Phóng viên đã có cuộc điều tra ngọn nguồn về cái được quảng cáo là "trà Ô Long đích thực, từ những búp trà Ô Long tươi ngon Thái Nguyên".
Độc giả bóc mẽ quảng cáo
Mới đây, một đoạn video clip quảng cáo sản phẩm Trà xanh C2 Ô Long hoa hồng với nội dung "Chuyên gia trà C2 khám phá bí quyết tạo nên trà Ô Long đích thực, từ những búp trà Ô Long tươi ngon Thái Nguyên được lên men cẩn thận để lưu giữ hàm lượng polypenol, giúp hạn chế hấp thu chất béo, được ủ và đóng chai trong cùng một ngày, tạo nên C2 Ô Long Hoa hồng cho bạn sức khỏe căng tràn” đã xuất hiện trên nhiều phương tiện truyền thông.
Trà xanh C2 Ô Long hoa hồng có đúng như quảng cáo |
Đoạn video clip đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của nhiều người tiêu dùng bởi lẽ sản phẩm trà Ô Long không chỉ là sản phẩm trà tốt cho sức khỏe mà còn là một loại sản phẩm được đánh giá là an toàn trong vấn đề vệ sinh thực phẩm.
Tuy nhiên, đối với đoạn video clip quảng cáo sản phẩm Trà xanh C2 Ô Long hoa hồng vừa qua, nhiều độc giả cho rằng đoạn quảng cáo đang “dối trá” để lừa bịp người tiêu dùng.
Một độc giả phân tích: cây trà Ô Long được trồng ở vùng khí hậu ôn đới và miền núi có độ cao trên 500m. Thái Nguyên là một tỉnh trung du thấp, nên không thể trồng được loại cây này hoặc có trồng cũng chỉ là nhỏ lẻ và chất lượng không tốt.
“Thái Nguyên không thể có trà Ô Long. Giống trà Ô Long và trà Thái Nguyên là hai giống hoàn toàn khác nhau. Ở Việt Nam, hiện theo tôi biết thì chỉ có một số nơi có trà Ô Long như Bảo Lộc (Lâm Đồng) và Yên Bái”, độc giả này bình luận.
Ngoài ra, theo độc giả này, để thành trà Ô Long thì búp chè tươi hái về phải ủ, lên men qua nhiều công đoạn và tối thiểu cũng phải mất 30 tiếng. Vì vậy, không thể có chuyện vừa ủ vừa đóng chai trong cùng một ngày được.
“Tôi cho rằng đoạn clip quảng cáo trên hoặc là cố tình lừa người tiêu dùng, hoặc là những người làm đoạn quảng cáo của C2 quá ẩu và thiếu hiểu biết”, độc giả nhấn mạnh.
Trà xanh C2 Ô Long hoa hồng là một sản phẩm của công ty TNHH URC Việt Nam thuộc tập đoàn URC (Universal Robina Corporation).
Đây là công ty 100% vốn nước ngoài, với ban quản lý chủ yếu là các chuyên gia tới từ Ấn Độ và các nước trong khu vực, đã có mặt tại Việt Nam từ 2003, có trụ sở tại KCN Việt Nam – Singapore I. Công ty URC hiện có 2 nhà máy được đánh giá đạt tiêu chuẩn quốc tế hoạt động tại Bình Dương và Hà Nội.
Sự thật nguồn gốc trà Ô Long
Để tìm hiểu cụ thể về bí quyết tạo nên trà Ô Long đích thực, có phải “từ những búp trà Ô Long tươi ngon Thái Nguyên” hay không, PV đã tìm gặp những chuyên gia trong lĩnh vực trà Ô Long. Tuy nhiên, tất cả các câu trả lời đều khẳng định trà Ô Long khó có thể trồng được ở Thái Nguyên và nếu có trồng ở Thái Nguyên thì chất lượng cũng không cao bằng các vùng khác.
Ông Phạm Đồng Quảng – Phó Cục trưởng Cục trồng trọt (Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn) cho hay, trước đây, Việt Nam phải nhập hoàn toàn nguyên liệu sản xuất trà Ô Long từ một số nước như: Đài Loan, Trung Quốc,…bởi lẽ giống chè truyền thống của mình không phù hợp sản xuất chè Ô Long.
