Đại gia ‘chơi’ bóng đá: Ngông như bầu Thụy, đen như bầu Trường

Thứ tư, 25/06/2014, 16:22
Đầu tư hàng trăm tỷ đồng vào bóng đá, những đại gia này có "số phận" khác nhau, người coi đó là cuộc chơi thích thì bỏ không quan tâm đến khoản đầu tư của mình, người thì hết sức cưng chiều cầu thủ mà vẫn bị những "đứa con" của mình cho "ăn quả đắng".

Bầu Thụy: Thích đốt tiền, chán phá bỏ

Có lẽ không thuộc diện giàu tốp đầu trong giới doanh nhân cũng như trong dàn các ông "bầu" nội nhưng ông Nguyễn Đức Thụy được biết đến rộng rãi trong giới đầu tư cũng như những người hâm mộ bóng đá bởi độ chịu chơi, sự bốc lửa, những phát ngôn hành động và cái cách ông "làm" bóng đá.

Đến với bóng đá khá muộn màng nhưng "Bầu Thụy" đã nổi danh hơn rất nhiều tên tuổi lão làng hàng chục năm theo môn thể thao vua này. Sự nổi danh của ông Thụy một phần nhờ vào những thương vụ mua bán đình đám toàn sao, những vụ "bắt quân" của các đội bóng khác và quan trọng là cái cách làm bóng đá như trong showbiz, đôi khi như ở góc làng của ông bầu trẻ tuổi này.

Tại V-League 2012, ở những vòng đầu tiên của mùa giải, một số góc của sân Thống Nhất chẳng khác nào sàn diễn với nhiều gương mặt ca sĩ, người mẫu, MC nổi tiếng... biểu diễn nghệ thuật cũng như để cổ vũ cho Sài Gòn Xuân Thành.

Đại gia ‘chơi’ bóng đá: Ngông như bầu Thụy, đen như bầu Trường - Ảnh 1

Trong các "bầu" Việt Nam, có lẽ không có ai chơi bóng đá 'ngông' như ông Nguyễn Đức Thụy.

Nhiều người thực sự choáng ngợp với mức độ chịu chơi của bầu Thụy và sau này là bầu Thủy - em trai bầu Thụy và trầm trồ khi thấy họ đi những chiếc siêu xe như Rolls-Royce Phantom, Ghosht, Maybach, Mercedes, BMW, Lexus... tới sân bóng. Những khoản tiền được đồn đoán khổng lồ đổ ra cho đội bóng... đã khiến bầu Thụy "ắn đứt" các bầu khác.

Không chỉ nổi bởi cái cách "thêm mắm thêm muối" cho các trận đấu, bầu Thụy còn liên tục được nhắc tới bởi hàng loạt các phản ứng và phát ngôn thái quá với trọng tài, với ban tổ chức, và hàng loạt những lần thay tên đổi họ cho đội bóng, thay đổi chủ tịch, sa thải HLV, dọa bỏ giải, ...

Sự nổi tiếng có lẽ còn ở chỗ, cho dù bỏ ra hàng trăm tỷ đồng cho bóng đá, để mua hàng loạt các ngôi sao giúp Sài Gòn Xuân Thành thăng hạng V.League nhưng bầu Thụy có vẻ không quan tâm nhiều lắm tới khoản đầu tư của mình. Ông sẵn sàng bỏ môn thể thao này, giao lại cho bầu Lãm để quay sang chơi golf, sau đó vài tháng lại bất ngờ lấy lại vị trí ông bầu và rồi lại giao cho em trai là bầu Thủy.

Chi rất nhiều tiền cho Sài Gòn Xuân Thành, bầu Thụy đã ghi tên mình vào trong lịch sử bóng đá nước nhà nhưng không phải ở góc độ góp phần cho sự phát triển của lĩnh vực này mà có thể là ngược lại bởi chỉ sau một thời gian ngắn đội bóng của thành phố này đã bỏ giải và giải thể.

Đen như bầu Trường

Cũng như đa số các ông bầu khác, ông Hoàng Mạnh Trường (bầu Trường), Chủ tịch Công ty Xi măng The Vissai Ninh Bình, đơn vị chủ quản CLB V.Ninh Bình, hiếm khi nào tiết lộ về chi phí đầu tư cho bóng đá hàng năm nhưng con số đó không hề nhỏ, có thể lên đến cả trăm tỷ đồng cho một mùa giải.

