Nước mắm Phú Quốc lao đao vì thiếu cá cơm

Thứ bảy, 17/11/2012, 13:34
Không chỉ tàu miền Trung vào mua cá về chế biến bán cho Trung Quốc, mà các tỉnh lân cận cũng đổ xô gom cá cơm về để làm nước mắm hoặc phơi khô.

Thịnh Phát là công ty sản xuất nước mắm lớn ở Phú Quốc với sản lượng mỗi năm khoảng 1 triệu lít. Giám đốc Trần Mỹ Thuận cho biết: "Tháng 9 và 10/2012, giá cá cơm tăng quá cao nên chúng tôi không nhập nguyên liệu. Chúng tôi đã có lộ trình giảm từ 100 thùng xuống còn trên 40 thùng. Một số nhà thùng khác cũng giảm công suất, bán cơ sở hoặc đóng cửa chuyển qua buôn bán, kinh doanh nhà hàng, khách sạn lợi nhuận cao hơn".

Giá cá cơm, nguyên liệu chính để làm nên nước mắm Phú Quốc, trong tháng 9 và 10/2012 tăng đột biến, từ 6.500 đồng lên 18.000 đồng mỗi kg. Thậm chí, có ngày giá lên 20.000 đồng mỗi kg, gấp hơn ba lần.

Sản phẩm nước mắm truyền thống ở gia đình bà Phạm Thị Mười. Ảnh: Tiền phong
Sản phẩm nước mắm truyền thống ở gia đình bà Phạm Thị Mười. Ảnh: Tiền phong

Giá này được mua trực tiếp trên biển, chủ yếu do thương lái miền Trung, để hấp sấy hoặc phơi khô bán cho bên Trung Quốc. Việc này đã khiến các nhà thùng sản xuất nước mắm trên đảo Phú Quốc lao đao.

Bà Phạm Thị Mười ở thị trấn Dương Đông cho biết giá nguyên liệu đột nhiên tăng như vậy khiến không nhà thùng nào chịu nổi. Trong khi đó, nếu đẩy giá nước mắm cao hơn thì không ai mua. Các nhà thùng khác vay vốn ngân hàng còn khó khăn hơn.

Phú Quốc hiện có 104 nhà thùng sản xuất nước mắm với sản lượng 30 triệu lít. Chủ tịch Hiệp hội nước mắm Phú Quốc Nguyễn Thị Tịnh nói, không chỉ tàu miền Trung vào mua cá về chế biến bán cho Trung Quốc, mà tàu các tỉnh lân cận cũng đổ xô về vùng biển Phú Quốc gom cá cơm về để làm nước mắm hoặc phơi khô.
Chưa có số liệu thống kê cụ thể nhưng theo bà Tịnh, mỗi ngày có khoảng vài trăm tấn cá cơm được đưa ra khỏi vùng biển Phú Quốc.

Bà Tịnh nêu lên mối băn khoăn của các nhà thùng, việc thu mua cá trên biển mang đi nơi khác tiêu thụ không phải đánh thuế. Trong khi đó, làm nước mắm Phú Quốc mua vào thì phải chịu 5% mà không được khấu trừ hoàn thuế. "Chúng tôi vừa làm văn bản kiến nghị lên huyện, tỉnh thành lập đoàn kiểm tra nhằm ngăn chặn thất thu thuế. Đặc biệt ngăn chặn việc mua bán cá cơm vô tội vạ bán qua Trung Quốc", bà Tịnh nói.

Lý giải việc cá cơm tăng giá bất thường, ông Nguyễn Minh Trực, Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Quốc, cho rằng: "Thương lái Trung Quốc đặt mua giá cao nên những người thu mua đã mạnh dạn nâng giá. Chẳng hạn giá cá cơm sấy khô 70.000 đồng mỗi kg, thì chỉ cần mua vào 20.000 đồng mỗi kg là lời to. Hơn nữa, họ cần số lượng lớn trong thời gian ngắn nên mới xảy ra tình trạng tranh mua tranh bán trên biển".

Tình hình chung vẫn còn rất nan giải với các nhà thùng Phú Quốc. Như công ty Thịnh Phát, giảm gần 60 thùng chượp, một thùng đóng hết 45 triệu đồng, nay bán 25 triệu đồng không có người mua, đã thấy lỗ lớn. Trong khi đó, nguồn cá cơm trên đảo Phú Quốc những năm qua cũng đã trở nên khan hiếm. Cá cơm Bãi Trường ngày xưa được ví như kho nguyên liệu gần bờ cung cấp cho các nhà thùng Phú Quốc, thì nay đã cạn kiệt.

(Theo Tiền phong)

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn