Vàng miếng: Độc quyền thành đặc quyền

Thứ tư, 24/10/2012, 14:17
Giá vàng trong nước đang cao hơn hẳn giá thế giới, có lúc tới khoảng 3 triệu đồng/lượng, mà chưa thấy người có trách nhiệm về ngành tài chính có lời giải thích. Điểm đáng chú ý là không phải người dân đổ xô mua vàng làm giá vàng tăng như mọi lần. Theo Tiến sĩ Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, trong bối cảnh biến động thị trường vàng, không nên biến từ độc quyền Nhà nước sang đặc quyền doanh nghiệp.
Có phải một số ngân hàng ráo riết mua vào đã đẩy giá vàng lên cao không, thưa ông?
 
Thị trường vàng trong nước vừa qua biến động mạnh, đặc biệt là tiến gần tới ngày 25.11, khi Ngân hàng Nhà nước không cho ngân hàng huy động và cho vay bằng vàng. Có thể, một số ngân hàng chủ quan bán vàng của người dân lấy lãi, nay phải mua bù đắp vào nên tạo cầu lớn.
 
Ông có cho rằng một nguyên nhân đẩy giá vàng lên cao còn là do sự độc quyền của SJC?
 
Đó cũng là điều cần xem lại. Có thể độc quyền Nhà nước giúp dập vàng miếng đúng chất lượng, nhưng không nên biến độc quyền đó thành đặc quyền doanh nghiệp.
 
Tiến sĩ Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Có chuyện khá lạ trên thị trường là vàng không được định giá theo tuổi, mà lại theo thương hiệu. Vì vàng phi SJC chỉ cần gia công lại để mang thương hiệu SJC thì giá bán đã tăng hơn giá cũ từ 1-1,5 triệu đồng/lượng. Như thế vàng trở về đúng giá trị của nó hay đó là hệ quả của sự đặc quyền?
 
Trước năm 1975, ở miền Nam vàng miếng cũng có vài thương hiệu uy tín được ưa chuộng. Do đó thương hiệu cũng tác động đến giá vàng.
 
Chuyện chọn thương hiệu vàng nào để mua là quyền của người dân. Nhà nước không nên khẳng định thương hiệu nọ hơn thương hiệu kia. Quan trọng nhất là việc quản lý chất lượng vàng của các thương hiệu phải được đảm bảo. Nếu một doanh nghiệp vàng đưa ra sản phẩm không đủ chất lượng, lừa dối người dân, thì Nhà nước phải xử lý.
 
Khi ngân hàng không được huy động vàng trong dân thì theo ông, tình hình sẽ ra sao?
 
Mục tiêu quản lý vàng là phải huy động được vàng trong dân, cho vàng vận động trong nền kinh tế. Còn làm thế nào thì có nhiều cách.
 
Nếu ngân hàng huy động vàng của dân thì sau đó Ngân hàng Nhà nước có thể tái chiết khấu lại lượng vàng đó và thay dự trữ ngoại tệ bằng dự trữ vàng. Khi Ngân hàng Nhà nước công bố lãi suất cơ bản, các ngân hàng thương mại có thể căn cứ đó để đưa ra mức lãi suất huy động ở mức rất thấp so với tiền đồng. Nhưng phải có lãi suất mới huy động được vàng trong dân.
 
Nhưng Chỉ thị số 05 của Ngân hàng Nhà nước lại quy định rằng giữ hộ vàng không trả lãi cho người gửi?
 
Tôi không nghĩ như vậy là hợp lý. Vì người dân cất giữ vàng và coi vàng như một kênh đầu tư. Cho nên thay vì chúng ta huy động ngoại tệ thì có thể huy động vàng. Lãi suất có thể thấp nhưng không thể không có.
 
Vàng cũng là phương tiện tích trữ quốc gia. Do đó, việc chỉ giữ hộ thì cần xem xét lại. Thay vào đó, có thể huy động với lãi suất thấp.
 
Cũng có quan điểm nên tạo các sàn giao dịch vàng và Nhà nước quản lý qua sàn?
 
Đó là một gợi ý để tham khảo. Nhưng cần lưu ý chúng ta đã từng mở sàn giao dịch vàng và việc mua bán vàng ảo rất nguy hiểm, do thị trường vàng trong nước chưa liên thông với thị trường quốc tế. Không khéo lại biến sàn giao dịch vàng thành chỗ cờ bạc. Cũng có ý đề xuất tạo một thị trường bán buôn, trong đó các đơn vị nhập khẩu, dập vàng miếng và người dân có thể mua bán vàng đó.
 
Để quản lý thị trường vàng hiệu quả, cần có một quan niệm xuyên suốt?
 
Trước hết nguyên tắc quản lý vàng phải giống như quản lý ngoại tệ, đặc biệt là vàng miếng. Thứ hai là trên thực tiễn, quan trọng không phải bao nhiêu tiệm bán vàng, bao nhiêu vàng, mà việc mua bán vàng miếng phải có hệ thống thông tin.

Nhiều nước, ngân hàng trung ương nắm được thông tin báo cáo thống kê rõ ràng để biết hằng ngày lượng vàng miếng những nơi cung cấp vàng bán ra mua vào như thế nào, bán ở đâu và dự trữ thế nào. Những thông tin đó phải được cập nhập, để ngân hàng trung ương không cần nắm miếng vàng cụ thể, nhưng vẫn biết lượng vàng đang giao dịch trên thị trường như thế nào, thì đó mới là quản lý.

 
Chúng ta phải nắm rõ được bao nhiêu người mua, mua bao nhiêu thì mới thực tế và ra chính sách quản lý chính xác. Không nên gây sốc bằng việc cho đơn vị nào đó được độc quyền mua bán. Như thế rất nguy hiểm cho thị trường.


Theo NCĐT

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích