Đừng kéo dài độc quyền vàng!

Thứ hai, 22/10/2012, 08:05
Ông Huỳnh Trung Khánh, chuyên gia có 20 năm nghiên cứu về vàng, nhận định chính sách độc quyền vàng hiện nay chỉ là tạm thời; về lâu dài, chúng ta phải mở cửa lại từng phần để tránh những hệ lụy.
Giá vàng trong nước chốt ngày cuối tuần ở mức 46,6 triệu đồng/lượng, cao hơn thế giới 3,3 triệu đồng/lượng và mốc này duy trì liên tục những ngày qua. Vì sao như vậy, thưa ông?

Chênh lệch là do chúng ta đang theo một thương hiệu vàng miếng SJC duy nhất trong khi nguồn cung hạn chế. Những loại vàng miếng khác, vàng nữ trang nguyên liệu không chênh lệch nhiều với giá thế giới. Điều này xuất phát từ sự bất cân xứng trong cung cầu.
 

Hiện ngay cả những ngân hàng (NH), người dân đều muốn mua vàng SJC thay vì vàng thương hiệu khác, tạo ra nhu cầu ảo, gây chênh lệch. Muốn rút ngắn chênh lệch, cách đơn giản nhất là cung phải đủ cầu, sản xuất đủ vàng SJC cung ứng ra thị trường.
 
* Nếu sau ngày 25-11-2012, các NH thương mại chưa tất toán xong trạng thái vàng, điều gì sẽ xảy ra?
 
- Nguyên tắc là sau ngày 25-11, các NH thương mại phải tất toán. Đến giờ, NH Nhà nước chưa cho phép gia hạn thêm nên các NH phải cố gắng đáp ứng được quy định này. Cũng không nên gia hạn lần nữa vì nếu cứ gia hạn nhiều lần sẽ khiến các NH ỷ lại và chưa biết bao giờ đóng được trạng thái.
 
* Việt Nam có thể huy động vàng trong dân rồi cho vay?
 
- Chúng ta có nhiều phương thức khai thác nguồn vàng vật chất sao cho an toàn tuyệt đối. Có thể cho những công ty vàng bạc đá quý, sản xuất vàng trang sức lớn có uy tín, có niêm yết, bản cáo bạch hay báo cáo tài chính hằng năm rõ ràng để cho vay.

Điều kiện đi kèm là phải mua những hợp đồng phái sinh như hoán đổi, quyền chọn… để có thể mua vàng vật chất trả lại cho NH.
 
Khi NH thấy công ty áp dụng những công cụ an toàn họ sẽ cho vay theo hạn mức. Ví dụ, một công ty vàng có vốn điều lệ 1.000 tỉ đồng, có thể được NH cho vay 100 - 200 tỉ đồng trong giới hạn công ty có thể trả lại.

Các NH phải thẩm định mức cho vay với quy chế rõ ràng nhằm hạn chế rủi ro ở mức thấp nhất. “Chơi” vàng rất rủi ro nên với Việt Nam, bài toán khó ở chỗ huy động rồi sử dụng như thế nào để tránh rủi ro là quan trọng nhất.
 
 
Bài toán này dường như vẫn chưa có lời giải làm cho NH Nhà nước đến giờ chưa ban hành chính sách huy động vàng. Huy động vàng sẽ thông qua các NH thương mại nhưng phải “chia” quyền lợi cho họ với tinh thần tất cả cùng thắng.

Điều này rất khó nhưng phải tìm bởi không thể để một khối vàng khổng lồ nằm trong dân, nhất là trong bối cảnh nợ xấu nhiều. Chỉ cần khoảng 10 tỉ USD là nền kinh tế Việt Nam “khỏe” ra, giải quyết được mọi vấn đề thanh khoản, nợ xấu…


Sản xuất, gia công vàng SJC - thương hiệu vàng độc quyền hiện nay.

* Dù Nghị định 24/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 25-11-2012 nhưng đến nay, thị trường vàng vẫn chưa giải quyết được những vấn đề muôn thuở như chênh lệch, sốt giá… Phải chăng do không liên thông vàng với thế giới?
 
- Bản thân với 20 năm nghiên cứu thị trường vàng Việt Nam, đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của thị trường khi còn đóng - mở cửa, tôi cho rằng sớm muộn NH Nhà nước cũng phải mở cửa lại thị trường vàng thay vì độc quyền như hiện nay bởi không thể nào cấm được. Một bài học chúng ta đã thấy là Trung Quốc.
 
Khoảng 10 năm trước, Trung Quốc kiểm soát chặt thị trường vàng gần như 100%, thậm chí NH trung ương còn ấn định giá mua bán vàng. Nhưng nay, họ chỉ quản lý xuất nhập khẩu vàng, có thể vì hiện nước này sản xuất khoảng 2/3 nhu cầu vàng trong nước nên chỉ nhập vàng để tăng dự trữ ngoại hối.

Vàng miếng Trung Quốc được tập trung vào 5 NH thương mại lớn nhất rồi có sở giao dịch vàng Thượng Hải mua bán vàng vật chất qua chứng chỉ… Việt Nam đang quay lại thời kỳ tương tự của Trung Quốc 10 năm trước, dù đến nay Nhà nước chưa ấn định giá vàng. Ngay cả Lào, Campuchia hiện cũng đã tự do hóa vàng.

 
* Nghĩa là chúng ta không nên độc quyền vàng mà để thị trường tự do liên thông với thế giới?
 
- Tôi hy vọng độc quyền vàng hiện nay chỉ là một giai đoạn trong quá trình quản lý, khi thị trường vàng đang có nhiều bát nháo và NH Nhà nước cần lập lại trật tự trong thị trường vàng. Nhưng về lâu dài, chúng ta phải mở cửa lại từng phần, không thể kiểm soát 100% vì rất dễ ẩn lậu dù có kiểm tra, kiểm soát.

Cách đây 10 năm, cả nước có khoảng 6.000 đơn vị kinh doanh vàng còn kiểm tra không nổi, giờ con số này hơn 12.000 doanh nghiệp vàng làm sao quản lý?
 
Doanh nghiệp vàng có trăm phương ngàn kế để lách khi họ buôn bán có lời. Câu chuyện này giống như quản lý USD, khách lạ không bán nhưng người quen mua bao nhiêu cũng được!

Chưa kể USD khó làm giả, biến dạng nhưng với miếng vàng SJC, chỉ cần dùng đèn gò 5 phút là miếng vàng trở thành vàng cục… không thể kiểm soát được. Không cho buôn bán vàng miếng thì họ mua bán vàng nguyên liệu, vàng cục, nữ trang...

 
Cũng nên nhập vàng
 
* Chúng ta có nên nhập khẩu vàng để giải tỏa “cơn khát” vàng hiện nay?
 
- Về mặt chính sách, chúng ta không dư thừa ngoại tệ thì không nên cho nhập vàng bởi USD nằm trong dự trữ ngoại hối NH Nhà nước có thể quản lý được, còn vàng nhập về sẽ nằm trong dân.

Nhưng tùy quan điểm, nếu xem vàng là ngoại tệ mạnh thì nhập vàng không có vấn đề gì, vàng nhập về vẫn nằm trong nước ta.

Ở các nước, vàng được xem là ngoại tệ mạnh. Khi đó, vàng đổi ra ngoại tệ không là vấn đề lớn nhưng phụ thuộc vào việc điều hành linh hoạt chính sách ngoại hối của Nhà nước.

 
Theo NLĐ

Các tin cũ hơn