Thư gửi các đại biểu Quốc: Tiền của dân – Quyền của dân

Thứ hai, 22/10/2012, 13:40
Thưa quý vị đại biểu: Chính phủ bắt đầu sắp xếp, chấn chỉnh các tập đoàn, sẽ giảm bớt và có tập đoàn lại là tổng công ty. Mô hình tập đoàn đã được thí điểm hơn 7 năm bên cạnh những đóng góp tích cực thì những tổn thất do các tập đoàn gây ra ngày càng lớn, tham nhũng và lãng phí thường xuyên xảy ra, nền kinh tế không còn chịu nổi nhất là thâm hụt ngân sách.

>> Ma trận sở hữu chéo: "Nội soi" Sông Đà và Xây lắp Dầu khí
>> Sai phạm hàng chục nghìn tỷ đồng tại Tập đoàn Dầu khí
>> Hàng loạt doanh nghiệp Sông Đà nợ cổ tức
>> Tập đoàn nhà nước: Sự sao chép Chaebol tai hại

Ngày 16-10-2012, trong cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận tình hình kinh tế - xã hội năm 2012, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho biết, dự kiến từ ngày 1-5-2013, lương tối thiểu khu vực Nhà nước sẽ tăng lên mức 1,3 triệu đồng.

Để đáp ứng nhu cầu này ngân sách phải chi khoảng 60.000 – 65.000 tỷ đồng, nhưng do năm 2012 tiến độ thu thấp nhất, mấy tháng cuối năm thu càng khó khăn và dự kiến thu ngân sách năm 2013 tiếp tục khó khăn, vì vậy năm 2013 Chính phủ không thực hiện chi cải cách tiền lương theo lộ trình, chưa thể tăng lương năm 2013.

Không đảm bảo thu được 60.000 tỷ đồng hoặc 65.000 tỷ đồng nên không thể tăng lương năm 2013, nhưng số tiền này đâu có lớn bằng tiền nợ trong các tập đoàn, tổng công ty.
 


Tập đoàn Dầu khí còn dư nợ 72.000 tỷ đồng. Ảnh Hoàng Long

Tập đoàn Dầu khí còn dư nợ 72.000 tỷ đồng, Tập đoàn Điện lực dư nợ 62.000 tỷ đồng. Theo thông báo của Bộ Tài chính, các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã có khoản dư nợ vay ngân hàng lên đến 415.000 tỷ đồng, trong đó riêng các tập đoàn đã chiếm đến trên 218.000 tỷ đồng. Chỉ tính nợ không thu được ở các tập đoàn đã hơn ba lần số tiền năm 2013, nên không thể tăng lương.
 
Thí điểm đã hơn 7 năm các tập đoàn mới chỉ họp sơ kết một lần vào cuối năm 2011 và 13 tập đoàn cho đến nay chưa tổng kết. Đã đến lúc không thể muộn hơn nữa, phải tổng kết toàn diện để xem mô hình thí điểm các tập đoàn cho đến nay được gì, mất gì, phân tích gốc rễ tại sao lại thua lỗ, nợ nần quá lớn như vậy, gây khủng hoảng ngân sách.

Nhà nước đại diện cho dân sử dụng tiền dân đóng thuế làm vốn cho các tập đoàn, tổng công ty hoạt động, phải tạo mọi điều kiện để dân có quyền và trách nhiệm giám sát việc sử dụng vốn của mình để làm gì, cho mục đích gì, có hiệu quả không? Ở nước ta không được như vậy, ngay cả khi tập đoàn nắm hàng trăm ngàn tỷ đồng, lỗ hay lãi, nợ nần bao nhiêu cũng chẳng thông qua Quốc hội, báo cáo với dân.
 
Thưa quý vị đại biểu
 
Quốc hội là cơ quan giám sát tối cao, quyết định phân bổ ngân sách quốc gia nhưng các tập đoàn, tổng công ty nhà nước vay nợ, nợ chồng chất, một số tập đoàn, tổng công ty có tỷ lệ nợ phải trả cao gấp 10 lần so với vốn chủ sở hữu nhưng Quốc hội cũng không được biết, tất nhiên chỉ khi phá sản mới chịu công khai để cầu cứu Nhà nước trả nợ hộ, bằng tiền dân đóng thuế.

