Trung Quốc do thám cả thế giới như thế nào?

Chủ nhật, 13/07/2014, 15:01
Trung Quốc không phải "tay vừa" về mảng tình báo mạng, khi mà Mỹ có một NSA đầy tai tiếng thì Trung Quốc lại có một 3PLA "bén" không kém. Đó là nhận định của The Wall Street.

Từ những ngọn núi gần Bắc Kinh, một tổ chức giống như cơ quan an ninh Mỹ NSA, nhưng là của Trung Quốc, đang giám sát Nga và theo dấu những quả tên lửa. Các chuyên gia quân sự trong tổ chức này phân tích các cuộc điện đàm Internet trên một hòn đảo mang tên là Hawaii của Trung Quốc, và họ đang nghe lén các cuộc điện đàm đến/đi từ châu Âu tại một thị trấn bí mật nằm ẩn sau hàng loạt các tòa nhà dân thường sinh sống.

Sử dụng các trang web của chính phủ, các cơ sở dữ liệu học thuật và kỹ năng bảo mật nước ngoài, các nhà báo Wall Street Journal đã có được một cái nhìn chung về những hoạt động gián điệp của tổ chức giám sát toàn cầu này của Trung Quốc có tên gọi là 3PLA, viết tắt của từ Third Department of the People's Liberation Army. 3PLA chính là tâm điểm của chiến lược quân đội Trung Quốc, có nhiệm vụ giám sát và phân tích truyền thông thế giới, càng nhiều càng tốt, trong đó có đường cáp của các đại sứ quán, email của các tập đoàn đa quốc gia và mạng lưới tội phạm, nhằm nhận diện được những hiểm họa từ bên ngoài để có được thế thượng phong.

Tổ chức này vẫn duy trì những cơ sở chung quanh Thượng Hải, chuyên chỉ để theo dõi động thái của Mỹ, một trong số cơ sở này nằm gần đường cáp truyền thông xuyên biển, nối liền giữa Trung Quốc và Mỹ. Hồi tháng 5 vừa qua, Bộ Tư pháp Mỹ tố cáo 5 nhân viên của 3PLA về tội đánh cắp bí mật quốc gia Mỹ.

Khi Bắc Kinh hiện đại hóa mảng quốc phòng công nghệ cao thì nhóm phóng viên Wall Street tìm hiểu thêm về các cơ sở của 3PLA, và nhận thấy cấu trúc tổ chức này giống hệt với tổ chức NSA thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ, nghĩa là mục đích chính là theo dõi các chính phủ và các tập đoàn lớn trên khắp thế giới mà không có tổ chức an ninh nào đụng đến được.

Các cơ sở hoạt động của 3PLA nằm rải rác khắp lãnh thổ Trung Quốc. Tuyển dụng nhân sự từ những sinh viên xuất sắc ngay khi tốt nghiệp đại học, ước tính 3PLA có khoảng hơn 100.000 tin tặc, nhà ngôn ngữ học, nhà phân tích và quan chức, làm việc dưới danh nghĩa văn phòng tình báo quân đội. 3PLA còn chia nhỏ theo nhiều lĩnh vực và theo vị trí địa lý.

Trung Quốc do thám cả thế giới như thế nào? - Ảnh 1
Người đi xe máy chạy ngang qua “Unit 61398”, một tổ chức quân đội bí mật của Trung Quốc, nằm ở ngoại ô Thượng Hải.

Ở vài cơ sở 3PLA đóng tại Bắc Kinh và Thượng Hải, có rất nhiều chảo vệ tinh, thường được che chắn bằng các bức tường bao quanh, và khách tham quan luôn nhận được cái nhìn chòng chọc của lính gác và những bảng cảnh báo. Nhưng an ninh ở các cơ sở tại Thượng Hải ít chặt hơn các cơ sở khác, như có một cánh đồng có cả chục tháp radio gần với trạm chính ở phía Bắc thành phố. Còn bên ngoài Bắc Kinh, một trạm 3PLA được cho là trạm chính, theo dõi hoạt động của khu vực châu Âu, nằm khuất trong một thị trấn bí mật bên sườn núi, ẩn sau những nhà dân trông dường như vô hại, cùng với khoảng hơn 70 căn nhà và một sân đá bóng, có thể đứng từ ngọn đồi gần đó nhìn qua.

