Vậy một triệu phú Mỹ điển hình có những đặc điểm gì? Anh ta sẽ miêu tả bản thân mình như thế nào? Tôi 57 tuổi, đã kết hôn và có 3 con. Khoảng 70% những người như tôi đóng góp hơn 80% thu nhập của gia đình.
Trung bình cứ 5 người thì có một người đã nghỉ hưu. Và khoảng 2/3 số người như tôi hoạt động tự doanh. Thú vị chứ, số người hoạt động tự doanh chiếm chưa đến 20% tổng số lao động ở Mỹ, nhưng lại chiếm đến 2/3 số triệu phú. Thêm nữa, trong chúng tôi, cứ 4 người làm tư nhân thì có 3 người tự coi mình là doanh nhân. Phần lớn số còn lại làm những nghề nghiệp độc lập như bác sĩ hay kế toán.
Nhiều loại hình kinh doanh mà chúng tôi tham gia có thể được xem là bình thường đến tầm thường. Chúng tôi là những nhà thầu hàn kim loại, người bán đấu giá, chủ trang trại trồng lúa, chủ bãi đậu xe, nhà di động, nhà cung cấp dịch vụ diệt sâu bệnh, người buôn bán tiền xu và tem, nhà thầu gạch lát nền.
Phần thu nhập chịu thuế hàng năm của gia đình chúng tôi là 131.000 USD (tính trung bình), trong khi thu nhập bình quân của chúng tôi là 247.000 USD. Lưu ý là những người có thu nhập vào khoảng từ 500.000 USD đến 999.999 USD –la chiếm (8%) và từ 1 triệu USD trở lên (5%) đã kéo con số trung bình 131.000 USD kia tăng lên.
Bình quân giá trị tài sản ròng của gia đình chúng tôi là 3,7 triệu USD. Tất nhiên, một số người trong chúng tôi tích lũy được nhiều hơn thế. Gần 6% số hộ triệu phú có giá trị tài sản ròng hơn 10 triệu USD. Do nhóm thiểu số 6% trên đã đẩy con số trung bình tăng lên nên thống kê lại, một gia đình triệu phú điển hình (thuộc nhóm giữa) có giá trị tài sản ròng vào khoảng 1,6 triệu USD.
Tính trung bình, phần tổng thu nhập chịu thuế hàng năm của chúng tôi chiếm chưa đến 7% giá trị tài sản. Nói cách khác, chúng tôi sống nhờ vào chưa đến 7% tài sản của mình.
Hầu hết chúng tôi (khoảng 97%) đều có nhà riêng và giá trị trung bình của những bất động sản này khoảng 320.000 USD. Một nửa trong số chúng tôi sống tại một ngôi nhà suốt hơn 20 năm. Nhờ vậy, chúng tôi tận hưởng được phần giá trị gia tăng ngay dưới mái nhà mình.
Hầu hết chúng tôi chưa bao giờ thấy thiệt thòi vì không được hưởng bất kỳ khoản thừa kế nào. Khoảng 80% trong số chúng tôi là những triệu phú “thế hệ thứ nhất”.
Mức sống của chúng tôi thấp hơn nhiều so với khả năng cho phép. Chúng tôi mặc những bộ quần áo không quá đắt và lái những chiếc xe sản xuất trong nước. Chỉ một số ít trong chúng tôi dùng mẫu xe đời mới nhất, và cũng rất ít người từng thuê xe để đi lại.
Hầu hết những người vợ của chúng tôi đều rất chi li trong việc lên kế hoạch và lập ngân sách chi tiêu trong gia đình. Trên thực tế, chỉ có 18% trong số chúng tôi phản đối quan điểm “Hoạt động từ thiện phải bắt đầu từ chính ngôi nhà mình” và đa số chúng tôi đều phải thừa nhận rằng trong chuyện tiền nong, các bà vợ chặt chẽ hơn chúng tôi rất nhiều.
