10 đại gia fastfood trên thế giới

Thứ ba, 15/07/2014, 10:48
90% các thương hiệu này đã có mặt tại Việt Nam và đang lên kế hoạch mở rộng thị phần ra toàn quốc.

Theo Forbes, 10 đại gia đồ ăn nhanh (fast food) dưới đây đều nắm trong tay hàng nghìn cửa hàng khắp toàn cầu, với doanh thu từ vài tỷ cho đến hàng chục tỷ USD trong năm 2013.

1. Subway

Subway-1-Iulius-Mall-Cluj-mai-8816-7158-

Số cửa hàng bán lẻ toàn cầu: 42.070

Subway hiện là chuỗi cửa hàng có quy mô lớn nhất thế giới với độ phủ lên tới 107 quốc gia và vùng lãnh thổ. Món truyền thống của Subway là sandwich (bánh mỳ kẹp thịt) và salad.

Ra đời vào năm 1965, người sáng lập Subway khi đó là Fred Deluca khởi nghiệp chỉ với 1.000 USD vay từ một người bạn và nhiều năm sau họ thành lập Doctor’s Associates Inc để tiếp tục phát triển chuỗi bán lẻ. Tập đoàn này hiện có trụ sở chính tại Milford, Connecticut (Mỹ) và các văn phòng đại diện ở Hà Lan, Australia, New Zealand…

Năm 2013, doanh thu của Subway đạt trên 12 tỷ USD, tăng hơn 5% so với một năm trước. Hiện Subway cũng được xem là một trong những đại gia bán lẻ bạo chi nhất cho chuyện quảng cáo, chỉ đứng sau Mc Donald’s. Năm 2012, tập đoàn này được cho là đã dành tới 516 triệu USD để quảng bá hình ảnh. Tại Việt Nam, chuỗi bán lẻ này bắt đầu gia nhập từ năm 2010 và nay đã có 4 cửa hàng.

2. Mc Donald’s

mc-donald-3934-1405333148.jpg

Số cửa hàng bán lẻ toàn cầu: 35.000

Tập đoàn Mc Donald cũng đang là chuỗi bán lẻ thức ăn nhanh lớn bậc nhất thế giới khi phục vụ tới 68 triệu khách mỗi ngày tại 119 quốc gia. Mc Donald’s có trụ sở chính tại Mỹ và đi vào hoạt động từ năm 1940 dưới hình thức một quán phục vụ đồ nướng do hai anh em Richard và Maurice Mc Donald điều hành. Vào năm 1948, hai ông chủ này quyết định dùng bánh hamburger làm định vị thương hiệu và phát triển chuỗi đồ ăn nhanh với tên Mc Donald’s.

Năm 1955, một doanh nhân có tên Ray Kroc gia nhập Mc Donald’s trong vai trò đại lý nhượng quyền và đưa thương hiệu này ra khắp toàn cầu. Năm 2013, doanh thu của Mc Donald’s đạt trên 28 tỷ USD, chỉ tăng 2% so với một năm trước. Lợi nhuận theo đó đạt 5,5 tỷ USD. Cuối năm ngoái, toàn bộ hệ thống của Mc Donald’s có 1,8 triệu nhân lực làm việc.

Tại Việt Nam, chuỗi bán lẻ này bắt đầu gia nhập thị trường đầu năm nay và chỉ mới phục vụ ở TP.HCM. Việt Nam là một trong 65 thị trường nhượng quyền của McDonald's trên thế giới. Mô hình nhượng quyền này đã được McDonald's sử dụng hơn 30 năm nay để phát triển thương hiệu.

3. Starbucks

starbucks-3794-1405333148.jpg

Số cửa hàng bán lẻ toàn cầu: 23.187

Starbucks được thành lập từ năm 1971 và hiện có trụ sở tại 64 quốc gia trên thế giới, hơn nửa số này tập trung tại Mỹ. Từ ngày thành lập, Starbucks liên tục mở rộng thị trường. Vào năm 1987, trung bình mỗi ngày đơn vị này mở thêm 2 cửa hàng mới.

Doanh thu năm 2013 của Starbucks đạt 14,89 tỷ USD và lợi nhuận là 8,8 triệu USD. Đến tháng 5/2013, toàn bộ hệ thống của Starbucks có 160.000 nhân viên làm việc. Tương tự các đại gia bán lẻ trên, Starbucks hiện cũng có mặt ở Việt Nam với hơn 6 cửa hàng tại TP HCM. Đơn vị này cũng đang ráo riết chuẩn bị kế hoạch để mở rộng thị trường ra Hà Nội.

4. KFC

KFC-7779-1405333149.jpg

Số cửa hàng bán lẻ toàn cầu: 18.875

Khác với Mc Donald’s, KFC nổi tiếng khắp toàn cầu nhờ món thịt gà rán và hiện có mặt tại 118 quốc gia. Tên đầy đủ của hãng là Kentucky Fried Chicken, trụ sở chính tại Louisville – Kentucky (Mỹ) do Harland Sanders sáng lập. Hiện KFC là công ty con của Yum! Brand, một đơn vị đang sở hữu cả chuỗi bán lẻ Pizza Hut và Taco Bell.

Trước khi biến KFC trở nên phổ biến trên khắp thế giới, Harland từng bán gà rán tại một quán ăn ven đường ở Corbin – Kentucky trong thời kỳ Đại suy thoái. Sớm nhận thấy tiềm năng từ việc bán lẻ, năm 1952, Harland cho ra đời cửa hàng bán lẻ KFC đầu tiên tại Utah. Năm 1964, ông bán lại công ty cho nhóm nhà đầu tư, trong đó có John Y. Brown Jr – người sau này trở thành Thống đốc bang Kentucky. Doanh thu năm ngoái trên toàn cầu của KFC là 23 tỷ USD.

