Bức tranh của họa sĩ Nguyễn Giang Anh được bà Joan Lebold Cohen mua tặng chồng - một chuyên gia về pháp luật Trung Quốc và quốc tế - Ảnh: V.P. |
Bà Joan Lebold Cohen - Ảnh: joanleboldcohen.com |
Câu chuyện quả thật thú vị, nhưng sẽ bất ngờ hơn nếu biết người Mỹ này có cả sự nghiệp gắn liền với Trung Quốc, còn với Việt Nam thì bà chỉ mới đến lần đầu cũng như lần đầu mua tranh tại TP.HCM.
Bà là Joan Lebold Cohen - một nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật, nhiếp ảnh gia và giám tuyển (curator). Bà đã sống hơn ba năm ở Trung Quốc, xuất bản nhiều đầu sách về lịch sử, nghệ thuật, xã hội của Trung Quốc. Những bức ảnh trên website của bà là những khoảnh khắc đẹp về phong cảnh, văn hóa, tập tục, con người... của người Trung Quốc. Trong giới nghiên cứu quốc tế, bà được giới thiệu là một chuyên gia về nghệ thuật và phim ảnh của Trung Quốc. Chồng bà cũng là một chuyên gia về pháp luật Trung Quốc và quốc tế. Tuy nhiên, những yếu tố đó chẳng khiến bà đứng về phía Trung Quốc trong vấn đề giàn khoan Hải Dương 981.
Khi đặt vấn đề quan điểm cá nhân của vợ chồng bà như thế nào về việc Trung Quốc ngang ngược đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam, bà Joan Lebold Cohen tâm sự: “Chồng tôi và tôi hay trao đổi với nhau về vấn đề này. Cả hai chúng tôi đều hi vọng và cầu nguyện cho một giải pháp hòa bình sẽ được tìm thấy. Tôi tin rằng phía Trung Quốc đang huy động sức mạnh quân sự to lớn và lấn át hòng yêu sách đòi hỏi cho họ về các quần đảo mà bỏ qua chủ quyền lâu đời của Việt Nam”.
Phần tác giả của bức tranh, Nguyễn Giang Anh là một họa sĩ thuộc thế hệ 8X. Anh cho biết khi Hội Mỹ thuật TP.HCM phát động các họa sĩ sáng tác và tham dự triển lãm về đề tài bảo vệ chủ quyền biển đảo, anh gửi đến hai tác phẩm đồ họa. Trong đó, bức tranh được mua là tác phẩm có hình chim bồ câu - biểu tượng của hòa bình - bị giàn khoan Trung Quốc đâm toạc với những dòng máu đỏ. Những dòng chữ trên bức tranh là tín hiệu S.O.S có lồng hình quốc kỳ Việt Nam, những thông điệp ngắn gọn và mạnh mẽ bằng tiếng Việt và tiếng Anh như “Hãy cho hòa bình một cơ hội”, “Trung Quốc phải tôn trọng luật pháp quốc tế - China must respect international laws”.
Đó là một bức tranh mà bà Joan Lebold Cohen đánh giá rằng đã thành công trong việc chuyển tải những thông điệp về hòa bình, cũng như những tổn hại về thiện chí hòa bình mà Việt Nam phải gánh từ sự gây hấn của Trung Quốc. Cho nên ngay khi thấy bức tranh, bà đã quyết định mua làm quà tặng chồng - một chuyên gia về pháp luật Trung Quốc và quốc tế. Điều đó mang đến cho họa sĩ Nguyễn Giang Anh một niềm vinh dự: “Bán được tranh dĩ nhiên là niềm vui của họa sĩ. Nhưng ở đây, niềm vui của tôi còn là niềm tin rằng những bức tranh như vậy của họa sĩ chúng tôi sẽ góp phần tuyên truyền, kêu gọi công luận hãy quan tâm và chú ý đến những hành động sai trái, bất chấp lẽ phải của Trung Quốc”.
Chia sẻ thêm những suy nghĩ của mình từ bức tranh vừa mua, bà Joan Lebold Cohen nói: “Tôi có sự đồng cảm với Việt Nam, bởi vì đó là một quốc gia nhỏ mà Trung Quốc đã đô hộ cả hàng nghìn năm”.
Theo Tuổi Trẻ