Kiến trúc sư bỏ nghề đi kinh doanh cơm văn phòng

Thứ tư, 16/07/2014, 08:16
Đam mê ẩm thực, Trần Công Danh quyết định rẽ sang con đường kinh doanh chuỗi cửa hàng chuyên cung cấp món ăn, thức uống từ nông sản Việt Nam và suất ăn văn phòng tầm trung.

“Trưa nay ăn gì?” là câu giới văn phòng hỏi nhau nhiều nhất mỗi khi đến giờ nghỉ trưa. Hiểu được băn khoăn đó, năm 2009 chàng cử nhân ngành kiến trúc Trần Công Danh đã ấp ủ và mạnh dạn cho ra đời thương hiệu GoodAfternoon với ý nghĩa là câu chào khi phục vụ bữa ăn cho khách hàng vào buổi trưa.

Quán đầu tiên Danh chọn mở ở khu vực quận 1 (TP.HCM), nơi có nhiều cao ốc văn phòng, rộng 150m2, chứa được khoảng 50 khách. "Ngay từ thời sinh viên tôi đã rất mê kinh doanh, và tập tành thử ở một số lĩnh vực. Lúc thành lập cửa hàng đầu tiên, tôi không có đồng vốn nào, phải vay mượn khắp nơi để làm", Danh cho biết.

Tài chính hạn hẹp, nhưng Danh lại mạo hiểm chọn cho mình một hướng kinh doanh hoàn toàn khác. Ngay từ đầu, anh nhận định hoặc là kinh doanh theo mô hình giá cao phục vụ tại bàn, hai là giá bình dân nhưng khách phải tự phục vụ. Cuối cùng, Danh quyết định chọn cách thứ hai.

Co-Natural-Deli-3-9714-1405311262.jpg

Các món ăn được Danh chế biến kèm với trái cây Việt Nam.

Thời gian đầu, ông chủ trẻ nhận không ít phàn nàn của khách: Ăn trưa mà cũng xếp hàng, khiến anh rất lo lắng. Tuy nhiên, để phục vụ được số lượng lớn có khi lên đến 200 người chỉ trong 2 giờ đồng hồ, trong khi nhân viên lại ít nên Danh kiên định với cách làm của mình. Tính ra, khách vào quán của Danh trung bình chỉ mất khoảng 3 phút cho một lượt tự phục vụ.

Vốn mê nông sản, Danh rất quan tâm đến nguồn thực phẩm chế biến, đặc biệt là rau củ và trái cây. Rau củ anh khoán cho nhà vườn trồng và cung cấp theo tiêu chuẩn sạch. Còn trái cây anh tự mình về miền Tây hoặc lên Đà Lạt lựa chọn.

Điểm đặc biệt trong các món ăn của cửa hàng Danh là mọi thức ăn đều được chế biến chung với một loại trái cây để tạo hương vị riêng, mà vẫn hợp khẩu vị số đông. Ngoài ra, điều này còn nằm trong tiêu chí ngay lúc đầu khởi nghiệp của anh là tiêu thụ nông sản Việt. “Do từ nhỏ lớn lên cùng nhiều loại trái cây truyền thống, thời sinh viên lại tiếp tục làm hàng loạt dự án về xây dựng thương hiệu nông sản, nên tôi muốn gắn bó và vực dậy thế mạnh của nông sản nước nhà trước sự lấn áp của sản phẩm Trung Quốc và nước ngoài”, Danh tâm sự.

Việc kết hợp trái cây trong các món ăn không chỉ tạo sự thú vị với khách hàng trong nước mà còn với cả khách nước ngoài. Nhiều người Hàn Quốc đến quán của Danh rất mê món cơm tấm sườn ướp nước ép lê tươi và nhận định: "Vị sườn nướng này khá giống ở quê chúng tôi, ngọt tự nhiên chứ không phải ngọt từ mật ong, đường và hăng vị hành tỏi".

Sau 5 năm kinh doanh, Danh quyết định chuyển thương hiệu thành Cò Natural Deli vào đầu năm 2014. "Cái tên này có nghĩa là hình ảnh con cò gắn với tuổi thơ, hình ảnh người mẹ tần tảo nuôi tôi khôn lớn và còn đại diện cho vùng quê, đồng ruộng Việt Nam", Danh chia sẻ.

Cũng trong thời gian này, ngoài phục vụ cơm trưa văn phòng, Danh còn phát triển suất ăn công nghiệp và khá thành công. Anh cho chế biến ngay tại hệ thống quán của mình hoặc đến làm tại nhà bếp công ty khách hàng.

Một trong những khách hàng đầu tiên của cửa hàng sau khi đổi tên là Premier Oil Offshore B.V - công ty của Anh với hơn 50 suất ăn mỗi ngày. Kế tiếp là Mercedes-Benz Việt Nam đặt hơn 500 suất ăn cho nhân viên. Để có được hợp đồng này, Danh đã phải vượt qua một đối thủ rất lớn trong ngành suất ăn công nghiệp của  Đức. Đích thân ông chủ trẻ chăm chút cho từng hạt gạo, cọng rau, tự tay lau bàn, rút tỉa kinh nghiệm, hướng dẫn nhân viên của mình để đảm bảo đúng tiêu chí vệ sinh của các đối tác nước ngoài.

Hiện, Danh tiếp tục trở thành nhà cung cấp cho nhiều công ty lớn như Công ty Bảo hiểm Dầu khí phía Nam, Xi măng Holcim và gần đây nhất là Gameloft...  Tính ra, mỗi ngày Cò Natural Deli đang phục vụ gần 1.000 suất ăn tại cửa hàng và cho khách hàng doanh nghiệp.

Tiếp nối thành công của cửa hàng thứ nhất, Danh mạnh dạn gom góp vốn liếng đầu tư tiếp cửa hàng thứ hai. Tiền đầu tư ban đầu cho mỗi cửa hàng 300-500 triệu đồng, rồi chi phí thuê mặt bằng, nguyên liệu, nhân công, để cân đối kinh doanh, trong 3 năm đầu anh khá vất vả. Nhưng từ năm 2012 tới nay, hai cửa hàng đã sinh lời và anh đã có thể yên tâm đi tiếp.

Theo VnExpress

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích