Trước khi chiến dịch này của Coca - Cola vào Việt Nam, nó đã gây nghiện cho giới trẻ ở hơn 123 quốc gia trên thế giới trong suốt hai mùa hè qua. Hiện đã có hơn 18 triệu lượt truy cập trên các trang mạng này. Đồng thời, lượng truy cập trên các Fanpage của Coca - Cola cũng tăng 870%. Đã có 76.000 mô hình các vỏ chai Coca - Cola được tạo ra và chia sẻ trên facebook và 378.000 chai Coca - Cola được sản xuất ra với những tên riêng trên vỏ chai.
Khi vào đến Việt Nam, Coca – Cola tiếp tục gây sốt cho người tiêu dùng Việt. Thời gian gần đây, người tiêu dùng Việt, đặc biệt là giới trẻ khi vào tiệm tạp hóa, siêu thị… đều cố “lùng sục” ra một lon Coca – Cola mang tên mình cho thỏa ước mong.
Tuy nhiên, thông thường, chỉ những cái tên phổ biến mới được in lên lon Coca, trong khi đó những tên dài, tên độc lại không có. Nhiều người đã cố công bỏ tiền ra để sưu tập bằng được một lon Coca mang tên mình với giá gấp 3 đến 4 lần giá bình thường. Và để không phải mất thời gian xếp hàng chờ đợi hay đi tìm, các bạn trẻ đã tự tìm cách chế ra những lon Coca-Cola “ảo” có tên mình hoặc những cách gọi thân thương cho các thành viên trong một nhà như ông yêu, bà yêu, bố yêu, mẹ yêu, anh yêu, em yêu...
Thậm chí, chiến dịch truyền thông này còn tác động đến cả các trang báo mạng. Không ít trang báo mạng điện tử còn hướng dẫn người tiêu dùng làm cách nào để có thể in tên mình lên lon Coca – Cola một cách nhanh và đơn giản nhất.
Nhiều trang báo mạng còn hướng dẫn người tiêu dùng in tên của mình lên lon Coca - Cola.
Có thể thấy, mục tiêu chiến dịch của Coca - Cola là gắn bó tình cảm của từng cá nhân người tiêu dùng với thương hiệu của mình. Đây là ý tưởng thực hiện vô cùng đặc sắc và phản hồi của người tiêu dùng cũng rất tích cực. Đó là những tín hiệu cho thấy chiêu marketing này của Coca Cola thực sự hiệu quả.
Tuy nhiên tại Việt Nam, Coca Cola đã từng dính nghi án chuyển giá trốn thuế. Không ít người lên án hành động của những ai đã ủng hộ Coca – Cola và in tên mình lên đó vì họ cho rằng không nên ủng hộ một doanh nghiệp “chơi không đẹp” dù chiêu PR này rất hay.
Xét một cách khách quan, hiếm có quảng cáo nào của các thương hiệu ở Việt Nam có hiệu ứng tốt như quảng cáo của Coca - Cola. Mặc dù đúng là thương hiệu này "chơi không đẹp".
Điều này được minh chứng ngay trên các chương trình quảng cáo của nhiều thương hiệu Việt. Việc "lọc" để có được những quảng cáo có ý nghĩa, được khán giá thích đã khó chứ chưa nói gì đến việc tạo hiệu ứng mạnh, mang tính lan truyền như của Coca Cola.
Ta có thể lấy dẫn chứng một số quảng cáo đã từng bị người xem "ném đá" như, đoạn quảng cáo sản phẩm Maggi 3 ngọt đề cập đến việc người chồng có hẹn với bạn gái nhưng sực nhớ đến vợ anh ta đang ở nhà nấu cơm nên đã quyết định tạm biệt cô bạn gái để về nhà ăn cơm với vợ. Về đến nhà, người chồng nói: "Phở dài là của người ta, cơm ngon canh ngọt với là vợ anh". Đoạn quảng cáo này bị xem là trái với thuần phong mỹ tục của người Việt Nam khi có phần khuyến khích các đấng mày râu có "bồ".
Hay như quảng cáo dầu gội Rejoice bị đánh giá là thiếu chuẩn mực đạo đức khi cô con dâu vô lễ với mẹ chồng. Cụ thể, trong clip quảng cáo, hoa hậu Mai Phương Thúy vào vai cô gái được bạn trai dẫn ra mắt ba mẹ của mình. Ấn tượng với mái tóc dài đẹp của cô gái, mẹ bạn trai ngưỡng mộ hỏi thăm. Cô gái trả lời: "À không, chỉ là...".Trong khi đó, theo truyền thống văn hóa Việt Nam, đây được xem là câu trả lời không phù hợp khi một người trẻ nói chuyện với người lớn bởi thiếu tiếng "vâng, dạ, thưa".
Đây chỉ là 2 trong số rất nhiều quảng cáo gây hiệu ứng không tốt cho người xem. Một điều dễ nhận thấy là, chương trình quảng cáo trên truyền hình hay trên báo chí,... chưa bao giờ được người Việt đón nhận một cách vui vẻ, thậm chí trên truyền hình, cứ đến thời gian quảng cáo là người xem lại đổi sang kênh khác. Phải chăng đó là do cách thức PR của các thương hiệu Việt chưa hiệu quả?.
Xét trên phương diện làm PR sản phẩm, có lẽ nhiều thương hiệu Việt nên học hỏi cách thức của Coca Cola. Không chỉ ở riêng Việt Nam mà ở nhiều quốc gia trên thế giới, Coca - Cola vẫn biết cách “lấy lòng” người tiêu dùng. Trong khi đó, các sản phẩm, thương hiệu ở Việt Nam, lấy lòng người tiêu dùng trong nước vẫn còn là thách thức.
Theo Người Đưa Tin