Nhóm phóng viên cũng tìm được hơn 100 tài liệu kỹ thuật, trong đó có tài liệu đề cập về những mô hình dự báo virus máy tính, do chính những người tự nhận mình là thành viên của 3PLA viết ra. Những bài viết khác đề cập chi tiết các kỹ thuật mã hóa mạng, bảo vệ và tấn công máy tính, và tính toán quỹ đạo vệ tinh.

Các hệ thống truyền thông thương mại, trong đó có cáp Internet của Trung Quốc đến Mỹ, hiển nhiên nằm trong tầm ngắm của 3PLA, cũng như vệ tinh và các máy bay do thám.

Hai cựu nhân viên tình báo Mỹ cho rằng cấu trúc vận hành của 3PLA cũng tương đồng như NSA và phòng Cyber Command của lầu năm góc. Nhưng mục tiêu của NSA được chính Nhà Trắng chỉ định, với những đích ngắm cụ thể thì 3PLA lại theo một kế hoạch 5 năm từ Uỷ ban quân đội trung ương của Trung Quốc, nên có những chiến lược rộng hơn, bao trùm và theo cấp độ và từ thấp lên cao.

Theo một cựu nhân viên tại 3PLA, Chủ tịch Trung Quốc, ông Tập Cận Bình, cũng là người lãnh đạo quân đội Trung Quốc, gọi năm nay là năm “thông tin hoá” (informatization), là vấn đề an ninh chiến lược. Ông muốn giảm sự trùng lắp và muốn nâng tính hiệu quả của 3PLA. Dưới trướng ông Bình, quân đội Trung Quốc ưu tiên phóng nhiều vệ tinh hơn và vận hành nhiều máy bay do thám hơn, để có được nhiều dữ liệu bên ngoài, nhất là ở những khu vực gần biên giới Trung Quốc.

Trung Quốc do thám cả thế giới như thế nào? - Ảnh 2
Biển hiệu ở đảo Chongming, gần Thượng Hải và đường cáp xuyên Thái Bình Dương, cảnh báo “Có đường cáp quang cho mục đích quốc phòng. Cẩn thận khi thi công.”

Hình thành từ những năm 1930 như là một đơn vị ngầm của Đảng Cộng sản Trung Quốc, 3PLA thâm nhập vào hệ thống điện tín và radio của đối thủ, được tín nhiệm dưới thời của Mao Trạch Đông Đảng giành thắng lợi năm 1949. Đến nay, quân đội Trung Quốc lấy rất nhiều tư liệu cũng như thông tin từ 3PLA để đưa vào các báo cáo của họ.

Có nhiều lúc chính phủ Trung Quốc cũng tuyên dương những đóng góp của 3PLA. Quốc hội nước này hồi năm 2007 cũng đã tin tưởng giao cho 3PLA phát hiện và bảo vệ tín hiệu radio và tín hiệu điện tử để chống buôn lậu thuốc dọc biên giới Myanmar.

Hồi tháng 5 vừa qua, Mỹ đã gửi đơn tố giác một phòng cấp cao trong 3PLA, đơn vị mang số hiệu 61398, còn được biết với tên gọi Second Bureau. Theo các viên chức hiện thời cũng như cựu quan chức Mỹ, họ cho rằng đơn vị này trực tiếp theo dõi Mỹ. Và những đơn tố giác gần đây đề cập đến 5 người ở một cơ sở tại Thượng Hải, và thuộc cấp 61800 (Third Office) nằm trong đơn vị 61398 (Second Bureau).

Chính quyền Trung Quốc không đáp trả gì về những đơn tố giác trên của Mỹ và liên tục từ chối thừa nhận Trung Quốc có gián điệp mạng toàn cầu. Ông Hua Chunying, phát ngôn viên của Bộ ngoại giao Trung Quốc thẳng thừng hồi tháng 6 vừa rồi rằng: “Mỹ nên ngừng chơi trò đóng giả nạn nhân.”

Chính phủ Trung Quốc coi Mỹ như là kẻ đạo đức giả, cho rằng chính những chuyên gia công nghệ của Trung Quốc từng xác nhận rằng Mỹ đã có những động thái về theo dõi ngầm các quốc gia khác, trong đó có cả việc âm thầm theo dõi các nhà lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc.

Trong một khu bảo tồn thiên nhiên dành cho chim di trú ở Thượng Hải, một bảng hiệu ghi rõ “Unit 61398” với cảnh báo cấm đào. Kế bên đó là những trục cáp Internet chính, trong đó có đường cáp nối giữa Trung Quốc-Mỹ và cáp xuyên Thái Bình Dương, vào Trung Quốc qua bang Oregon.

Theo TG Vi Tính

Các tin cũ hơn