Chuỗi cửa hàng này gia nhập Việt Nam từ năm 1997 và là một trong những đại gia bán lẻ vào thị trường trong nước sớm nhất. Giai đoạn năm 2012, thị phần của KFC trong lĩnh vực đồ ăn nhanh tại Việt Nam lên tới 60%.

5. Burger King

burger-king-9283-1405333149.jpg

Số cửa hàng bán lẻ toàn cầu: 13.000

Burger King được sáng lập vào năm 1953 tại Florida, Mỹ. Hiện tập đoàn có mặt tại 79 quốc gia, phần lớn tập trung tại Mỹ. Doanh thu năm 2012 của Burger King là 1,97 tỷ USD và lợi nhuận là 117,7 triệu USD.

Gia nhập thị trường Việt Nam vào năm 2011, đối tác nhượng quyền của Burger King tại Việt Nam là Công ty TNHH Dịch vụ Thực phẩm và Giải khát Cánh Diều Xanh (BKV) – thành viên của Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP). Hiện thương hiệu này có gần 20 cửa hàng tại TP.HCM và Hà Nội.

6. Pizza Hut

pizza-hut.jpg

Số cửa hàng bán lẻ toàn cầu: 11.139

Cũng giống KFC, Pizza Hut hiện là công ty con của Yum! Brands và đang có mặt tại hơn 94 quốc gia, vùng lãnh thổ khắp thế giới. Chuỗi bán lẻ được thành lập từ năm 1958, trụ sở tại Kansas. Pizza Hut xuất hiện tại Việt Nam vào năm 2007 và đến nay có khoảng 40 nhà hàng phủ khắp cả nước.

7. Dunkin’s Donuts

donut.jpg

Số cửa hàng bán lẻ toàn cầu: 11.000

Ra đời vào năm 1950, Dunkin’s Donuts đang được xem là đối thủ của Starbucks do cả hai cùng hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ cafe. Ngoài ra, các mặt hàng khác của Dunkin’s Donuts còn có bánh ngọt, sandwich và một số đồ uống khác. Trung bình mỗi năm, Dunkin’s Donuts bán ra hơn 1,7 tỷ cốc café. Doanh thu năm 2012 của hãng đạt 6,9 tỷ USD.

Cũng tương tự các đại gia trên, Dunkin’s Donuts gia nhập thị trường Việt Nam và chỉ vừa khai trương cửa hàng đầu tiên vào tháng 11 năm ngoái. Chỉ khoảng một tháng sau, hãng lại tiếp tục cho ra đời cửa hàng thứ hai cũng tại TP.HCM.

8. Domino’s Pizza

domino-pizza.jpg

Số cửa hàng bán lẻ toàn cầu: trên 10.000

Với sự hiện diện tại 70 quốc gia, Domino’s Pizza cũng đang là một trong những đại gia bán lẻ đồ ăn nhanh lớn nhất thế giới. Domino’s Pizza ra đời tại Michigan (Mỹ) vào năm 1960. Khởi đầu của hãng chỉ là một quán pizza nhỏ gần Đại học Eastern Michigan và được Tom Monaghan cùng người thân mua lại với giá 500 USD. Tới năm 1978, chuỗi bán lẻ này được mở rộng thành 200 cửa hàng trên khắp nước Mỹ.

Doanh thu khắp toàn cầu của Domino’s Pizza trong năm 2013 đạt 1,8 tỷ USD với 220.000 nhân sự đang làm việc. Tại Việt Nam, ông trùm này bắt đầu vào thị trường từ năm 2010 thông qua đơn vị nhượng quyền là Công ty Dịch vụ Thực phẩm Việt Nam – doanh nghiệp con thuộc sở hữu của Tập đoàn IPP.

9. Dairy Queen

dairy-queen.jpg

Số cửa hàng bán lẻ toàn cầu: 6.300

Dairy Queen thành lập năm 1940 và một năm sau đó mới có khoảng 10 cửa hàng kem. Tới năm 1947, số lượng cửa hàng bán lẻ của Dairy Queen tăng thành 100 và gần 10 năm sau lên tới 2.600.

Hiện nay, hãng là thành viên Tập đoàn Berkshire Hathaway của tỷ phú Warren Buffet. Sản phẩm chính của Dairy Queen là kem đa dạng về mùi vị và được trộn chung với nhiều nguyên liệu bánh, kẹo.

Tại Việt Nam, hãng kem của vị tỷ này vừa gia nhập thị trường vào đầu năm nay và lên kế hoạch mở rộng thêm 60 cửa hàng khác trong 5 năm tới, chủ yếu ở TP.HCM. Theo số liệu thống kê gần nhất, năm 2008, doanh thu của Dairy Queen đạt 2,5 tỷ USD.

10. Papa John’s

papa-john.jpg

Số cửa hàng bán lẻ toàn cầu: 4.000

Thành lập từ năm 1984, hiện Papa John’s xuất hiện ở 33 quốc gia trên thế giới. Thuở ban đầu, chuỗi bán lẻ này chỉ là một tiệm pizza nhỏ được John Schnatter mở tại phía sau quán rượu của bố mình. Năm 1979, ông bán chiếc ô tô để lấy 1.600 USD mua dụng cụ làm pizza và bắt kinh doanh mặt hàng này.

Năm 2013, doanh thu của hãng đạt 1,4 tỷ USD còn lợi nhuận xấp xỉ 70 triệu USD. Papa John’s hiện là chuỗi bán lẻ duy nhất trong số những đại gia nổi tiếng toàn cầu vẫn chưa có mặt tại Việt Nam.

Theo VnExpress

Các tin cũ hơn