Các nhà nhập khẩu hàng hóa tư nhân Việt Nam đang trong tầm ngắm của Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Mỹ (US Eximbank) với khoản cung cấp tín dụng có thể lên tới 1,5 tỉ USD. Dưới đây là những chia sẽ của ông James S. Lewis, Viên chức cấp cao Phát triển kinh doanh khu vực châu Á - Thái Bình Dương của US Eximbank, xung quanh vấn đề này.
Vì sao US Eximbank bắt đầu quan tâm tới khối doanh nghiệp tư nhân Việt Nam?
Có 2 lý do chính. Thứ nhất, Quốc hội Mỹ đã quy định ít nhất 20% hoạt động kinh doanh của US Eximbank phải hỗ trợ khối doanh nghiệp nhỏ và vừa Mỹ. Hiện nay, chúng tôi dành khoảng 85% các khoản vay cho khối này để hỗ trợ họ trong hoạt động xuất khẩu.
Vì vậy, chúng tôi cũng muốn hỗ trợ cho khối doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam khi họ mua hàng từ các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Mỹ. Nguồn vốn vay này cũng sẽ tạo niềm tin cho doanh nghiệp Mỹ khi bán hàng hóa sang Việt Nam. Thứ hai, hoạt động tín dụng này cũng phù hợp với chính sách hỗ trợ khối doanh nghiệp nhỏ và vừa đang được các nước thuộc Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á triển khai.
Ông James S. Lewis, Viên chức cấp cao Phát triển kinh doanh khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
US Eximbank sẽ thực hiện hoạt động tín dụng này tại Việt Nam như thế nào?
Tháng 6.2010, Chủ tịch US Eximbank Fred P. Hochberg đã ký kết thỏa thuận trị giá 500 triệu USD với Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) nhằm gia tăng cơ hội mua hàng từ Mỹ cho các doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời góp phần vào mục tiêu tăng trưởng gấp đôi xuất khẩu của Mỹ vào năm 2015.
Tháng 2 năm nay, khoản tín dụng này đã được chúng tôi điều chỉnh lên mức 1,5 tỉ USD nhằm hỗ trợ các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, năng lượng tái tạo, môi trường, thiết bị y tế... Và không chỉ dừng lại ở các dự án của Nhà nước mà US Eximbank còn mong muốn hợp tác với các doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam đang có nhu cầu vay vốn để nhập khẩu hàng hóa của Mỹ.
Trong chuyến đi này, tôi đã tham gia hội thảo với một số ngân hàng thương mại cổ phần và doanh nghiệp nhập khẩu nhằm xúc tiến việc cho vay. Phản hồi của họ là khá tích cực và tôi hy vọng US Eximbank sẽ sớm giải ngân cho các hợp đồng vay vốn, nhất là các dự án có quy mô nhỏ và vừa trong thời gian tới.
Vậy các doanh nghiệp muốn vay vốn có thể nộp đơn trực tiếp lên US Eximbank hay phải qua các ngân hàng trong nước?
Chúng tôi sẽ hợp tác với các ngân hàng Việt Nam để xét duyệt và thẩm định hồ sơ vay của doanh nghiệp trước khi giải ngân. Tôi đã làm việc với 6-7 ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam nhằm xúc tiến các khoản cho vay ngắn hạn. Tuy nhiên, theo thỏa thuận giữa hai bên, thông tin sẽ được giữ kín, trừ phi các ngân hàng này tự công bố.
Ông đánh giá như thế nào về nợ xấu của các ngân hàng Việt Nam?
Đây cũng là mối quan ngại hàng đầu của chúng tôi. Vì thế, US Eximbank sẽ tập trung cho các khoản vay ngắn hạn trong 6 tháng, với sự bảo lãnh của ngân hàng Việt Nam. Còn những khoản vay lớn dài hạn của các tập đoàn nhà nước thì đã được Bộ Tài chính đảm bảo. Nói chung, các ngân hàng mà US Eximbank đã chọn hợp tác là các định chế tài chính có uy tín.
Khoản tín dụng 1,5 tỉ USD đã và đang được US Eximbank ưu tiên cho các dự án vay thuộc những lĩnh vực nào?
Đối với các dự án lớn, chúng tôi quan tâm đến những lĩnh vực như năng lượng tái tạo, môi trường, cơ sở hạ tầng, vận tải… có bảo lãnh của Nhà nước. Còn đối với những dự án của khối doanh nghiệp tư nhân, chúng tôi không giới hạn lĩnh vực nào cả. Tất nhiên, US Eximbank sẽ ưu tiên cho các hợp đồng vay vốn để nhập khẩu hàng hóa của Mỹ.
Ông có thể cho biết hoạt động tín dụng của US Eximbank tại Việt Nam thời gian qua?
Năm 2011, US Eximbank đã ký các hợp đồng cho vay trị giá 36 triệu USD. Năm 2012 chúng tôi dự kiến giải ngân 230 triệu USD nhằm đạt mục tiêu cho vay lên tới 1,5 tỉ USD tại Việt Nam trong thời gian tới. Số vốn này hiện đã sẵn sàng để giải ngân.
Có thể điểm qua một số dự án lớn mà chúng tôi đã cho vay ở Việt Nam. Năm 2006, Vietnam Airlines đã được ngân hàng chúng tôi bảo lãnh tài chính hơn 400 triệu USD để mua 4 máy bay Boeing 787 và động cơ.
Mới đây nhất là đầu tháng 10.2012, US Eximbank đã phê duyệt khoản vay trị giá 118 triệu USD cho VNPT để mua vệ tinh viễn thông và các hàng hóa, dịch vụ khác từ Lockheed Martin (Mỹ). Khoản vay này tương đương với 50% vốn đầu tư cho vệ tinh Vinasat 2.