng, phát triển đô thị, khai thác dầu khí và các sản phẩm dầu khí, viễn thông...
Bộ Công thương cho biết, hiện Việt Nam đã thiết lập quan hệ thương mại với tất cả 70 quốc gia ở khu vực châu Phi và Trung Đông. Đây là khu vực có nhiều lợi thế như: Trữ lượng lớn về dầu mỏ, khí đốt, có khả năng phát triển tốt trong lĩnh vực công nghệ sinh học, công nghệ hóa dầu… Đặc biệt, các quốc gia này có nhu cầu nhập khẩu cao nhiều loại mặt hàng phù hợp với hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, khối thị trường Châu Phi - Trung Đông thực sự là những thị trường giàu tiềm năng và đa dạng cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam nhất là trong bối cảnh nhiều thị trường ở các khu vực khác đang gặp khó khăn. Thậm chí, các tín hiệu từ thực tế thị trường trong khu vực này đều cho thấy, hàng Việt ngày càng được ưa chuộng tại 70 quốc gia.
Thông tin này cũng đã được ông Phạm Trung Nghĩa, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á (Bộ Công Thương) xác nhận tại tại Hội thảo “Thông tin thị trường Trung Đông, châu Phi - Cơ hội và thách thức” vừa được tổ chức tại TP.HCM.
Các nước châu Phi có nhu cầu thị trường lớn, dễ tính đối với những mặt hàng tiêu dùng, máy móc thiết bị sản xuất, còn những quốc gia Trung Đông đang cần nhập khẩu lương thực, thực phẩm, nông sản, thủy sản.
Số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, cho biết, trong giai đoạn 2010-2013, trao đổi thương mại giữa Việt Nam với khu vực thị trường Châu Phi - Trung Đông đã có những bước phát triển đáng kể.
Tổng giá trị kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Châu Phi đã tăng gần 1,7 lần trong 4 năm qua, từ mức 2,56 tỷ USD năm 2010 lên 4,31 tỷ USD vào năm 2013, với cán cân thương mại luôn nghiêng về phía Việt Nam.
Đối với Trung Đông, trong 4 năm qua, trao đổi thương mại của Việt Nam với khu vực thị trường này tăng gần gấp 3 lần, từ mức 3,31 tỷ USD năm 2010 lên con số ấn tượng 9,6 tỷ USD vào năm 2013. Kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam với các nước Trung Đông đạt gần 7 tỷ USD, chiếm 0,7% tổng kim ngạch nhập khẩu của các nước Trung Đông.
Trong 4 tháng đầu năm 2014, xuất khẩu của Việt Nam vào khu vực châu Phi tăng 14,1%, trong đó những thị trường lớn như Nam Phi, Ai Cập, Algieria, Nigeria, Ghana… Những mặt hàng xuất khẩu chính có kim ngạch xuất khẩu tăng là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, giày dép, vật liệu xây dựng.
Bên cạnh hàng nông sản như gạo, cà phê, hạt tiêu, cơm dừa..., đã có thêm những mặt hàng công nghiệp có giá trị gia tăng cao như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, điện thoại di động, máy móc, thiết bị phụ tùng, đá quý và kim loại quý.
Các nước châu Phi có nhu cầu hàng tiêu dùng, máy móc; trong khi đó những quốc gia Trung Đông đang cần nhập khẩu nông lân, thủy sản.
Cơ cấu mặt hàng nhập khẩu của Trung Đông, châu Phi khá phù hợp với những ngành hàng thế mạnh của Việt Nam, đặc biệt khu vực này có sức mua lớn nên là thị trường rất tiềm năng.
Theo DĐĐT