Công tác kiểm tra, giám sát các tập đoàn, tổng công ty rất lỏng lẻo, nhiều trường hợp hầu như không có vì vậy các tập đoàn, tổng công ty vay nợ, nhất là nợ nước ngoài rất dễ dàng phóng tay. Chính phủ sắp xếp, chấn chỉnh các tập đoàn, tổng công ty, kiên quyết lập lại trật tự chi tiêu ngân sách, để sử dụng đồng vốn có hiệu quả, giảm dần thua lỗ.

Đông đảo cử tri rất mong Quốc hội nắm quyền lực nhân dân giao phó sẽ thực hiện đúng chức năng cùng với Chính phủ giám sát mọi hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty để hạn chế tham nhũng, lãng phí.

Công khai, minh bạch được thực hiện đến nơi đến chốn, lỗ và lãi nợ nần đến đâu báo cáo với dân thông qua Quốc hội là điều kiện tiên quyết để tập đoàn, tổng công ty tránh được các sai sót, thua lỗ biết ngay, không kéo dài triền miên nợ đến hàng chục ngàn tỷ đồng, tổng giám đốc, chủ tịch hội đồng quản trị vẫn an toàn tại chức và ngày càng giàu một cách khác thường.

Không chịu công khai, minh bạch, tìm mọi cách khép kín, lại vừa đá bóng vừa thổi còi thì tránh tham nhũng làm sao được? Muốn nâng cao sức cạnh tranh của tập đoàn, tổng công ty, tiến tới là "quả đấm thép” trước hết phải công khai, minh bạch, đặc biệt với Quốc hội vì công khai, minh bạch không những là vũ khí sắc bén chống tham nhũng, lãng phí, ngay cả với lãnh đạo vẫn ra sức lợi dụng tình trạng không bình thường "lãi của tôi, lỗ thì dân chịu” sẽ không thể giấu mặt.
 
Cử tri rất mong Quốc hội kiểm tra, giám sát nghiêm ngặt, chặt chẽ đối với tập đoàn, tổng công ty. Muốn vay tiền ngoài nước, trong nước, muốn được bảo lãnh phát hành trái phiếu nước ngoài, trong nước và một số vấn đề khác liên quan đến tiền của, tài sản nhà nước đều phải xin phép Quốc hội, được sự đồng tình của Quốc hội mới được thực hiện.

Nhiều năm nay hầu hết tổng giám đốc và chủ tịch hội đồng quản trị tập đoàn, tổng công ty đều được bầu theo kiểu hành chính nên họ không phải là những doanh nhân chuyên nghiệp. Yên tâm làm sao được khi mỗi tập đoàn nắm vốn của dân hàng trăm nghìn tỷ đồng, lại do doanh nhân nghiệp dư điều khiển, thua lỗ, phá sản là tất nhiên.

Chuyển sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đáng lẽ bổ nhiệm các tổng giám đốc, chủ tịch hội đồng quản trị tập đoàn, tổng công ty phải cạnh tranh lành mạnh trên năng lực quản trị của họ mà không để các tiêu chí chính trị hay tiêu chí khác ảnh hưởng đến.

Rất tiếc lâu nay ta vẫn chưa làm như vậy vì vẫn chưa thoát hẳn bao cấp, chưa chuyển hẳn sang cơ chế thị trường. Tái cơ cấu kết hợp với tổng kết toàn diện các tập đoàn, tổng công ty, chắc chắn Quốc hội sẽ cùng Chính phủ chọn lựa được những tổng giám đốc, chủ tịch hội đồng quản trị giỏi kinh doanh, biết làm ra lợi nhuận cho dân, cho nước để các tập đoàn, tổng công ty xứng đáng là lực lượng nòng cốt của nền kinh tế ta.
 
Nhân dân cả nước có nhu cầu và phải có quyền được biết tình hình kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt tập đoàn, tổng công ty và nguyện vọng rất chính đáng này chắc chắn được đáp ứng thông qua hoạt động của quý vị đại biểu tại Quốc hội.
 
Xin gửi quý vị lời chào trân trọng.

 
Theo Đại Đoàn Kết

Các tin cũ hơn