Tuy nhiên, gần đây, Việt Nam đã bắt đầu nhập một số giống chè Ô Long về trồng tại những vùng đất có điều kiện khí hậu phù hợp.
“Các giống này có được trồng ở Thái Nguyên hay không thì tôi chưa được nghe”, ông Quảng khẳng định.
Còn theo ông Lê Văn Đức - Tiến Sỹ, Trưởng Phòng Cây Công Nghiệp, Cây Ăn Quả - Cục Trồng Trọt - Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện Việt Nam đã nhập một số giống chè Ô Long tốt như: Kim Huyền, Ngọc Thúy, Ô Long Thanh Tâm.
Như vậy, nguồn nguyên liệu sản xuất trà Ô Long của Việt Nam hiện trong nước đã có thể cung cấp. Doanh nghiệp Việt Nam cũng đã bắt đầu tham gia phát triển và xuất khẩu.
Tuy nhiên, trồng cây chè Ô Long đòi hỏi yêu cầu rất cao, phải trồng ở vùng cao, khí hậu mát và dùng phân bón hữu cơ, vì vậy không phải vùng nào cũng phù hợp để phát triển loại trà này.
Trà Ô Long hiện nay mới chủ yếu được trồng tập trung tại Lâm Đồng và Sơn La, một phần ở Yên Bái vì đây là những nơi có khí hậu và độ cao thuận lợi cho sự phát triển của cây trà Ô Long.
"Riêng Thái Nguyên chúng ta không khuyến khích phát triển chè Ô Long vì đây là vùng thấp. Tại Thái Nguyên cũng có một số đơn vị thử nghiệm làm chè nhưng chất lượng không cao.
Tiếp tục liên hệ với ông Nguyễn Hữu Tài – Chủ tịch Hiệp hội chè Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc – Tổng công ty chè Việt Nam, ông Tài cũng khẳng định, Thái Nguyên không phải là nơi thuận lợi để phát triển cây chè Ô Long.
Thái Nguyên là vùng thấp nên khí hậu không thích hợp với việc phát triển cây chè Ô Long (Ảnh minh họa internet) |
“Chè Ô Long phát triển chủ yếu ở những nơi có khí hậu mát mẻ, nhiệt độ từ 20 – 25 độ C là tốt nhất. Nhiệt độ chênh lệch giữa ban ngày và ban đêm càng lớn thì chè càng ngon”, ông Tài cho hay.
Ông Tài cũng tiết lộ, hiện ở Thái Nguyên chỉ có 1 vùng nhỏ ở Tân Cương có trồng loại trà Ô Long này do bà Nguyễn Thị Hương - Giám đốc của Công ty Cổ phần sản xuất - chế biến trà an toàn Vạn Tài (Thái Nguyên) phát triển. Ngoài doanh nghiệp này cung cấp ra hiện Thái Nguyên không có đơn vị nào trồng loại trà Ô Long.
Tuy nhiên khi PV liên hệ, bà Hương khẳng định: “Ở Thái Nguyên chỉ có công ty bà có trồng loại trà Ô Long này nhưng không cung cấp nguyên liệu cho bất cứ đơn vị nào khác”.
Bà Hương cũng cho biết không biết Công ty TNHH URC Việt Nam – chủ của nhãn hàng trà xanh C2 Ô Long hoa hồng là đơn vị nào.
Câu hỏi này có lẽ chỉ có Công ty TNHH URC Việt Nam mới có thể trả lời được cho người tiêu dùng. Hiện PV đã liên hệ với đơn vị này nhưng vẫn chưa có hồi âm.
Ngoài nguồn gốc xuất xứ, trong video quảng cáo sản phẩm này còn khẳng định trà xanh C2 TNHH URC Việt Nam hoa hồng “Được ủ và đóng chai trong cùng một ngày”. Sự thật về nội dung này đến đâu?
Tiếp tục cập nhật
Theo VTCNews