Theo số liệu của Eurostat, GDP của khối 17 nước thành viên eurozone tiếp tục sụt giảm 0,1% trong quý III, sau khi đã giảm 0,2% vào quý II.
Trái ngược với tốc độ tăng trưởng 0,2% của Pháp và Đức, các quốc gia khác như Hà Lan và Áo đều không đạt được mục tiêu này. Tây Ban Nha, Italy và Bồ Đào Nha tiếp tục chìm sâu hơn vào khủng hoảng nợ công. Chính sách thắt lưng buộc bụng của chính phủ các nước này đều vấp phải sự phản đối từ phía người dân, thể hiện ở cuộc biểu tình vào hôm thứ Tư vừa qua.
Các nhà phân tích dự đoán kinh tế Pháp và Đức có thể bắt đầu đi vào suy thoái trong những tháng sắp tới do ảnh hưởng từ một số quốc gia yếu ở phía Nam eurozone. Đa số đều cho rằng, khu vực đồng tiền chung sẽ tăng trưởng âm trong quý IV năm nay. Bức tranh kinh tế của khu vực càng ảm đạm hơn khi Ủy ban châu Âu (EC) dự báo eurozone chỉ tăng trưởng -0,4% trong năm nay và 0,1% vào năm 2013.
Người dân biểu tình phản đối chính sách cắt giảm của chính phủ. Ảnh New York Times |
Suy thoái khiến các nước thành viên của eurozone càng khó thực hiện mục tiêu cam kết trong Hiệp ước Tài chính, trong đó có yêu cầu giảm thâm hụt ngân sách xuống 3% GDP. Ủy ban châu Âu sẽ có những điều chỉnh chính sách linh hoạt cho phù hợp với tình hình hiện tại.
Những số liệu cụ thể trong tuần này cho thấy nền kinh tế Hy Lạp trong quý III đã giảm 7,2% so với cùng kỳ năm trước. Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), bà Christine Lagarde tuyên bố Athens vẫn phải đáp ứng mục tiêu giảm nợ công vào năm 2020 như đã thỏa thuận trong chương trình cứu trợ thứ hai được các bên liên quan nhất trí hồi đầu năm nay. Bà Lagarde nhấn mạnh điều có ý nghĩa quyết định đối với IMF là nợ công của Hy Lạp phải được kiểm soát ở mức "chịu đựng được" về lâu dài. Tuy nhiên, các bên liên quan sẽ tiếp tục làm việc để giải quyết những bất đồng này.
Trong bối cảnh nợ công của Hy Lạp hiện lên đến gần 190% GDP, cao hơn gấp ba lần mức trần 60% theo quy định của EU, nhiều nhà phân tích cho rằng các bên tham gia cứu trợ cần làm điều gì đó để giảm nhẹ gánh nặng nợ nần cho quốc gia này. Athens đang xin kéo dài thêm 2 năm thời hạn thực hiện các biện pháp tiết kiệm chi tiêu để được giải ngân phần cứu trợ trị giá 31,5 tỷ USD nhằm thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ vào giữa tháng 11.
Nguyễn Tâm (theo New York Times)