Khối ngoại không khoái cổ phiếu giá rẻ

Thứ hai, 22/10/2012, 07:27
3 tháng gần nhất, khối ngoại vẫn tiếp tục mua ròng trên 2 sàn. Tuy nhiên, số lượng mua chỉ tập trung ở một số mã, còn khoảng 200 cổ phiếu có thị giá dưới 5.000, hầu như giao dịch rất thấp.
Theo số liệu được tổng hợp bởi Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT (VND), trong một tháng gần nhất nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mua ròng chứng khoán.

Cụ thể, tổng khối lượng mua vào vẫn cao hơn tổng khối lượng bán ra khoảng 10,8% (gần 13 triệu cổ phiếu), tương đương giá trị giao dịch mua vào cũng cao hơn 21,3% (trên 330 triệu đồng) so với bán ra.

 
Thống kê trong 3 tháng gần nhất cũng cho số liệu khá lạc quan về giao dịch của khối ngoại. Trong đó, tổng khối lượng mua vào vẫn cao hơn bán ra khoảng 30%, tổng giá trị mua vào cao hơn bán ra khoảng 6,1%.
 

Thống kê cho thấy, những mã mà khối ngoại hướng tới tập trung chủ yếu vào cổ phiếu thuộc hàng "đại gia". Cụ thể, 10 chứng khoán có giá trị vốn hóa lớn như VNM, GAS, MSN, VCB, VIC, STB, BVH, EIB, ACB, DPM chiếm tới 66,3% tổng giá trị tài sản của khối này; 694 cổ phiếu còn lại chỉ chiếm 31,62%.
 
Cũng theo số liệu thống kê của VND, với gần 200 mã thị giá dưới 5.000 đồng trên hai sàn và xuất hiện giao dịch của cổ đông ngoại, trong 3 tháng gần nhất, tổng giá trị mua vào chỉ đạt 246 tỷ đồng, bán ra 187 tỷ đồng. So với giá trị giao dịch chung toàn sàn trong 3 tháng, hai con số trên chỉ chiếm lần lượt trên 2,5% và 2%.
 
Xét về khối lượng giao dịch, 3 tháng, 200 mã này cũng chỉ giao dịch với khối lượng mua vào trên 38 triệu, bán ra ra gần 32 triệu cổ phiếu. So sánh với tỷ lệ toàn sàn, khối lượng giao dịch trên chỉ chiếm tương đương mức 9% và trên 11%.
 

Theo ông Nguyễn Việt Đức – Giám đốc phân tích Quỹ Sài gòn Hà Nội (SHF), có 2 loại cổ phiếu mà các tổ chức đầu tư nước ngoài ít mua vào. Thứ nhất là cổ phiếu penny, thứ hai là chứng khoán có thị giá thấp (có thể là những mã blue chip).
 
Lý giải về điều này, theo ông Đức: "Tổ chức đầu tư nước ngoài thường có vốn rất lớn và chơi theo các chỉ số. Với những mã penny hay có thị giá thấp, tổng cộng vốn chỉ được khoảng vài trăm tỷ. Như vậy, xét về quy mô và cộng thêm luật sở hữu 49% của cổ đông ngoại, thì lượng đầu tư quá nhỏ so với danh mục của họ".
 
"Còn khi khối ngoại mua cổ phiếu có giá 4.000 đến 5.000, thì chủ yếu họ có mục đích chi phối doanh nghiệp. Còn những quỹ đầu tư kiểu lâu dài, họ đánh giá chủ yếu dựa vào chỉ tiêu tài chính. Cổ phiếu có giá 4.000 đến 5.000 thường có vấn đề rất lớn về cơ bản, ví dụ lỗ nhiều năm, tình hình kinh doanh thất thường, triển vọng ko có...", ông Đức nói.
 
Cũng theo Giám đốc phân tích SHF, nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam rất nắm tương đối rõ những thông tin về cổ phiếu trong nhóm VN30. "Còn cổ phiếu penny, đến nhà đầu tư VN còn chẳng nắm chắc thì làm sao khối ngoại biết tường tận được. Đồng thời, riêng rào cản ngôn ngữ cũng cản trở họ tìm hiều hoạt động công ty", ông Đức nhận xét.
 
Nhà đầu tư ngoại cũng tránh mua cổ phiếu penny và cổ phiếu mệnh giá thấp.

Trao đổi với PV, ông Bruce Wilcox - nhà đầu tư người Mỹ cho rằng: "Chơi cổ phiếu giá rẻ thường giống như kiểu đánh bạc. Cá nhân tôi không thích đánh cược với những mã rẻ như vậy"
 
"Khi lựa chọn cổ phiếu, tôi chú trọng vào giá trị và tiềm năng tăng trưởng. Đồng thời, tôi cũng sẽ chỉ đầu tư vào những doanh nghiệp mà tôi nắm đầy đủ thông tin cùng lĩnh vực hoạt động của họ.

Những công ty tốt nhất hoặc thứ nhì trong từng ngành riêng biệt, có tiềm năng tăng trưởng tốt là lựa chọn hàng đầu. Với cổ phiếu của những doanh nghiệp như vậy, tôi sẽ săn lùng chúng ở mức giá rẻ nhất", ông Burce nêu quan điểm.


Theo VnExpress

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích