Tại một cửa hàng Pizza Hut ở Thượng Hải (Trung Quốc), Cai Baohua và gia đình của anh đang thưởng thức các món ăn phương Tây. Cai cho biết: "Chúng tôi càng ngày càng thích ăn đồ Tây. Thỉnh thoảng, vào lễ Giáng Sinh, cả nhà tôi vẫn tới KFC hay McDonalds để ăn mừng".
Gia đình Cai là những người thuộc tầng lớp trung lưu tại Trung Quốc mà các chuỗi nhà hàng của Mỹ đang tích cực tấn công. Một nửa doanh thu của Yum! Brands, công ty sở hữu nhãn hiệu KFC, đến từ 5.000 cửa hàng tại Trung Quốc. Hãng này hy vọng sẽ phát triển ít nhất 20.000 cửa hàng tại đây trong những năm tới.
Một cửa hàng của KFC tại Trung Quốc. Ảnh: CNBC |
Việc các chuỗi cửa hàng Mỹ tích cực mở rộng ở đại lục đã cho thấy tầm quan trọng của Trung Quốc với các doanh nghiệp nước này. Tuy nhiên, thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn chưa thể hòa hợp trong thời gian gần đây.
Khi Đại hội Đảng lần thứ 18 của Trung Quốc kết thúc, Mỹ kỳ vọng thế hệ lãnh đạo mới tại đây sẽ giúp tái thiết quan hệ thương mại hai nước. Đồng thời khởi động chiến dịch cải tổ kinh tế đang bị trì hoãn để giúp Yum! Brands và các hãng bán lẻ khác duy trì tăng trưởng.
Mối quan hệ chặt chẽ về kinh tế giữa Bắc Kinh và Washington đã tồn tại trong hàng thập kỷ qua. Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng một phần nhờ đầu tư của Mỹ vào các nhà máy, tạo ra hàng triệu việc làm. Mỹ cũng hưởng lợi khi nhập khẩu được hàng Trung Quốc giá rẻ cho người tiêu dùng.
Tuy nhiên, mối quan hệ này đã bị xấu đi đáng kể những tháng gần đây. Tháng 9, Washington đã phản ánh lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) rằng Trung Quốc trợ giá bất hợp pháp 1 tỷ USD cho ôtô và phụ tùng ôtô xuất khẩu giai đoạn 2009 - 2011. Trung Quốc sau đó trả đũa bằng cách kết tội Mỹ áp thuế chống phá giá lên hàng chục mặt hàng của nước này.
Tranh cãi gần đây nhất giữa hai nước là về vấn đề tấm năng lượng mặt trời. Washington dự định áp thuế nhập khẩu lên sản phẩm này của Trung Quốc sau khi kết tội nhiều công ty Trung Quốc bán phá giá.
Khi được hỏi liệu những hành động của Trung Quốc có thể gây căng thẳng thương mại giữa hai nước, Ông Chen Denming, Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết: "Có người hỏi tôi: 'Trung Quốc định chiến tranh thương mại với Mỹ đấy à?'. Tôi chỉ trả lời: 'Không'. Trung Quốc hy vọng hai nước có thể ngồi xuống, bàn bạc và nỗ lực ngăn chặn cuộc chiến này. Tuy nhiên, tôi cũng phải nói rằng khi có người xâm phạm lợi ích của chúng tôi, Trung Quốc sẽ phải bảo vệ doanh nghiệp của mình".
Rất nhiều công ty nước ngoài từng phàn nàn về thái độ ngày càng cứng rắn của Trung Quốc với sự cạnh tranh từ bên ngoài. Họ cho rằng sân chơi ở đây đang ngày càng không công bằng.
Ông Christian Murck, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ, cho biết cải tổ ở đây đang bị chậm lại và hy vọng ban lãnh đạo sắp tới sẽ là những người có tư tưởng đổi mới. Ông cho biết: "Nếu nhìn vào năm năm gần đây, bạn sẽ thấy Trung Quốc chẳng có tiến triển đáng kể nào. Vì thế, chúng tôi muốn tiến trình cải tổ được thúc đẩy nhanh chóng để mở đường cho các công ty nước ngoài".
Thùy Linh (theo CNBC)