Bên lề buổi khai trương cửa hàng Starbucks đầu tiên tại Hà Nội ngày 23/7, ông Jeff Hansberry – Chủ tịch Starbucks khu vực Trung Quốc - châu Á - Thái Bình Dương đã chia sẻ một số nhận định và kế hoạch đầu tư dài hạn tại Việt Nam.
Ông Jeff Hansberry - Chủ tịch Starbucks khu vực Trung Quốc - châu Á Thái Bình Dương. Starbucks lần đầu đến Việt Nam vào tháng 2/2013 và hiện có 8 cửa hàng bán lẻ tại TP.HCM. Trong các ngày 23, 24, 25/7, hãng liên tục khai trương ba cửa hàng tại Hà Nội. |
Tại sao lần này Starbucks đồng loạt mở 3 cửa hàng cùng lúc ở Hà Nội trong khi phải mất hơn nửa năm hãng mới khai trương chi nhánh thứ hai tại TP.HCM?
Chúng tôi hiểu rằng tập quán ở mỗi vùng miền đều khác nhau, đặc biệt là ở những nơi có truyền thống văn hóa lâu đời như Hà Nội. Người TP.HCM có thể đi từ quận này sang quận kia chỉ để uống cà phê. Nhưng người Hà Nội có khi chỉ tìm đến không gian lân cận thưởng thức các món uống. Cho nên tôi nghĩ việc mở ba cửa hàng cùng một lúc sẽ tạo ra sự gần gũi, tiện lợi cho khách hàng ở mỗi vùng khác nhau.
Sau hơn một năm gia nhập thị trường Việt Nam, ông nhận thấy kết quả kinh doanh thế nào?
Quyết định đầu tư vào thị trường Việt Nam đã được chúng tôi suy nghĩ và cân nhắc trong thời gian dài, trên cơ sở nghiên cứu kỹ về lĩnh vực cà phê tại Việt Nam. Các bước quyết định xuất phát từ sự thận trọng, hiểu biết và tôn trọng văn hóa. Không thể tiết lộ số liệu cụ thể nhưng tôi rất lạc quan và hài lòng với kết quả kinh doanh của Starbucks ở Việt Nam. Chúng tôi cũng đang có nhiều kế hoạch mở rộng hoạt động trong dài hạn.
So với các nước khác, thị trường Việt Nam có gì khác biệt?
Rất nhiều quốc gia trên thế giới, người dân có thói quen tiêu dùng nhanh cà phê. Chẳng hạn khi đang trên đường đi làm, họ có thể rẽ vào quán mua một cốc rồi vừa lái xe vừa uống. Do vậy, chúng tôi phải tập trung tăng thị phần take-away (mua mang đi) hơn.
Trong khi đó, người Việt không chỉ thưởng thức cà phê, họ còn muốn dành nhiều thời gian trò chuyện, giao lưu và tận hưởng những thứ xung quanh. Bởi vậy khi đến Việt Nam, chúng tôi đã phải nhanh chóng điều chỉnh để thích nghi. Chẳng hạn chúng tôi trang bị thêm ổ cắm điện, đường truyền internet và không gian thoải mái. Tôi thấy người Việt đang thưởng thức Starbucks theo cách riêng của họ. Tỷ trọng doanh thu của dạng take-away cũng chỉ chiếm phần nhỏ.
Khó khăn lớn nhất khi Starbucks gia nhập thị trường Việt Nam là gì?
Tôi nghĩ Việt Nam là quốc gia nổi tiếng và có lịch sử lâu đời về cà phê. Chúng tôi hoàn toàn hiểu rõ và trân trọng điều này. Thu phục niềm tin khách hàng là thách thức lớn. Chúng tôi phải dùng chất lượng và những liên kết cảm xúc để chinh phục họ. Đó là cách Starbucks đã thực hiện ở TP.HCM. Tôi hy vọng sẽ đạt kết quả tương tự khi ra Hà Nội.
Vậy theo ông cần lưu ý gì khi kinh doanh cà phê ở Việt Nam?
Như tôi đã chia sẻ, Việt Nam là quốc gia rất nổi tiếng về văn hóa cà phê. Tôi nghĩ chúng tôi sẽ phải rất nỗ lực để làm hài lòng người bản địa và khiến họ đặt niềm tin nhiều hơn mỗi ngày.
Ngoài ra, địa điểm cũng là yếu tố quan trọng. Với Starbucks, chúng tôi hiện có rất nhiều kế hoạch dài hạn ở thị trường Việt Nam và vẫn luôn tích cực tìm kiếm các địa điểm phù hợp để có thể phục vụ các khách hàng một cách thuận tiện và hiệu quả nhất.
Theo VnExpress