Chúng tôi luôn có một quỹ dự phòng. Nói cách khác, chúng tôi tích lũy đủ của cải để sống yên ổn trong ít nhất 10 năm mà không cần làm việc. Do đó, những người có giá trị tài sản ròng 1,6 triệu USD có thể sống thoải mái trong hơn 20 năm. Sự thật là chúng tôi có thể sống được lâu hơn thế vì chúng tôi tiết kiệm được ít nhất 15% thu nhập.
- Chúng tôi giàu gấp 6,5 lần những hàng xóm không phải triệu phú, nhưng trong khu phố này, họ lại đông hơn chúng tôi ít nhất 3 lần. Phải chăng họ chọn cách đánh đổi sự giàu có để nắm giữ quyền sở hữu những thứ đồ dùng cao cấp và xa xỉ?
Nhìn chung, học vấn của chúng tôi tương đối cao. Chỉ khoảng 1/5 không tốt nghiệp đại học. Nhiều người có bằng cấp cao. 8% có bằng về luật, 6% có bằng về y khoa, 18% có bằng Thạc sĩ và 6% có bằng Tiến sĩ. Chúng tôi tin rằng học vấn rất quan trọng đối với bản thân cũng như con cháu, vì thế chúng tôi không tiếc tiền bạc cho việc học hành.
Khoảng 2/3 trong số chúng tôi làm việc từ 45 đến 55 tiếng mỗi tuần.
Chúng tôi là những nhà đầu tư khó tính. Trung bình, mỗi năm chúng tôi dành gần 20% thu nhập thực có của gia đình để đầu tư. Đa số dành ít nhất 15%. 79% có ít nhất một tài khoản tại một công ty môi giới, tuy nhiên chúng tôi tự mình đưa ra các quyết định đầu tư.
Gần 20% tài sản của gia đình chúng tôi nằm dưới dạng các chứng khoán giao dịch như cổ phiếu niêm yết công khai và các quỹ tương hỗ. Thế nhưng chúng tôi hiếm khi bán đi cổ phần của mình. Thậm chí, chúng tôi còn đầu tư nhiều hơn vào đó để dự trù kế hoạch lương hưu. Trung bình, 21% tài sản của gia đình chúng tôi nằm ở các hoạt động kinh doanh tư nhân.
Nhìn chung, chúng tôi cảm thấy con gái thường bị hạn chế về khả năng tài chính hơn con trai. Ngay cả trong cùng một phạm vi nghề nghiệp thì đàn ông vẫn có khuynh hướng kiếm nhiều tiền hơn phụ nữ. Chính vì thế, chúng tôi không ngại san sẻ tài sản cho các con gái. Còn đám con trai, và đàn ông nói chung, luôn có rất nhiều cách để kiếm tiền. Chúng không nên trông cậy vào những khoản trợ cấp từ cha mẹ.
Vậy nghề nghiệp lý tưởng cho con cái chúng tôi là gì? Con cái chúng tôi nên cân nhắc đến hoạt động cung cấp dịch vụ có giá trị cao cho giới nhà giàu. Nói chung, về vấn đề tài chính thì người cố vấn được chúng tôi tin cậy nhất chính là kế toán của mình. Luật sư cũng hết sức quan trọng. Vậy nên, chúng tôi khuyên con cái nên chọn lĩnh vực kế toán và luật.
Tôi là một kẻ hà tiện. Còn lý do nào nữa để tôi phải dành ra cả hai ba tiếng đồng hồ bị mấy tác giả này phỏng vấn đời tư nhỉ? Họ trả cho tôi 100 USD, 200 USD, 250 USD. Ồ, và họ còn đưa ra một lời đề nghị khác – ấy là quyên góp số tiền mà tôi được trả ấy vào quỹ từ thiện ưa thích của tôi, trên danh nghĩa của tôi. Nhưng tôi đã bảo họ rằng: “Tôi thích làm từ thiện cho chính mình đây này”.
Trích "Bẻ khóa bí mật triệu phú" của nhà sách First News