Không những thế, Vissai Ninh Bình có lẽ tiêu tốn hơn nhiều vì câu lạc bộ này luôn gắn với nhiều hợp đồng "bom tấn" kỷ lục mà nhắc đến người ta nghĩ ngay tới cái tên Hoàng Mạnh Trường.

Đầu tư rất lớn cho đội bóng, cưng chiều cầu thủ ở mức nhiều CLB phải nể phục nhưng trên thực tế bầu Trường lại không có được sự phục vụ tận tâm của những đứa con của mình. Hết lần này tới lần khác, bầu Trường bị các cầu thủ cho ăn quả đắng với vụ bán độ đình đám cả trong nước và quốc tế trong trận đấu tại Malaysia vừa qua.

Đại gia ‘chơi’ bóng đá: Ngông như bầu Thụy, đen như bầu Trường - Ảnh 2
Đầu tư rất lớn cho đội bóng, cưng chiều cầu thủ ở mức nhiều CLB phải nể phục nhưng trên thực tế bầu Trường lại không có được sự phục vụ tận tâm của những đứa con của mình.

Sau khi vụ tiêu cực bị phanh phui, bầu Trường đã quyết định chịu phạt và dừng chơi V-League 2014. Những gì mà ông bầu này nhận được là tiếng xấu từ dư luận và cả từ các cầu thủ con cưng của chính mình.

Trên thực tế, sau khi rót hàng trăm tỷ đồng trong 7 năm qua, gần đây đội bóng của bầu Trường cũng đã có 2 thành tích đáng kể là Quốc gia 2013 và Siêu cúp hồi đầu năm 2014. Tuy nhiên, những thành công muộn màng ấy cũng nhanh chóng tan biến khi những thứ mà bầu Trường nhận được thường xuyên hơn trong nhiều năm qua có lẽ là những vụ bán độ, cá độ, những vụ đình công đòi tiền lương thưởng... Quyết định bỏ, không tham dự nốt V.League 2014 hồi giữa tháng 4 vừa qua được cho là giọt nước tràn ly.

Trên thực tế, điều này cũng dễ hiểu bởi ông bầu này đã nhiều lần dọa giải tán đội bóng nhưng cũng không ngăn được nạn cá độ. Số tiền ông bỏ ra cho bóng đá lên tới cả trăm tỷ đồng nhưng hơn một nửa số cầu thủ trong đội bóng của ông đã tham gia cá độ để thu về mỗi người vài chục triệu đồng. Khiến bầu Trường nhận về rất nhiều điều tiếng xấu, ảnh hưởng trực tiếp tới danh tiếng của doanh nhân này cũng như DN mà ông sở hữu.

Kể từ năm 2012, ông bầu này dường như không còn quan tâm nhiều tới đội bóng, ông giao toàn quyền cho Giám đốc điều hành Phạm Văn Lệ và cũng ít khi tới xem đội nhà thi đấu. Việc kinh doanh trong thời buổi khó khăn là không dễ dàng. Sự sa sút của Ninh Bình tại giải năm nay cùng với những vụ bê bối động trời nói trên có thể là yếu tố trực tiếp khiến bầu Trường nản

Mặc dù vậy, trên hết, điều dễ thấy là sự kém hiệu quả khi đầu tư vào bóng đá của ông Trường. Khi nền kinh tế gặp khó khăn, thị trường BĐS sa sút thì các DN trong đó có vật liệu xây dựng cũng không dễ bật lên. Những đợt đình công, phản đối của cầu thủ với việc nợ lương, thưởng cho thấy việc bài toán đầu tư vào bóng đá không phải là dễ chơi. Sự thoái trào của bóng đá Việt cùng với sự khó khăn của nhiều DN đang đẩy niềm đam mê của các đại gia đi xuống. Những cuộc chơi theo cảm tính, một sân chơi bóng đá chưa chuyên nghiệp sớm chấm dứt có là là một điều đương nhiên.

Theo NĐT

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích